Bất ổn chính trị tại Zimbabwe gia tăng nhanh chóng
- Quân đội Zimbabwe chiếm quyền kiểm soát đất nước, giam lỏng Tổng thống
- Tổng thống Zimbabwe cáo buộc tư lệnh quân đội đảo chính
- Bê bối mới của vợ chồng Tổng thống Zimbabwe
Theo hãng tin Reuters, cũng trong sáng 15-11, nhiều binh sĩ quân đội Zimbabwe đã chiếm trụ sở của Đài truyền hình quốc gia ZBC và yêu cầu nhân viên của cơ quan này rời đi. Một số nhân viên của ZBC bị buộc di chuyển khỏi nơi làm việc một cách thô bạo. Trong khi đó, tờ AP dẫn một nguồn tin địa phương cho biết, những người dân sống quanh dinh thự của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã nghe thấy 30-40 tiếng súng liên tục trong khoảng 3-4 phút vào lúc hơn 2h sáng (giờ địa phương).
Mặc dù vậy, trong một tuyên bố được phát trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia trong ngày 15-11, người phát ngôn quân đội Zimbabwe, tướng SB Moyo đã phủ nhận lực lượng quân đội đang tiến hành một cuộc đảo chính dù úp mở rằng Tổng thống Mugabe đang bị giam lỏng trong “điều kiện an ninh tốt”.
“Tổng thống Mugabe và gia đình của ông đang được bảo vệ nghiêm ngặt và an toàn tuyệt đối. Quân đội không tiến hành đảo chính. Chúng tôi đang nhắm mục tiêu vào một số thành phần thân cận với Tổng thống Mugabe, những kẻ đã phạm tội ác, gây thiệt hại về kinh tế và xã hội đối với Zimbabwe. Quân đội hy vọng tình hình sẽ sớm trở lại bình thường ngay sau khi nhiệm vụ thanh trừng được hoàn thành”, ông SB Moyo tuyên bố.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (trái) đang bị lực lượng quân đội giam lỏng. Ảnh: Skynews |
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đến nay chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào. Trước đó, trong phản hồi chính thức đầu tiên từ phía Zimbabwe, Đại sứ Zimbabwe tại Nam Phi Isaac Moyo cũng khẳng định “không có âm mưu đảo chính nào chống lại Tổng thống Robert Mugabe” và “Chính phủ Zimbabwe vẫn còn nguyên vẹn”.
Được biết, các động thái trên diễn ra trong bối cảnh lần đầu tiên Zimbabwe chứng kiến những mâu thuẫn công khai giữa lực lượng quân đội và vị Tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe. Hồi tuần trước, ông Mugabe đã cách chức Phó Tổng thống đầy quyền lực Emmerson Mnangagwa, đồng thời cáo buộc người này âm mưu tiếm quyền Tổng thống.
Trước khi bị cách chức, ông Mnangagwa được xem là ứng viên sáng giá thay thế Tổng thống Mugabe trong trường hợp ông rút lui hoặc qua đời. Cú "ngã ngựa" của ông Mnangagwa được coi là có chủ đích nhằm mở đường cho người vợ 52 tuổi của ông Mugabe, bà Grace Mugabe, kế nhiệm vị trí người đứng đầu đất nước.
Hành động phế truất ông Mnangagwa của Tổng thống Mugabe đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga. Ông Chiwenga đã đe dọa rằng quân đội sẽ tiến hành một cuộc thanh trừng nhằm vào các quan chức của đảng ZANU-PF.
“Khi nói đến cuộc cách mạng, chúng ta phải nhắc nhở những ai đứng đằng sau những kẻ phản bội và lừa đảo hiện tại rằng quân đội sẽ không ngần ngại can thiệp” - Tướng Constantino Chiwenga tuyên bố. Ở chiều ngược lại, một nhà lãnh đạo ZANU-PF thân cận với Tổng thống Mugabe là ông Kudzai Chipanga thì khẳng định ông Chiwenga không được toàn bộ lực lượng quân đội ủng hộ, đồng thời cảnh báo “sẽ không khoanh tay ngồi yên khi có các mối đe dọa chống lại một chính phủ được bầu cử hợp pháp”.
Đến nay, tình hình bất ổn tại Zimbabwe đã kéo theo phản ứng tiêu cực từ một số nước. Đại sứ quán Mỹ tại Zimbabwe đã đóng cửa trong ngày 15-11 kèm đề nghị toàn bộ nhân viên ở nhà do “tình trạng bất ổn chính trị đang diễn ra”. Cơ quan này đồng thời khuyến cáo các công dân Mỹ tại Zimbabwe tìm chỗ trú ẩn “cho tới khi có thông báo cụ thể hơn”. Mỹ cũng đã lên tiếng hối thúc các bên liên quan ở Zimbabwe bình tĩnh tiếp cận bất đồng trong hòa bình, đồng thời giải quyết những khác biệt một cách “dân chủ, minh bạch và tuân theo hiến pháp”.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại Zimbabwe. Chính phủ Anh hôm 14-11 cũng đưa ra khuyến cáo công dân tại Harare tránh đi ra ngoài nếu không cần thiết cho đến khi tình hình chính trị ở quốc gia châu Phi trở nên ổn định hơn.
Giới quan sát quốc tế thì cho rằng, quân đội Zimbabwe cần kiểm soát tốt hành động, tránh để xảy ra đụng độ vũ trang. Bởi lẽ, một cuộc xung đột diễn ra trong bối cảnh tàn tích về làn sóng tiếm quyền tại châu Phi chưa kịp lắng xuống sẽ không mang lại kết cục tốt đẹp nào cho người dân.
Được biết, ông Mugabe trở thành nhà lãnh đạo của Zimbabwe từ khi nước này giành lại độc lập từ Anh. Ông từng được coi là anh hùng giải phóng dân tộc. Mặc dù vậy, trong thời gian ông làm Tổng thống Zimbabwe, quốc gia châu Phi này luôn nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục.
Theo Business Insider, tỷ lệ lạm phát chính thức được Chính phủ Zimbabwe công bố vào cuối năm 2016 là 231.000%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số thực tế lên đến 4.000.000%. Trong khi đó, vợ ông là bà Grace Mugabe, hai người kết hôn vào năm 1996. Bà Mugabe bị chỉ trích gắt gao vì thói quen chi tiêu hoang phí trong bối cảnh nghèo đói và thất nghiệp lan tràn ở Zimbabwe.