Vì sao Nga bắt giữ 3 tàu quân sự của Ukraine trên Biển Đen?

Thứ Hai, 26/11/2018, 13:37
Nga đã bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine với cáo buộc xâm phạm lãnh hải, trong một vụ việc có thể khiến căng thẳng giữa hai nước leo thang đáng kể trong thời gian tới.


Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) ngày 25-11 đã bắt giữ 3 tàu hải quân, gồm 2 tàu chiến cùng một tàu kéo có tên lần lượt là Berdyansk, Nikopol và Yana Kapu, cùng nhiều thủy thủ của Ukraine với cáo buộc các tàu này vi phạm lãnh hải Nga, bất chấp cảnh báo.


Tàu Nga truy đuổi tàu Ukraine trên Biển Đen. Video: RT

Theo thông cáo của FSB, khoảng 7h sáng (giờ Moscow), 3 tàu hải quân của Ukraine, xuất phát từ cảng Odessa, đã di chuyển qua vùng lãnh hải Nga trên Biển Đen rồi tiếp cận khu vực eo biển Kerch để đi vào biển Azov. Các tàu thường đi qua eo biển này sau khi nhận được sự cho phép của Nga nếu nó di chuyển đúng lịch trình đã thông báo trước.

Cách đây vài tháng, một tàu chiến Ukraine cũng đã thực hiện hải trình tương tự và đến đích dưới sự giám sát của các tàu cảnh sát biển Nga. Tuy nhiên, FSB nói rằng 3 tàu trong vụ việc lần này chưa nhận được sự chấp thuận của Moscow để đi qua eo biển Kerch bởi khu vực này đang tạm thời đóng cửa vì “lí do an ninh”.

Ngay lập tức, Nga đã điều tàu tới khu vực và yêu cầu tàu Ukraine rời khỏi vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, song các đề nghị này đã bị tàu Ukraine từ chối. Lực lượng an ninh Nga sau đó buộc phải nổ súng để ngăn chặn các tàu của Ukraine qua eo biển Kerch.

Tàu Nga và tàu Ukraine rượt đuổi không xa khu vực bờ biển do Nga kiểm soát. Ảnh: FSB

"Các con tàu này đã có những hành vi rất nguy hiểm, không tuân theo hướng dẫn từ cơ quan chức năng của Nga", FSB nhấn mạnh, đồng thời lên án hành động của tàu Ukraine là “khiêu khích”. Tuy nhiên, theo FSB 3 thủy thủ Ukraine bị thương trong vụ đụng độ vẫn được chăm sóc y tế đầy đủ.

Khoảng 11h30 (giờ Moscow), hai tàu chiến khác của Ukraine rời cảng Berdyansk nằm trên bờ biển Azov và tiếp cận eo biển Kerch từ phía đối diện, nhưng sau đó đã quay trở lại cảng và không tham gia vào vụ đụng độ.

Về phía Ukraine, hải quân nước này nói rằng họ đã truyền đạt với phía Nga mọi thông báo về hành trình này theo quy định của luật hàng hải quốc tế. Kiev khẳng định 3 con tàu bị người Nga bắt giữ chỉ đang làm nhiệm vụ đơn thuần và tuyên bố chúng bị bắt giữ khi đã ra khỏi lãnh hải Nga.

Bản đồ đường đi của nhóm 3 tàu chiến Ukraine từ cảng Odessa và 2 tàu chiến khác từ cảng Berdyansk trên biển Azov.

Trong 24h qua, Nga đã triển khai hàng loạt tàu chiến, tàu hàng phong tỏa dọc cây cầu bắc qua eo biển Kerch, cấm các phương tiện dân sự đi qua vùng biển này, đồng thời triển khai các biên đội cường kích Su-25 và trực thăng tấn công Ka-52 tuần tra xung quanh.

Trong khi đó, Ukraine đã tuyên bố tình trạng thiết quân luật trong vòng 60 ngày; kêu gọi các đối tác phương Tây có phản ứng; và đề nghị (Nga) trao trả các thủy thủ, tàu chiến bị bắt giữ, cũng như đền bù mọi thiệt hại về vật chất do vụ va chạm.

Vụ đụng độ vừa xảy ra được cho là sự cố hàng hải nghiêm trọng nhất giữa Nga và Ukraine kể từ năm 2014 tới nay, có thể làm gia tăng căng thẳng đáng kể giữa hai nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vụ việc này không bất ngờ bởi căng thẳng xung quanh eo Kerch đã âm ỉ từ lâu, khi các quan chức Ukraine cáo buộc Nga phong tỏa cửa ngõ duy nhất để tàu Ukraine tiến vào các cảng trên bờ biển Azov còn Moscow thì tố Kiev liên tục xâm phạm lãnh thổ một cách hung hăng.

Lối ra vào dưới gầm cầu Kerch kết nối biển Azov và Biển Đen. Ảnh: ITN

Được biết, biển Azov nằm giữa Nga và Ukraine, kết nối với vùng biển duy nhất khác là Biển Đen qua eo Kerch. Từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, eo biển này nằm dưới sự quản lý của Moscow.

Hồi tháng 5, Nga đã khánh thành cây cầu Kerch Strait nối Crimea và lục địa Nga, vắt ngang eo biển kết nối Biển Azov và Biển Đen. Cây cầu do người Nga xây dựng chỉ có một số điểm mở nhất định để tàu bè đi lại từ Biển Đen vào biển Azov và ngược lại.

Hôm nay (26-11) Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiến hành họp khẩn để bàn về vụ việc này theo đề nghị triệu tập của Nga.

Ở Kiev, một số thành phần quá khích đã ném lựu đạn khói, pháo sáng và gây rối bên ngoài Đại sứ quán Nga, trong một động thái có thể khiến tình hình thêm căng thẳng.

T. Minh
.
.
.