Afghanistan: Bức tranh hòa bình khó tươi sáng trong ngắn hạn

Thứ Hai, 17/05/2021, 08:27
Ngày 16/5, các cuộc xung đột ở Afghanistan lại tiếp tục diễn ra tại khu vực miền Nam khi mà lệnh ngừng bắn tạm thời 3 ngày, bắt đầu từ ngày 13/5, kết thúc.


Điểm đáng chú ý hơn là cuộc đụng độ xảy ra chỉ chưa đầy 48h sau cuộc gặp giữa các nhà đàm phán của Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban để thảo luận việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình đang rơi vào bế tắc. Điều này cho thấy, triển vọng thay đổi tích cực ở Afghanistan trong ngắn hạn là không sáng sủa.

Một người phát ngôn Quân đội Afghanistan và giới chức địa phương cho biết, đụng độ giữa lực lượng quân đội chính phủ và các tay súng Taliban đã lại bùng phát ở tỉnh Helmand, miền Nam nước này. Điểm nóng vẫn là vùng ngoại ô Lashkar Gah, thủ phủ của tỉnh, vốn đã chứng kiến giao tranh dữ dội kể từ ngày 1/5 sau khi lực lượng Mỹ bắt đầu tiến trình rút nốt quân khỏi Afghanistan. 

Trong 3 ngày ngừng bắn nhân lễ hội Eid al-Fitr kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bạo lực vẫn xảy ra ở Afghanistan mà điển hình là một vụ nổ ngày 14/5 nhằm vào đền thờ Hồi giáo tại quận Shakar Dara ở Thủ đô Kabul đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng. Ngày 15/5, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận là thủ phạm vụ việc. 

Thông tin trên được đưa ra trong một tuyên bố trên Telegram của Nasheer, bộ phận truyền thông của IS. Trước đó 1 ngày, các nhà đàm phán của Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đã gặp nhau tại Thủ đô Doha của Qatar để thảo luận việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình đang rơi vào bế tắc. 

Thông qua mạng xã hội Twitter, phái đoàn đàm phán của Chính phủ Afghanistan nêu rõ: "Hôm nay, một cuộc gặp được tổ chức ở Doha giữa phái đoàn của các bên tham gia đàm phán. Các bên đều nhấn mạnh tới việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình ở Doha". Trong một tuyên bố tương tự cũng đăng tải trên Twitter, Taliban nêu rõ: "Cả hai bên đã nhất trí tiếp tục đàm phán sau lễ (Eid al-Fitr) kết thúc vào ngày 15/5".

Loạt vụ nổ tại Thủ đô Kabul tối 8/5 đã cướp đi sinh mạng của 68 người và làm 165 người khác bị thương. Ảnh: AP

Bạo lực không ngừng gia tăng ở Afghanistan kể từ khi Mỹ bỏ qua hạn chót rút toàn bộ binh sỹ khỏi quốc gia Nam Á này vào ngày 1/5 vừa qua theo thỏa thuận với Taliban hồi năm ngoái. Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ đã hoàn tất việc rút quân khỏi căn cứ không quân Kandahar ở miền Nam Afghanistan. Đây từng là căn cứ quân sự lớn thứ 2 của Mỹ tại Afghanistan. Tuy vậy, Washington vẫn chưa chính thức bàn giao lại căn cứ cho Kabul. 

Hiện Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xúc tiến kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Khoảng 3.500 binh sĩ Mỹ và 7.000 binh sỹ NATO sẽ rút khỏi Afghanistan trước ngày 11/9 tới. Việc tất cả binh sỹ Mỹ sắp rút khỏi Afghanistan không làm giảm tầm quan trọng của Kabul với vị thế là một mô hình thu nhỏ địa chính trị. 

Như trong 5 thập niên qua, Afghanistan tiếp tục thể hiện những xu hướng quốc tế chính. Những xu hướng này gồm việc chuyển mối quan tâm từ quan hệ nước lớn sang mối quan tâm về vai trò ngày càng tăng của các cường quốc hạng trung; chuyển quan tâm từ sự phát tán chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đến mối quan tâm về lực lượng địa phương vốn biết cách "chơi" với thế lực bên ngoài.

Việc Mỹ và NATO rút binh sỹ sau hai thập niên can thiệp quân sự là chỉ dấu cho sự kết thúc thời kỳ đơn cực trong các vấn đề quốc tế. Nếu phản ứng mạnh mẽ của Mỹ đối với vụ tấn công khủng bố 11/9 cho thấy sức mạnh quân sự Mỹ, thì kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan cho thấy những hạn chế của việc sử dụng vũ lực. 

Tuy nhiên, việc chấm dứt sự can dự của Mỹ không nhất thiết đồng nghĩa với việc Washington bị gạt ra ngoài lề con đường phát triển tương lai của Afghanistan. Mỹ vẫn là cường quốc toàn cầu quan trọng nhất ngay cả sau khi thời kỳ đơn cực kết thúc. Washington cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Kabul trong và sau khi rút quân. Tuy nhiên, bản chất và phạm vi của sự hỗ trợ đó không rõ ràng. 

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải chịu áp lực trong nước không để Mỹ bị nhìn nhận là đang bỏ rơi Afghanistan. Tổng thống Mỹ cũng không thể làm ngơ trước nguy cơ Afghanistan quay trở lại thời kỳ được biết đến là "mảnh đất màu mỡ" của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. 

Trong suốt hơn bốn thập niên qua, Afghanistan được ví là "cái nôi" của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và là nơi để các cường quốc bên ngoài lợi dụng chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và biến nó thành thứ vũ khí nhằm đạt được những mục đích địa chính trị của mình. 

Một trong những vấn đề lớn nhất đối với tương lai Afghanistan là tầm ảnh hưởng mà những phần tử Hồi giáo cực đoan có thể giành lại được ở đất nước dưới sự cai trị của Taliban kèm theo những hậu quả đối với toàn bộ khu vực Trung Á và Trung Đông. Các động lực của Afghanistan không chỉ là cạnh tranh giữa các cường quốc. Các nước láng giềng của Kabul có nhiều tiếng nói trong việc định hình tương lai Afghanistan. 

Pakistan và Iran, hai quốc gia có chung đường biên giới dài, có ảnh hưởng tự nhiên lớn nhất đối với Afghanistan. Tham vọng của Iran ở Afghanistan rất lớn và Tehran đã tham gia liên minh khu vực chống lại sự cai trị của Taliban giai đoạn 1996-2001. Ảnh hưởng của Iran trong khu vực tăng lên đáng kể trong hai thập niên qua và Tehran chắc chắn sẽ đóng một vai trò quyết định về tương lai Afghanistan. 

Phát biểu tại Đối thoại Raisina 2021 ở New Delhi, phía Iran cho rằng việc quay trở lại những năm 1990 và khôi phục tiểu vương quốc của Taliban ở Afghanistan đơn giản là không thể chấp nhận được.

Có thể nói, Taliban là một lực lượng có kinh nghiệm nhiều năm trong việc đối phó với các áp lực từ bên ngoài cũng như với các lệnh trừng phạt, biết tận dụng kẽ hở từ sự thiếu bền vững của các thế lực bên ngoài, cũng như khác biệt giữa các cường quốc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất ít cuộc nội chiến dựa vào những nỗ lực lớn từ bên ngoài để thay đổi động lực bên trong. Do đó, triển vọng thay đổi tích cực ở Afghanistan trong ngắn hạn là điều không mấy sáng sủa.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.