Ðôi vợ chồng hiến tạng cứu người
- Tấm lòng cao cả của nữ đại tá, BS CAND hiến tặng giác mạc khi qua đời1
- Hiến tạng nhân đạo, dòng chảy cho sự sống được nối dài
- Người mẹ quyết định hiến tạng con chết não để cứu người
Chồng bà ở cái tuổi thất thập cổ lai hy lại bị bệnh suy tim lâu ngày nên bà quen với những lên cơn đau tim của chồng và cũng đã chuẩn bị tâm lý cho cái ngày đau buồn có thể đến bất cứ lúc nào. Nhưng hôm ấy bà đã hoảng hốt thật sự - bà hoảng chủ yếu không phải vì sợ chồng ra đi mãi mãi mà vì nếu chậm trễ sẽ khó mà hiến được tạng của chồng cho những bệnh nhân đang cần được ghép tạng…
Chúng tôi gặp bà Nguyễn Minh Phụng (65 tuổi, nhà ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) ở buổi “Lễ vinh danh những người hiến tạng, đồng thời đánh dấu sự thành công của 500 ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy” do BV này tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua.
Bà có chồng là ông N.H.P. (72 tuổi) bị bệnh tim suốt 16 năm và sau khi ông P. ngưng tim trước lúc qua đời đã kịp hiến hai giác mạc để giúp hai người khác được nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Bản thân bà Phụng cũng đã đăng ký hiến toàn bộ thân xác khi qua đời… Hôm đó, bà Phụng tỏ ra rất vui và xúc động trong không khí ấm áp, thân tình của buổi lễ.
“Cứu một người phúc đẳng hà sa”
“Tôi đến đây một phần vì muốn nhìn lại ánh mắt của chồng mình; người được ghép giác mạc có thể không biết tôi nhưng ánh mắt ấy có thể sẽ nhận ra tôi. Tiếc là hôm nay tôi không gặp được người đó. Từ đây đến cuối đời, nhất định tôi sẽ đi tìm hai người này, dù họ có ở xa chăng nữa, bởi trong tâm tư, tôi vẫn luôn nghĩ ông ấy đang còn sống”, bà Phụng xúc động chia sẻ.
Vừa cầm điện thoại mở cho chúng tôi xem những hình ảnh chụp vợ chồng bà khi xưa, bà vừa chia sẻ về câu chuyện của chồng mình. Những ký ức bà hồi tưởng lại mà theo lời bà thì bà chẳng bao giờ quên được.
Bà Nguyễn Minh Phụng. |
Cách đây hơn 1 năm, chồng bà đã qua đời khá đột ngột vì bệnh tim và dù đã đăng ký hiến toàn bộ tạng phủ nhưng vì một số lý do các bác sĩ chỉ kịp lấy được hai giác mạc để ghép cho hai phụ nữ dưới 30 tuổi, bị mù, ngụ tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp.
Bà kể lại chuyện bắt đầu từ một hôm hai vợ chồng bà ngồi xem ti vi. Lúc đó, ti vi đang phát nội dung về chương trình lễ tri ân người hiến xác của Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.
Có lẽ do quá xúc động trước những điều vừa xem nên chồng bà liền quay qua bà và nói: “Em à (vợ chồng bà dù đã lớn tuổi, ông 72 tuổi, bà 65 tuổi, nhưng vẫn luôn xưng hô anh em rất ngọt ngào), sau này anh chết, anh muốn hiến tạng nhân đạo. Nếu bác sĩ thấy cái tạng nào còn dùng được thì em cứ đồng ý hiến tặng nhé. Mà ngày mai em tới BV Chợ Rẫy hỏi thủ tục đăng ký hiến tạng cho anh luôn đi”.
Tất cả mọi sự đơn giản chỉ bắt đầu như thế! Nhưng khi ấy, nghe xong lời chồng vừa dứt, bà thực sự có phần bất ngờ và cả sự nghẹn ngào. Nghe vợ hỏi đã suy nghĩ kỹ chưa, người chồng này tỏ ra khá bình thản và bảo rằng đã suy nghĩ rất nhiều trước đó, nhất là nếu chết rồi để mang chôn như bình thường thì “quá phí”.
