Chuyến thăm "phá băng" quan hệ Nga-Pháp của Tổng thống Vladimir Putin

Thứ Ba, 30/05/2017, 08:55
Ngày 29-5, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người trong quá khứ thường chỉ trích các chính sách của Moscow đã có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Cung điện Versailles. Đây được coi là những dấu hiệu tích cực cho mối quan hệ song phương vốn đang căng thẳng giữa hai nước.

Hãng tin RT của Nga cho biết, tân Tổng thống Pháp đã mời ông Vladimir Putin thăm chính thức nước này và tham dự lễ khánh thành một cuộc triển lãm lớn kỷ niệm 300 năm ngày Sa hoàng Peter Đại đế sang Pháp năm 1717. Lời mời này được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo hôm 18-5. 

Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nhất trí tiếp tục thảo luận về các cuộc khủng hoảng trong khu vực như ở Ukraine và Syria bất chấp những quan điểm trái ngược hiện nay giữa hai bên. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo cũng đề cao mối quan hệ ngoại giao lâu đời giữa hai nước và cho rằng hai bên nên đoàn kết để giải quyết các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.

Bản thân ông Emmanuel Macron khi trả lời phỏng vấn báo giới cũng nói: "Tôi tôn trọng Nga và tôi đã mời ông Vladimir Putin cùng tham gia và phát triển mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước kéo dài 300 năm qua". Đồng thời, người đứng đầu Điện Elysee cũng thừa nhận tầm quan trọng của cuộc đối thoại với Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Pháp theo lời mời của tân Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: Sputnik.

Ông Emmanuel Macron nói: "Nhiều vấn đề quốc tế không thể giải quyết nếu không có Nga. Bản thân tôi cũng đang có kế hoạch đối thoại với Tổng thống Nga tất cả các vấn đề"... 

Báo chí Pháp cũng đánh giá, đây là cơ hội không thể tốt đẹp hơn để thúc đẩy trở lại mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin cũng sẽ tạo cơ hội cho hai nhà lãnh đạo "thảo luận về tình hình và triển vọng phát triển quan hệ trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, kinh tế, văn hóa và nhân đạo". 

Trợ lý về chính sách đối ngoại trong Điện Kremlin, Yuri Ushakov nói thêm: "Các Tổng thống sẽ thảo luận về tình hình các cuộc tiếp xúc chính trị giữa hai nước được diễn ra trước đó mà không làm phía Nga hài lòng". 

Còn chuyên gia Sergei Fedorov thuộc Viện châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học Nga thì nhận định, cuộc gặp giữa ông Vladimir Putin và ông Emmanuel Macron tại Pháp đem đến nhiều tín hiệu tích cực và là động lực để đưa quan hệ hai bên lên mức độ tin tưởng nhau hơn.

Trên thực tế, trước đây, khi còn tranh cử Tổng thống, ông Emmanuel Macron là người hay chỉ trích chính sách của Nga và có quan điểm độc lập nhất với Moscow so với các ứng cử viên khác như ông Fillon bị mang tiếng làm ăn với Nga còn bà Le Pen bị cáo buộc nhận tiền từ Nga. 

Chính quyền Moscow thì cũng không mấy hài lòng với ông Emmanuel Macron bởi ông cáo buộc các hacker từ Nga tấn công website tranh cử của ông. Tuy nhiên, kể từ khi trúng cử, tân Tổng thống Pháp lại thể hiện mình là một nhà lãnh đạo có tư duy mới và cởi mở về quan hệ quốc tế.

Về vấn đề này, chuyên gia Sergei Fedorov từng nói: "Xét về thực chất, tân Tổng thống Emmanuel Macron có quan điểm cứng rắn, quyết liệt hơn so với người tiền nhiệm là Francois Hollande trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Nhưng chính vì thế mà hai nhà lãnh đạo lại có thể tìm được tiếng nói chung vì cả Moscow và Paris đều có lợi ích trong vấn đề này".

Nhiều nhà phân tích khác thì cho rằng, trước đây, trong các nhà lãnh đạo châu Âu, ông Vladimir Putin chỉ đánh giá cao bà Angela Merkel, thậm chí vị Thủ tướng Đức còn được coi là người duy nhất nói chuyện được với Tổng thống Nga. 

Việc ông Emmanuel Macron có thể trở thành người đối thoại tiếp theo của ông Vladimir Putin cũng là diễn biến tích cực nhưng không có gì bất thường và cũng là điều dễ hiểu, cần làm bởi Nga và Pháp là hai quốc gia quan trọng trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). 

Một số người còn cho rằng, Tổng thống Vladimir Putin có thể sử dụng chính sách thắt chặt quan hệ với Pháp để phá vỡ thế bao vây của Liên minh Châu Âu (EU) với Nga. 

Tuy nhiên, điều đó cũng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa bởi trước đó, tân Tổng thống Emmanuel Macron từng nhấn mạnh rằng, ông sẽ không ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga cho đến khi nó đạt được "các nghĩa vụ" ở Ukraine. 

Được biết, trong gần 3 năm qua, quan hệ Nga-Pháp đã có nhiều lúc căng thẳng vì vấn đề Ukraine và lệnh trừng phạt mà EU áp dụng đối với Moscow. 

Hồi tháng 10 năm ngoái, chuyến viếng thăm thủ đô Paris (Pháp) của Tổng thống Vladimir Putin đã bị hủy bỏ khi Tổng thống Pháp Francois Hollande "miễn cưỡng" đáp ứng vì trước đó Moscow đã ngăn chặn đề nghị của Paris lên LHQ về vùng cấm bay ở Aleppo, Syria.

Gia Nam
.
.
.