Nga, Pháp bắt tay chống khủng bố

Thứ Bảy, 28/11/2015, 09:16
Tờ Nước Nga ngày nay (RT) đưa tin, trong cuộc hội đàm tối 26-11 tại Điện Kremlin giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Francois Hollande đang có chuyến thăm Moskva, hai nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về cách thức hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga. 

Hai bên đã nhất trí chia sẻ dữ liệu tình báo về cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố khác tại Syria để tăng hiệu quả của các chiến dịch không kích của hai nước.

Phát biểu tại buổi họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Hollande khẳng định Paris đã sẵn sàng chung tay với Moskva để đạt được thỏa thuận chung trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS. Ông chủ Điện Elysee cho biết ông và Tổng thống Putin đã nhất trí rằng, các cuộc không kích của hai nước sẽ được tập trung vào các nhóm thánh chiến và các cơ sở, vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát. Theo ông Hollande, “thật là quan trọng khi các cuộc không kích chỉ nhằm vào những kẻ khủng bố, như IS, và không nhằm vào các lực lượng đang chiến đấu chống khủng bố”. Hai bên sẽ trao đổi “thông tin về địa điểm nào nên tấn công, địa điểm nào không”. Tổng thống Pháp cũng đã lần đầu tiên chỉ ra sự cần thiết của việc tạo ra một liên minh rộng rãi chống IS với sự tham gia của Nga, đồng thời cho rằng Moskva cần đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị ở Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại buổi họp báo chung sau hội đàm tối 26-11. Ảnh: kremlin.ru.

Theo Tổng thống Pháp, cần thành lập chính quyền chuyển tiếp ở Syria, song đương kim Tổng thống Bashar al-Assad không thể có bất cứ vai trò nào tại Syria trong tương lai. Về phần mình, Tổng thống Putin chia sẻ sự mất mát của Chính phủ cũng như nhân dân Pháp sau thảm kịch Paris đêm 13-11, đồng thời bày tỏ rằng nước Nga cũng đang trong tình trạng tương tự sau sự kiện máy bay dân sự nước này bị đặt bom. Từ đó, ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh: “Tất cả những điều này buộc chúng ta cùng phải nỗ lực để chống lại một kẻ thù chung”. Đáp lại thiện ý của người đồng cấp Pháp, Tổng thống Putin cũng khẳng định quan điểm của Moskva là lúc nào cũng sẵn sàng hợp tác và điều này là vô cùng cần thiết. Nhà lãnh đạo Nga cũng nêu rõ rằng cuộc chiến chống khủng bố ở Syria sẽ không thể thành công nếu thiếu đi những chiến dịch trên bộ, và lực lượng duy nhất có thể làm việc này hoàn hảo nhất chẳng phải ai khác mà chính là quân đội Chính phủ Syria, những người trung thành với Tổng thống Assad. “Về vấn đề này, tôi nghĩ rằng, quân đội của Tổng thống Syria và chính bản thân ông Assad là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến này”, Tổng thống Putin giải thích, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết của một liên minh quốc tế chống khủng bố và thánh chiến. Tuy nhiên, Nga cũng sẵn sàng hành động một mình nếu không nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ phương Tây. Ông chủ Điện Kremlin đồng thời khẳng định những ai áp dụng chính sách hai mặt với khủng bố, sử dụng chúng hòng đạt được mục tiêu chính trị của mình là “chơi với lửa”: “Lịch sử cho thấy những hành động như vậy, sớm hay muộn chẳng khác gì sự đồng lõa”.

Liên quan tới vụ chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, Tổng thống Putin khẳng định không quân Thổ Nhĩ Kỳ không thể không nhận ra chiếc máy bay của Nga. Ông Putin cho biết, Nga không có ý định can thiệp vào số phận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, song lấy làm tiếc vì Ankara đã phá hỏng quan hệ song phương. Tổng thống Putin khẳng định dầu được chuyển từ Syria tới Thổ Nhĩ Kỳ trên quy mô công nghiệp và khó có thể tin rằng Ankara không biết điều này. Ông nhấn mạnh Nga sẽ tham vấn nghiêm túc với Mỹ về cách thức chia sẻ thông tin ở Syria và việc Moskva triển khai hệ thống phòng không S-400 ở Syria không nhằm chống lại các đối tác của Nga. Trong khi đó, từ Pháp, cũng trong ngày 26-11, nhà lập pháp Marie-Christine Arnautu, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề xã hội của đảng Mặt trận Dân tộc thuộc phe cực hữu, đã đưa ra đề xuất áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và chấm dứt tất cả các cuộc đàm phán về việc gia nhập Liên minh châu Âu của Ankara, vì đã “đứng về phía lực lượng cực đoan” sau vụ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga. Trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, bà Arnautu nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo nên một sai lầm lớn khi tấn công máy bay Nga đang trở về sau khi thực hiện một hoạt động chống khủng bố”. Nhà lập pháp này chỉ ra rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang gửi vũ khí và tiền cho lực lượng Hồi giáo và mở cửa biên giới. Bên cạnh đó, sau vụ bắn hạ máy bay Nga, Ankara thực sự đang tuyên chiến với những người đang tiến hành cuộc chiến chống khủng bố. Theo đó, cần phải có hành động nhanh chóng, tuy nhiên, quan điểm của Tổng thống Pháp về vấn đề này vẫn rất mơ hồ và chưa rõ ràng. Bà Arnautu bày tỏ hi vọng sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Putin, Tổng thống Hollande sẽ đưa ra lựa chọn cuối cùng: nhượng bộ sức ép của nhóm tài chính vì tiền và dầu, hay cứu Pháp và Nga bằng việc giúp đỡ liên minh thực sự muốn tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố và khi đó sẽ phát triển một liên minh thực sự với Nga và Syria.

Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu Pháp và Nga có thể cộng tác, và đặc biệt là hợp tác song phương trong lĩnh vực quân sự, nhiều khả năng trong tương lai sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều nước khác, như Jordan. Điều quan trọng không phải là việc hoạt động chung, mà là thiết lập một hệ thống cảnh báo có hiệu quả có khả năng ngăn ngừa những sự cố tương tự như vụ Su-24 mới xảy ra. Những bi kịch của Moskva và Pháp trong thời gian gần đây đã dẫn đến nhiều sự thay đổi trong quan hệ song phương. Paris không còn đòi hỏi sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nữa, và căng thẳng trên các phương tiện truyền thông Pháp cũng đã giảm. Điều làm người Pháp bằng lòng chính là hành động của các phi công Nga ở Syria. Họ đã ném bom vào các mục tiêu IS, với thông điệp dành cho các phần tử khủng bố rằng: “Cho chúng ta và cho Paris”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.