ASEAN chia sẻ lợi ích chung để đàm phán về Biển Đông với Trung Quốc

Thứ Ba, 04/04/2017, 08:19
Đây là quan điểm được các học giả quốc tế đưa ra tại Hội thảo quốc tế về tình hình Biển Đông được Đại học Paul-Valerie Montpellier 3 phối hợp với các đối tác tổ chức tại Pháp. Trong khi đó, lãnh đạo nhiều quốc gia khác ở châu Á tiếp tục kêu gọi các quốc gia tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển.

Nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần Quốc tế Pháp ngữ, hồi cuối tháng 3 vừa qua, Đại học Paul-Valerie Montpellier 3 đã phối hợp với các đối tác, tổ chức Hội thảo quốc tế về tình hình Biển Đông và nhấn mạnh khả năng ASEAN có thể đóng vai trò là giao diện kết nối giữa Trung Quốc-Mỹ và các quốc gia liên quan để gợi ý những giải pháp cho căng thẳng trên Biển Đông hiện nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, các diễn giả tham dự hội thảo đều nhất trí cho rằng, ASEAN về tiềm năng sẽ là một tổ chức, hiệp hội mạnh hơn nếu đoàn kết, chia sẻ lợi ích chung để đàm phán với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông cũng như kết nối với Mỹ hay châu Âu trong quan hệ với khu vực và với Trung Quốc. Chẳng hạn, học giả Benoit de Treglode, Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM) cho rằng, có sự phân chia các vùng ảnh hưởng của các quốc gia tại khu vực. Do đó, các quốc gia liên quan cần suy nghĩ về một sự hợp tác hàng hải chung, tìm kiếm những mối quan hệ tin cậy lẫn nhau.

Ông Benoit de Treglode còn dẫn ví dụ điển hình là việc Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố muốn tạo ra một chính sách mới về hợp tác. Trong khi đó, học giả Sophie Boiseau de Rocher thuộc Viện Nghiên cứu Pháp về quan hệ quốc tế (IFRI) lại cảnh báo, do những tranh chấp và nguồn lợi quá lớn ở Biển Đông, đặc biệt là vai trò quan trọng về địa chính trị cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào (bao gồm cả dầu khí) nên vùng biển này luôn tiềm ẩn những tình thế nhạy cảm và phức tạp, có thể tạo ra nhiều va chạm hay xung đột. Vì thế, các nước ASEAN cần phải đoàn kết để đối mặt với các thách thức.

Các bức ảnh chụp qua vệ tinh do CSIS cung cấp cho thấy hoạt động đơn phương của Trung Quốc xây đảo trái phép trên Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Hãng tin Reuters thì cho hay, từ hồi cuối tháng 2, tại hội nghị hẹp của Ngoại trưởng các nước ASEAN được tổ chức trên hòn đảo nghỉ dưỡng Boracay của Philippines, các Ngoại trưởng ASEAN cũng đã hối thúc kiềm chế và tiến hành đối thoại nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ leo thang ở Biển Đông. Đến cuối tháng 3 vừa qua, một số nguồn tin ngoại giao ASEAN đã khẳng định là ASEAN soạn thảo xong bản dự thảo đầu tiên về khung pháp lý cho Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Theo lịch trình, giới chức ASEAN và Trung Quốc sẽ đem bản dự thảo này về nước để nghiên cứu và sẽ tiếp tục thảo luận về nội dung của dự thảo tại cuộc họp ở Trung Quốc vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, nguồn tin này lại từ chối tiết lộ nội dung của bản dự thảo mà chỉ cho biết rằng, hồi năm 2016, Trung Quốc đã bày tỏ ý định hoàn tất đàm phán về dự thảo COC trong 6 tháng đầu năm 2017.

Trong một diễn biến khác, ngày càng có nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Nam Á đưa ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông. Như Thủ tướng Malaysia Najib Abdul Razak và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chẳng hạn. Tại cuộc gặp báo chí hôm 1-4 nhân dịp chuyến thăm New Delhi của nhà lãnh đạo Malaysia, hai bên hối thúc tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình mà không đe dọa hay sử dụng vũ lực, kiềm chế các hoạt động, tránh các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng.

Trang NDTV của Ấn Độ còn dẫn lại tuyên bố chung nêu rõ, Malaysia và Ấn Độ cam kết tôn trọng sự tự do đi lại và bay qua khu vực Biển Đông, không bị cản trở thương mại dựa trên các luật quốc tế và UNCLOS.

Sông Thương (tổng hợp)
.
.
.