Công chúa Thái Lan khó lòng tiếp tục dấn thân vào chính trường

Chủ Nhật, 10/02/2019, 19:30
Đảng chính trị Raksa Chart của Thái Lan, đảng đề cử Công chúa Thái làm ứng viên tranh cử Thủ tướng, có thể đối mặt với lệnh cấm tham gia cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3 tới.
Chủ tịch đảng Raksa Chart, Preechapol Pongpanich, cầm lá đơn đề cử công chúa Sirivadhana Barnavadi. Ảnh Reuters. 

Ủy ban Bầu cử Thái Lan sẽ tái họp vào ngày 11-2 để xem xét việc ứng cử của Công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi,  người đã gây ra “cú sốc” toàn quốc vào tuần qua khi bà tuyên bố mình tranh cử cho vị trí Thủ tướng, đại diện cho một đảng dân túy trung thành với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Tuyên bố của bà đã nhanh chóng nhận phải lời quở trách từ phía Vua Maha Vajirusongkorn, em trai của bà, người đã đưa ra một tuyên bố rằng việc chị gái tham gia vào chính trị là một điều hết sức không phù hợp đối với truyền thống của hoàng gia.

Cuộc bầu cử, dự kiến diễn ra ngày 24-3 tới, sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ diễn biến chính trị tại Thái Lan năm 2014. Lãnh đạo Chính phủ hiện tại của Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cũng sẽ tham dự cuộc đua này với tư cách là ứng viên của một đảng ủng hộ quân đội. Ủy ban bầu cử Thái Lan có thời hạn đến ngày 15-2 để đưa ra quyết định có công nhận hay không việc công chúa được đề cử.

Theo Reuters, sẽ có rất ít khả năng các thành viên của ủy ban sẽ đi ngược lại mong muốn của Vua Thái Lan, một người rất được kính trọng trong xã hội Thái Lan.

Việc công chúa Sirivadhana Barnavadi được đề cử thực sự là một động thái hết sức bất ngờ. Công chúa Sirivadhana Barnavadi trước đó cũng từng có nhiều hoạt động “lạ” khác như từng xuất hiện trong các vở nhạc kịch và cả một bộ phim hành động của Thái Lan, thậm chí là từ bỏ tước hiệu hoàng gia khi đồng ý kết hôn với một người Mỹ.

Ngày 10-2, một nhà hoạt động chính trị của Thái Lan cho biết ông sẽ đệ đơn kiến nghị loại bỏ đảng Raksa Chart ra khỏi cuộc đua. “Tuyên bố của hoàng gia cho thấy rõ rằng đảng này đã vi phạm luật bầu cử”, ông Sistuwan Janya, Tổng Thư ký Hiệp hội bảo vệ Hiến pháp Thái Lan cho biết. Ông Sistuwan cho biết rằng khiếu nại của ông lên Ủy ban bầu cử sẽ yêu cầu Tòa án Hiến pháp giải tán đảng này.

Chủ tịch đảng Raksa Chart, Chaturon Chaisaeng, chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề này. Đảng này cho biết họ sẽ chấp nhận thông điệp của nhà Vua và “tiến đến đấu trường bầu cử để giải quyết các vấn đề của quốc gia”.

Hoàng gia Thái Lan trước nay có truyền thống “tránh xa” chính trị, và Luật bầu cử của nước này cũng cấm các đảng sử dụng chế độ quân chủ trong chiến dịch tranh cử.

Duy Tiến
.
.
.