COVID-19: Thế giới ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm, số người chết tiếp tục tăng
Tình hình dịch COVID-19 tại các quốc gia trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp, buộc các nước phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
- Lo ngại COVID-19, nhiều ý kiến đề nghị hoãn Olympic Tokyo 2020
- Thạc sĩ chế tạo robot phục vụ người bệnh nhiễm COVID-19
- COVID-19 phá mọi kỷ lục ở châu Âu và Mỹ, Việt Nam thêm 6 ca nhiễm
Iran đã xác nhận 966 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số nhiễm bệnh lên 20.610 ca, phát ngôn viên Bộ Y tế Kianush Jahanpoor thông báo trên truyền hình nhà nước hôm 21/3.
Trong vòng 24 giờ qua, 123 người đã tử vong vì COVID-19, nâng số người chết lên 1.556, Jahanpoor nói, đồng thời cho biết thêm có tổng cộng 7.635 bệnh nhân đã hồi phục.
Iran hiện là nước có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất ở Trung Đông. Không thể phủ nhận Iran đã cố gắng vượt qua những khó khăn tài chính ngay cả trong giai đoạn đang phải gánh chịu lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, song dịch COVID-19 đã phơi bày một thực tế là Iran đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, cùng sự thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế để đối phó với dịch bệnh.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trên truyền hình hôm 21/3. (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 21/3 cho biết những biện pháp cách biệt cộng đồng để ngăn dịch bệnh lây lan ở nước này, bao gồm các hạn chế đi lại, sẽ chỉ áp dụng trong hai đến ba tuần vì ông hy vọng dịch bệnh sẽ giảm nhiệt sau đó.
“Iran đã phải làm mọi thứ cần thiết để đưa sản xuất kinh tế trở lại bình thường”, ông Rouhani cho biết.
Đức ngày 21/3 đã báo cáo thêm 2.705 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 16.662. Theo số liệu của viện Robert Koch - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, nước này hiện có 47 ca tử vong vì COVID-19, tăng 16 ca.
Người phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel ngày 20/3 đã tuyên bố chính phủ nước này sẽ xem xét lại các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19, nhưng tránh né câu hỏi về việc khi nào nước này sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm.
Các con phố mua sắm tại Berlin, Đức vắng vẻ vì COVID-19. (Ảnh: Reuters) |
Tại Đức, Bavaria là bang đầu tiên áp dụng các hạn chế di chuyển bắt đầu hôm 21/3. Công dân chỉ được rời khỏi nhà khi có lý do thuyết phục. Bang Saarland cũng áp dụng các biện pháp tương tự.
Tây Ban Nha hiện đang là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 với 24.926 ca nhiễm (tăng 3.355 ca) và 1.326 ca tử vong (tăng 233 ca). Chỉ trong vòng 7 ngày qua, số người chết ở Tây Ban Nha tăng gấp hơn 4 lần.
Trước đà lây lan nhanh chóng của COVID-19 tại Anh khiến 3.983 người nhiễm bệnh và 177 người đã tử vong vì đại dịch này, Thủ tướng Boris Johnson đã buộc phải đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Trong một tuyên bố tối 20/3 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Johnson đã ra lệnh tất cả các địa điểm giải trí công cộng như nhà hát, rạp chiếu phim, các nhà hàng, quán bar hay phòng tập gym ở nước này phải đóng cửa để phòng tránh sự lây lan của dịch COVID-19. Lệnh này chính thức có hiệu lực từ tối 20/3 cho đến khi có thông báo tiếp theo. Ông Johnson cho biết chính phủ sẽ xem xét lại tình hình mỗi tháng.
Tại Thái Lan, dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng với con số ghi nhận kỷ lục 89 ca nhiễm mới trong một ngày. Bộ Nội vụ Thái Lan đã ra lệnh cho tất cả các tỉnh biên giới tạm thời đóng cửa biên giới từ ngày 22/3 để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Trước tình hình trên, Chính quyền thành phố Bangkok cũng đã ra lệnh cho tất cả trung tâm thương mại tại đây phải đóng cửa trong 22 ngày từ ngày 22/3 đến 12/4. Các siêu thị, hiệu thuốc, nơi bán thực phẩm để mang về hoặc giao hàng, và những dịch vụ thiết yếu khác vẫn sẽ được cho phép hoạt động.
Đây được coi là động thái rất mạnh của chính quyền bởi các trung tâm thương mại mang lại một nguồn kinh tế rất lớn cho Bangkok.
Nhiều người dân Thái Lan đổ xô đi mua đồ tích trữ tại các trung tâm thương mại trước lệnh đóng cửa bắt đầu từ ngày 22/3. (Ảnh: Bangkokpost) |
Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong thông báo sáng ngày 21/3 Singapore đã ghi nhận hai ca nhiễm COVID-19 tử vong do những biến chứng phức tạp của bệnh, bao gồm một cụ bà 75 tuổi, người Singapore và một nam giới 64 tuổi người Indonesia. Bệnh nhân nam từng được nhập viện ở Indonesia do viêm phổi và có tiền sử bệnh tim. Trong khi đó người phụ nữ có các bệnh nền cũng bao gồm cả bệnh tim.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Singapore đã tăng trong tuần qua so với đầu tháng 3 và tháng 2, với hầu hết ca mới đều là “ngoại nhập”, như từ Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á. Cho đến hôm nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Singapore là 385 người.