Đang có một cuộc di cư chưa từng có ở Anh
Trong bối cảnh Anh vừa bị Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích do thiếu chuyên nghiệp tại các cuộc đàm phán Brexit (Anh rời khỏi EU), thì các công dân của EU đang sinh sống tại quốc gia này cũng cảm thấy họ không được hoan nghênh.
Tiến trình Brexit đang dậm chân tại chỗ. Ảnh: thedrinksbusiness. |
Theo đó, số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) chỉ ra rằng, kể từ tháng 7-2016 (khi Anh tuyên bố sẽ Brexit) đến tháng 3-2017 đã có hơn 122.000 công dân EU rời khỏi nước này (hay còn gọi là Brexodous).
Chia sẻ của công dân EU tại Anh
Lukasz, một người Ba Lan sinh sống tại Anh từ năm 8 tuổi cho hay: "Tôi không còn cảm thấy mình được chào đón ở nơi này nữa. Cảm giác này giống như đang đi ở nhờ nhà người khác vậy".
Chia sẻ của thanh niên 28 tuổi người Ba Lan này chỉ là một trong số hàng trăm ngàn công dân EU đang xem xét để "Brexodous" sau khi nước này quyết định Brexit.
Các chuyên gia cho biết, số lượng công dân EU rời khỏi Anh sẽ không dừng lại ở con số 122.000 mà sẽ vẫn tiếp tục tăng lên. Đây có thể coi là cuộc di cư chưa từng có tại quốc gia này.
Lukasz chia sẻ, anh đã chuyển tới London vào năm 8 tuổi khi mẹ của anh được mời sang đây làm việc. Và kể từ khi đó, anh vẫn luôn coi xứ sở sương mù là quê hương của mình.
Tỉ lệ công dân EU sinh sống tại Anh ngày càng giảm. Ảnh: ONS. |
"Tôi rất thích sự đa dạng về con người và văn hóa ở đây. Không ai giống nhau và tôi đã gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều bạn bè quốc tế. Tuy nhiên kể từ khi nước Anh trưng cầu dân ý để Brexit và phải chứng kiến việc một học sinh bị đâm vào cổ vì nói tiếng Ba Lan, tôi đã thực sự hoảng loạn và cảm thấy nơi này không chào đón mình. Ngoài ra, ai đó đã viết dòng chữ "Hãy biến đi" lên một cửa hàng của người Ba Lan gần với nơi tôi sống", Lukasz nói.
Theo Lukasz, vấn đề phân biệt chủng tộc đang gia tăng trong xã hội Anh. Lukasz đã sống ở đây 20 năm và đây là lần đầu tiên anh thấy những điều tồi tệ này xảy đến. Lukasz lo cho bản thân, lo cho gia đình và cũng lo "người ta" sẽ có cái nhìn sai lệch về đất nước mà anh coi là quê hương thứ hai.
Matteo Mencarelli, một người Italia sinh sống tại Anh cũng đã chuyển tới Sofia (Bulgaria) sau khi nước này tuyên bố Brexit. Mencarelli chia sẻ: "Tôi sẽ nhớ những người bạn của mình ở thành phố này. Nhưng điều khiến tôi lo lắng chính là nước Anh đang tự cô lập mình và điều này thì hoàn toàn bất lợi."
Mencarelli hy vọng, khi "bụi" lắng xuống và một thỏa thuận hợp lý được đưa ra thì chúng tôi sẽ có thể quay trở lại Anh quốc, với một động lực mới và những niềm vui mới.
Một trường hợp khác, Eva Scheffer - nữ nhân viên cứu hộ người Hà Lan làm việc tại Anh cũng đã quyết định tới Trung Đông để ổn định cuộc sống vì lo ngại những nguy cơ về Brexit.
"Tôi rất lo cho những người bạn của mình, bởi phần lớn họ chưa đạt ngưỡng sinh sống trong vòng 5 năm liên tục tại đây. Hầu hết chỉ vào khoảng 3 hoặc 4 năm mà thôi. Chính vì thế tôi rất có thể họ sẽ buộc phải rời khỏi Anh sau Brexit", Scheffer cho hay.
Thêm vào đó, Eva cũng bối rối khi nghĩ tới việc những sinh viên và công dân Anh quốc sẽ mất đi nhiều cơ hội được học tập và trao đổi với các nền văn hóa khác tại lục địa già. Và với một tư duy khép kín, nước Anh sẽ tụt hậu lúc nào không biết.
Người Anh nói gì?
Các tổ chức đại diện cho những công dân EU sống tại Anh đã nhóm họp và yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đưa ra cam kết đảm bảo điều kiện cho các công dân EU tại đây. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, với tình hình hiện nay, vấn đề này chưa thực sự được bà May đặt làm ưu tiên.
Bà May và các cộng sự đang thể hiện sự không nhất quán trong đàm phán Brexit. Ảnh: Getty. |
Hiện tại, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU vẫn bế tắc do bất đồng trên nhiều chính sách quan trọng. Trong vòng đàm phán mới nhất vào trung tuần tháng 7 vừa qua, EU và Anh thừa nhận có sự khác biệt lớn trong quan điểm về chính sách biên giới, quyền công dân của đôi bên và số tiền Anh phải trả để rời EU.
Bộ trưởng Di cư Anh Brandon Lewis phát biểu: "Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để tỉ lệ di cư giảm xuống. Điều ảnh sẽ ảnh hưởng cấp tính tới lực lượng lao động, gây ra nhiều hệ quả khác đối với nền kinh tế và các dịch vụ công của Anh."
Cùng với đó, rất nhiều tập đoàn lớn của nước này đã bày tỏ quan ngại sâu sắc sau khi Văn phòng Thống kê Quốc gia công bố bản báo cao này. Việc công dân EU tiếp tục di cư là nguyên nhân dẫn tới chảy máu chất xám trong nhiều ngành công nghiệp chủ chốt tại Anh.
Tóm lại, giới chuyên gia cho rằng, việc Cao ủy EU mới đây lên tiếng chỉ trích Anh không nhất quán trong đàm phán Brexit là hoàn toàn có cơ sở. Một bên cảm thấy "không được hoan nghênh" và "phân biệt chủng tộc", một bên thì không muốn "chảy máu chất xám" nhưng "hành động nửa chừng". Vì thế, trong khi đàm phán Brexit vẫn "dậm chân tại chỗ" thì Brexodous sẽ tiếp tục tăng.