“Anh thấy chết rồi mang chôn thì phí quá trời. Từ trước giờ, vợ chồng mình nghèo có tiền giúp được ai cái gì đâu. Sau này anh chết, anh cứu được vài người sống, như thế anh mới an lòng nơi chín suối” - những lời ông nói bà vẫn nhớ như in.
Thực hiện ý nguyện của chồng, ngay ngày hôm sau, bà Phụng đã tới BV Chợ Rẫy gặp TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người để được tư vấn và xin bộ hồ sơ đăng ký hiến tạng sau khi qua đời cho chồng.
Qua câu chuyện câu trò, biết được bệnh tình suy tim khá nghiêm trọng của chồng bà đã nhiều năm, bác sĩ Thu cùng với một bác sĩ chuyên khoa Tim mạch của BV Chợ Rẫy đã nhanh chóng lặn lội xuống nhà vợ chồng bà ở Hóc Môn.
Xuống đến nơi thấy chồng bà 3-4 năm nay không chịu đi khám bệnh, bác sĩ Thu đã khuyên ông về bệnh viện điều trị. Nghe lời, chồng bà đồng ý tới BV Chợ Rẫy để khám và điều trị. Sau một tuần ông xuất viện trong tình trạng sức khỏe được cải thiện khá nhiều so với trước đó. Tuy nhiên, do tuổi đã cao và bệnh tình đã nhiều năm nên sức khỏe của ông vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ.
“Tôi mãn nguyện vì đã thực hiện tâm nguyện cùng chồng cứu người”
Và thực tế chỉ mấy tháng sau là chồng bà rơi vào tình trạng nguy cấp. Bà ngậm ngùi: “Hôm đó hai vợ chồng đang ngồi nói chuyện thì ông ấy than mệt và đi vào phòng trong nghỉ ngơi. Nhưng chỉ được chừng 2-3 phút thì tôi nghe tiếng ông ấy cựa mình khá mạnh nên tôi liền chạy vào xem sao. Và khi vào nhìn thấy tình trạng của ông ấy là tôi biết chồng mình gặp nguy rồi. Ngay lập tức tôi gọi điện cho BV huyện Hóc Môn tới cấp cứu, rồi tiếp tục gọi điện báo cho bác sĩ Thu biết sự tình”.
Theo lời bà thì lúc đó bà gọi điện cho TS.BS Thu với giọng điệu hoảng hốt phần nhiều vì lo sợ sẽ không hoàn thành tâm nguyện được hiến tạng của chồng hơn là vì ông đang trong tình trạng nguy kịch. “Mấy chục năm trời sống chung, tôi quen với những lần lên cơn vì bệnh suy tim của ông ấy rồi. Nên bữa đó, đúng là tôi rất hốt hoảng sợ chồng mình chết mà không được hiến tạng”.
Nhưng đúng thời điểm đó, các bác sĩ của BV Chợ Rẫy cũng vừa thực hiện một ca ghép tạng xong và khi vừa ra khỏi phòng mổ thì nhận được điện thoại của bà Phụng. Không kịp nghỉ ngơi, các bác sĩ tức tốc xuống BV huyện Hóc Môn.
Tuy nhiên, trên đường đi dù xe cứu thương hú còi inh ỏi nhưng vẫn không thể chạy nhanh như ý muốn bởi đường phố khi ấy đang ùn tắc khá nghiêm trọng vì đúng giờ tan tầm (khoảng 17h30). Và điều đáng buồn là các bác sĩ đến được BV Hóc Môn khi chồng bà Phụng đã ngưng tim 30 phút trước.
Sau khi kiểm tra xem xét, các bác sĩ xác định chồng bà chỉ còn có thể hiến được hai giác mạc. Chính từ hai giác mạc này, hai bệnh nhân nghèo đã tìm lại được ánh sáng của đời mình.
