Anh - Pháp - Mỹ không kích Syria: Luật của kẻ mạnh

Thứ Ba, 17/04/2018, 22:04
Dư luận thế giới đang có phản ứng khác nhau sau khi Anh-Pháp-Mỹ không kích Syria vào tối 13-4 (theo giờ địa phương). Bởi trong khi Mỹ và đồng minh cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chứng cứ nào khẳng định điều này. 


Nhiều người coi cuộc tấn công Syria là hành động phi nghĩa và sai lầm vì ngày 14-4, các thanh sát viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) mới tới thủ đô Damascus, để tiếp cận thị trấn Douma và xác định xem vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công hôm 7-4 có phải là vũ khí hóa học. Và ngay trong nội bộ Anh-Pháp-Mỹ cũng bị chia rẽ vì vấn đề này.

Thủ tướng Anh Theresa May đang phải đối mặt với chỉ trích vì ném bom Syria không có sự ủng hộ của Quốc hội, thậm chí bị chỉ trích mạnh mẽ từ đảng đối lập và ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. 

Chủ tịch Công đảng đối lập, ông Jeremy Corbyn cho rằng, cơ sở pháp lý để mở cuộc không kích của Anh vào Syria có vấn đề. Ông Bruno Retailleau, Chủ tịch nhóm nghị sỹ của đảng Cộng hòa tại Thượng viện tuyên bố, Pháp không có bằng chứng về việc Syria gây ra vụ tấn công hóa học ở Douma. 

Đa số phe phái chính trị từ cực tả đến cực hữu đối lập ở Pháp đều phản đối việc Paris không kích Syria, khi chưa được Liên hợp quốc thông qua. 

Nhiều người biểu tình phản đối chiến tranh đã tập trung trước Nhà Trắng ở thủ đô Washington để phản đối cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Syria. 

Trong khi Mỹ tuyên bố hành động can thiệp quân sự vào Syria là "hợp lý, hợp pháp và cân đối", thì Nga phản đối và cho rằng, Washington hiếu chiến, vi phạm luật quốc tế trong vấn đề này. 

Khi điện đàm để thảo luận về tình hình Syria, Tổng thống Nga Putin nói với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, việc phương Tây tiếp tục tấn công tên lửa vào Syria sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn trong các mối quan hệ quốc tế.

Trung tâm nghiên cứu khoa học Syria bị phá hủy sau vụ tấn công của Mỹ, Anh, Pháp.

Dư luận cho rằng, Mỹ-Anh-Pháp đang thúc đẩy một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 4 điểm, để giành lại thế chủ động sau thời gian dài mờ nhạt tại chiến trường Syria. 

Ngày 16-4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục nhóm họp để xem xét các đề xuất của các nước hữu quan. Cùng ngày 16-4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga sau khi cáo buộc Moskva dung túng chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. 

Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cho biết, những biện pháp trừng phạt mới sẽ có tác động trực tiếp tới các công ty làm ăn liên quan với Syria và việc sử dụng vũ khí hoá học. 

Đồng thời tuyên bố, Washington sẽ không rút quân khỏi Syria cho đến khi đạt được 3 mục tiêu - đảm bảo vũ khí hoá học không được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào gây rủi ro cho lợi ích của Mỹ, IS bị đánh bại và Mỹ có đòn bẩy thuận lợi để theo dõi Iran. 

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố, London sẽ xem xét các phương án với đồng minh về tình hình Syria, và hiện chưa có phương án nào được đưa ra. Cũng trong ngày 16-4, Quốc hội Pháp nghe Thủ tướng Edouard Philippe trình bày về chiến dịch tại Syria bởi trước đó có nhiều tranh luận về vấn đề này. 

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, Paris đệ trình các sáng kiến cho cuộc khủng hoảng Syria tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Hội đồng Ngoại trưởng Liên minh châu Âu trong ngày 16-4. 

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố, Đức và Pháp sẽ mở ra một hình thức đàm phán mới để giải quyết vấn đề Syria. Ngày 16-4, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thăm Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria. 

Trong khi đó, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini tuyên bố, không có giải pháp nào tốt hơn giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột ở Syria. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên kiềm chế để tránh vượt khỏi tầm kiểm soát, và cảnh báo về sự leo thang quân sự có thể diễn ra.

Người dân Syria vẫy cờ Syria, Nga, Iran ở Damascus sáng 14-4 để phản đối cuộc không kích của Mỹ và liên quân.
Về phần mình, khi tiếp các nghị sĩ và quan chức Nga hôm 15-4, Tổng thống Bashar al-Assad đã lên án và coi cuộc không kích là "hành động gây hấn". 

Đồng thời tuyên bố, hệ thống phòng thủ của Syria đã thể hiện tính hiệu quả và họ không còn sợ NATO nữa. "Trong 1 năm rưỡi qua Nga đã khôi phục gần như toàn bộ sức mạnh của hệ thống phòng thủ Syria và sẽ tiếp tục làm điều đó", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố. 

Và điều này tái khẳng định cho tuyên bố trước đó của Nga về việc hệ thống phòng thủ của Syria đã bắn hạ 71/103 tên lửa của Anh-Pháp-Mỹ. 

Nhưng người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White và Tướng Kenneth McKenzie đều phản bác về con số tên lửa bị Syria bắn hạ và coi đó là sự khởi đầu cho chiến dịch "tung thông tin giả". Có tin nói rằng, Mỹ-Anh-Pháp có thể đã chi 240 triệu USD cho cuộc không kích Syria. 

Trịnh Huyền My
.
.
.