Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới

Thứ Bảy, 16/01/2021, 15:16
Ấn Độ ngày 16/1 đã khởi động một trong những đợt tiêm chủng lớn nhất thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan với tốc độ kỷ lục và số ca tử vong trên toàn cầu đã tăng lên hơn 2 triệu người.
Ảnh minh họa Reuters. 

Phát biểu trên sóng truyền hình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông sẽ không ngay lập tức tiêm vaccine vì Ấn Độ đang dành ưu tiên cho đội ngũ y tế tuyến đầu. “Chúng tôi đang phát động đợt tiêm chủng lớn nhất thế giới và điều này cho thế giới thấy khả năng của chúng tôi”, Thủ tướng Modi cho biết. Ông cũng kêu gọi người dân cảnh giác và không tin vào bất kỳ “tin đồn nào về sự an toàn của vaccine”.

Dù vậy, quy mô của đợt tiêm chủng này có những trở ngại lớn. Ấn Độ có kế hoạch dựa nhiều vào nền tảng kỹ thuật số để theo dõi việc vận chuyển và phân phối vaccine. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng chỉ ra rằng mạng Internet vẫn còn “chắp vá” ở nhiều nơi và một số ngôi làng hẻo lánh hoàn toàn không được kết nối với mạng toàn cầu.

Ấn Độ vào ngày 4/1 đã đồng ý cho sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine: một do Đại học Oxford và nhà sản xuất thuốc AstraZeneca có trụ sở tại Anh phát triển, và một do công ty Ấn Độ Bharat Biotech. 16,5 triệu mũi vaccine đã được vận chuyển tới các thành phố của Ấn Độ từ tuần trước.

Các chuyên gia y tế lo lắng rằng việc vội vã phê duyệt vaccine của Bharat Biotech mà chưa có dữ liệu cụ thể về hiệu quả có thể làm tăng sự do dự của người dân khi tiêm.

Bộ Y tế Ấn Độ đã bác bỏ những lời chỉ trích và cho biết vaccine sản xuất trong nước này an toàn, nhưng vẫn khẳng định rằng các nhân viên y tế sẽ không có quyền lựa chọn họ nhận được loại vaccine nào.

Theo bác sĩ SP Kalantri, Giám đốc một bệnh viện nông thôn ở Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Ấn Độ, cách tiếp cận như vậy rất đáng lo ngại vì ông cho rằng việc phê duyệt vaccine quá vội vàng và không đúng với khoa học.

Trong bối cảnh số người chết vì COVID-19 trên toàn cầu đang tăng lên hơn 2 triệu người vào ngày 15/1, thời gian đang trở nên cấp bách hơn cho các chiến dịch tiêm chủng.

Ấn Độ đứng thứ hai sau Mỹ với 10,5 triệu ca nhiễm được xác nhận, và đứng thứ ba về số người chết, sau Mỹ và Brazil, với 152.000 người.

Theo Đại học Oxford, hơn 35 triệu liều vaccine COVID-19 khác nhau đã được sử dụng trên khắp thế giới.

Trong khi phần lớn các liều vaccine COVID-19 đã được các nước giàu có mua, COVAX, một dự án do Liên hợp quốc hỗ trợ để cung cấp vaccine cho các khu vực đang phát triển trên thế giới, đang thiếu vaccine, nguồn lực tài chính và hậu cần.

Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rất khó để mục tiêu “miễn dịch bầy đàn”, vốn cần ít nhất 70% dân số toàn cầu được tiêm phòng, đạt được trong năm nay. Theo các chuyên gia, việc tiêu diệt virus ở một vài nơi là chưa đủ.

Duy Tiến
.
.
.