Nói về hai người được ghép giác mạc của chồng mình, bà Phụng cho biết: “Qua bác sĩ Thu, tôi được biết người được ghép giác mạc của chồng tôi ở Bà Rịa-Vũng Tàu là một cô giáo; còn người ở Đồng Tháp tên B.N - người này làm nghề bán vé số và cả hai vợ chồng đều bị mù, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Vợ chồng họ có một con gái nhỏ. Sau khi được ghép giác mạc, chị này đã nhìn được và từ đó giúp đỡ được chồng con bớt cực nhọc hơn trong cuộc sống…
Thực sự tôi cũng không hỏi nhiều những người được ghép giác mạc nhưng các bác sĩ ở BV Chợ Rẫy và nhất là bác sĩ Thu đã nói một số thông tin cho tôi biết, để qua đó cho thấy công việc của các bác sĩ là hoàn toàn minh bạch và khách quan bởi một người nghèo ở tỉnh xa vẫn được họ ghép tạng. Hơn nữa tôi được biết chị ở Đồng Tháp do hoàn cảnh quá khó khăn, mỗi lần lên tái khám còn được bệnh viện hỗ trợ tiền xe đi lại hoặc tiền mua thuốc uống”.
Tay nâng niu tấm Kỷ niệm chương vừa nhận được tại buổi lễ vinh danh, bà Phụng xúc động chia sẻ: “Tôi hạnh phúc vì chồng mình mất đi nhưng đó là một cái chết ý nghĩa. Tôi cũng đã thực hiện tâm nguyện cùng chồng cứu người khi mình chết. Dù tôi vẫn tiếc là mình không giúp được chồng hiến toàn bộ nội tạng. Nhưng dù sao, hai giác mạc của ông ấy đã giúp hai người mù sáng mắt là tôi thấy mình cũng tròn trách nhiệm với ông ấy”.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc BV Chợ Rẫy, “Ghép mô - tạng, không thể thực hiện thành công được nếu không có người hiến tạng. Nguồn tạng hiến từ người cho sống không đủ đáp ứng nhu cầu của những bệnh nhân suy tạng. Chúng tôi không thể nào không nhắc đến sự hy sinh của những người hiến tạng sau khi chết não, ngừng tuần hoàn. Họ và gia đình đã sẵn sàng cho đi một phần cơ thể quý giá của mình, cho những người không quen biết, không cùng huyết thống”.
Thực tế quan niệm “chết phải toàn thây” vốn ăn sâu của người Việt, vì vậy, hiến tạng khi qua đời vẫn là một vấn đề chưa được nhiều người đồng thuận. Thế nhưng, sau hơn hai năm Bộ Y tế phát động chương trình vận động hiến tạng khi chẳng may qua đời, tại BV Chợ Rẫy đã nhận được gần 2.000 lá đơn xin hiến tạng sau khi qua đời của người dân.
Tại buổi lễ vinh danh người hiến tạng hôm ấy, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ, ngoài câu chuyện của vợ chồng bà Phụng và nhiều trường hợp khác, có những câu chuyện rất đặc biệt khiến bà không thể quên được như chuyện của ba cô gái mù đưa nhau đi đăng ký hiến toàn bộ mô tạng sau khi qua đời.
Trong đó, một trong ba cô gái đó vẫn còn nhìn thấy lờ mờ do bệnh lý về mắt nhưng giác mạc còn tốt. Cô đã đề nghị được hiến giác mạc cho người bạn mù của mình, chấp nhận mù thay bạn. Thế nhưng, ý định của cô không được đồng ý. Vì nguyên tắc hiến mô tạng là người hiến sẽ không bị bệnh tật, di chứng nào sau khi hiến.
“Hình ảnh ba cô gái ấy mò mẫm đi lên cầu thang, hỏi đường đến phòng đăng ký hiến tạng khiến tôi thực sự xúc động. Cả ba người đều không thể tự viết đơn vì mắt không nhìn thấy được. Chúng tôi phải nhờ đơn vị pháp chế viết đơn giúp”, TS.BS Thu kể lại.