Bầu không khí trái ngược ở Armenia và Azerbaijan sau lệnh ngừng bắn

Thứ Năm, 12/11/2020, 13:57
Nhiều người Armenia biểu tình đòi Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức, trong khi đám đông Azerbaijan lại xuống đường ăn mừng, sau khi hai nước tham chiến ký thoả thuận ngừng bắn mới nhất.

Reuters cho biết, các cuộc biểu tình quy mô lớn chống chính phủ của Thủ tướng Nikol Pashinyan đã nổ ra ở thủ đô Yerevan của Armenia từ ngày 10/11, không lâu sau khi lệnh ngừng bắn mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng chiến sự Nagorno-Karabakh có hiệu lực.

Đám đông biểu tình ở Yerevan đụng độ lực lượng an ninh. Ảnh: AP

Những người biểu tình đã cho ông Nikol Pashinyan thời gian đến nửa đêm 12/11 để tự nguyện từ chức, song chuyện đó không xảy ra. Trước đó, hôm 10/11, một nhóm người đã đột kích nhà Quốc hội, đánh ngất xỉu Chủ tịch Quốc hội Armenia Ararat Mirzoyan.

Trong những giờ qua, phe đối lập đã tập trung gần tòa nhà Quốc hội nước này, dưới sự hậu thuẫn của ít nhất 17 đảng phái chính trị đối lập, hô vang khẩu hiệu "Nikol hãy từ chức ngay đi". Đến sáng 12/11, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 130 người do có các hành vi quá khích.

Quốc hội Armenia ban đầu lên kế hoạch tổ chức phiên họp đặc biệt vào tối 11/11 để bàn về lời kêu gọi ông Pashinyan phải ra đi. Tuy nhiên, cuộc thảo luận không thể diễn ra do nhóm nghị sĩ ủng hộ Thủ tướng Nikol Pashinyan vẫn chiếm đa số.

Người Azerbaijan xuống đường ăn mừng. Ảnh: ITN

Cùng thời điểm Armenia đang đứng trước nguy cơ lún vào một cuộc khủng hoảng, ở thủ đô Baku của Azerbaijan, nhiều người đã xuống đường nhảy múa ăn mừng. Tại thành phố Ganja, người dân cũng xuống đường tuần hành ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn mới ở Nagorno-Karabakh.

Trong bài phát biểu trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nói rằng thỏa thuận vừa đạt được là thất bại của Armenia. Ông Aliyev khẳng định các khu vực quan trọng ở Nagorno-Karabakh sẽ được trao trả lại cho Azerbaijan trước ngày 1/12 tới.

Chiến sự ở Nagorno-Karabakh, vùng đất thuộc chủ quyền của Azerbaijan nhưng có dân số chủ yếu là người Armenia và do lực lượng thân Armenia kiểm soát nhiều năm qua, nổ ra hôm 27/9 và diễn ra khốc liệt suốt 6 tuần liên tiếp, làm khoảng 5.000 người thiệt mạng. Giới quan sát nói rằng Azerbaijan chiếm ưu thế trên thực địa khi liên tiếp giành quyền kiểm soát các khu vực từ tay lực lượng thân Armenia.

Bản đồ Nagorno-Karabakh và lộ trình rút khỏi khu vực mà Armenia chấp thuận. Ảnh: BBC

Sau sự sụp đổ của một loạt thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ bảo trợ, ngày 9/11, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan chấp thuận ký thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian, với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Văn kiện cũng có chữ ký của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Nikol Pashinyan sau đó mô tả thỏa thuận là "đau đớn" nhưng cần thiết. Lực lượng thân Armenia ở Nagorno-Karabakh thừa nhận họ không đủ nguồn lực để chống lại Azerbaijan. Quân đội Armenia xác nhận đây là con đường duy nhất lúc này để tránh thương vong.

"Chúng ta lại một lần nữa chứng minh rằng mình có những binh sĩ, sĩ quan và tướng chỉ huy bất khả chiến bại, nhũng người sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đất mẹ mà không do dự. Nhưng đã đến lúc ngừng đổ máu", Bộ Quốc phòng Armenia ra thông cáo.

Theo Reuters, thỏa thuận đi vào hiệu lực từ ngày 10/11 này có lợi với Azerbaijan khi Baku được phép kiểm soát các khu vực mà họ chiếm được trong giao tranh. Ngoài ra, Armenia phải rút lực lượng khỏi khu vực theo lộ trình định sẵn. Nga, với vai trò trung gian, điều gần 2.000 quân tới làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Nga ngày 12/11 cũng thông báo một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thiết lập trung tâm kiểm soát ở Nagorno-Karabakh. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Azerbaijan và có tiếng nói nhất định ở khu vực. Pháp hồi tháng 10 cáo buộc Ankara triển khai lính đánh thuê tới giúp Azerbaijan trong cuộc chiến chống Armenia.

Thiện Nhân
.
.
.