Vượt lên số phận từ những giọt nước mắt của người vợ

Chủ Nhật, 20/08/2017, 17:17
Từng nghiện ngập một thời gian dài, giờ Phạm Huy Khương thành "của hiếm" ở thị trấn nông trường Mộc Châu (Sơn La). "Hiếm" là bởi những người "nghiện cùng thời" với anh chẳng mấy ai còn sống, đồng thời anh đã tu tâm dưỡng tính, trở thành người tốt, xây dựng kinh tế gia đình. Hơn thế, anh còn trở thành một ông chủ có dây chuyền làm bánh bún to nhất khu vực.


Từng là kẻ chơi bạt mạng

Phạm Huy Khương hiện sống với vợ và con cháu ở Tiểu khu 2, thị trấn nông trường Mộc Châu. Với nụ cười hiền khô, dẫu khuôn mặt phương phi của Khương vẫn còn chưa xóa hết những dấu vết của một thời lầm lạc, anh cẩn thận pha nước mời chúng tôi.

Tôi cùng đồng chí Công an viên làm một phép thử với Khương: "Thôi chè cháo gì anh, có rượu thì làm một chai?". Khương cười khề khề: "Làm gì có, tôi bỏ lâu rồi. Bây giờ không ai mời, không ai ép tôi được một giọt!".

Vợ chồng anh Khương và các cháu.

Câu chuyện trở nên hào hứng và thoải mái hơn. Khương bảo, ở thời tuổi trẻ của mình việc mua thuốc phiện dễ như mua rau. Đám thanh niên trong khu vực, trong các bản đua đòi, thích chơi bời thể hiện, nên đều dính nghiện cả. Khu vực Mộc Châu luôn là điểm nóng, là nơi bão thuốc phiện, ma túy hoành hành.

"Bản thân tôi, từ năm 1990 bố mẹ làm nương mận, làm bún kiếm được, kinh tế khá lắm. Vì khá nên tôi chơi. Tôi cũng được cưới cho cô vợ xinh và dịu dàng. Vì bố mẹ chỉ sinh được chị gái và tôi, là cậu ấm, được chiều chuộng nên tôi thích tụ tập. Từ năm 1997 tôi bập vào hút xách và nghiện".

Cho đến năm 2003, 2004, cả khối tài sản mà bố mẹ đã làm lụng, tích cóp được đều bị Khương khuân đi phục vụ "nàng tiên nâu". Thậm chí những "cây vàng" mà Khương mang đổi lấy thuốc vẫn chưa đủ, bèn cắm cả xe máy để lấy tiền phục vụ thú chơi, cơn nghiện của mình và bạn bè.

Thấy chồng nghiện ngập, lêu lổng, chị Bùi Thị Thơm là vợ anh Khương đã khuyên can hết lời. Nào là: Cuộc sống không đến nỗi nào, anh hãy từ bỏ thói ấy đi, tu chí làm ăn, thương vợ thương con, em sẽ bỏ qua hết. Rồi: Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó. Anh là trụ cột gia đình, anh không thương vợ con, bố mẹ già thì ai thương đây?

Nói mãi, khuyên mãi Khương cũng không nghe. Năm 2009, hai người ra tòa ly dị.

Năm đó hai vợ chồng anh đã ly dị rồi. Nhưng hôm nay tôi vẫn thấy chị ngồi đây với anh. Chuyện đó có nguyên do: Đầu năm 2016, chị Thơm đã về cùng anh Khương.

Tôi hỏi chị Thơm, tại sao ngày đó chị với anh Khương ly dị? chị Thơm cho biết, cuộc sống êm thấm, nhưng rơi vào hoàn cảnh chồng mắc nghiện thì buồn lắm. Chị chỉ mong gia đình nghèo, nhưng chồng đừng nghiện.

Sự thật thì không phải vậy. Chị đã chịu đựng rồi, đã khuyên can hết lời, nên muốn dọa để anh ấy tỉnh ngộ. Nếu anh Khương hối lỗi, chị sẽ tha thứ để cùng nuôi dạy con cái nên người, nuôi mẹ chồng già yếu. Thế rồi chuyện ly dị xảy ra thật.

Nghĩ "uất đời" vì mình từng là kẻ ăn chơi bạt mạng, có tiền, có số má, vậy mà mất vợ, Khương định phá bĩnh. Nhưng thấy mẹ khóc, anh mủi lòng, đành tìm cách, nhờ người xin vào TP Hồ Chí Minh cai nghiện.

Trước khi đi, Khương bảo không cai thành công sẽ không về, bởi trong khu vực nhiều người nghiện như anh, có chích thuốc nặng liều đã chết, bỏ lại vợ con và tuổi trẻ. Với quyết tâm cao độ, sau ba năm Khương đã thành công trở về.

Chị Thơm đã hy sinh rất nhiều vì chồng.

Thế nhưng cuộc đời nhiều nỗi tréo ngoe, trong lần gặp gỡ bạn bè chúc mừng vì cai thành công, Khương đã uống khá nhiều rượu. Chính cuộc rượu đầu tiên này khiến Khương quên mọi thứ, đánh thức "con nghiện" trong người anh để rồi anh lại chìm sâu vào những cơn mê dại.

Tình cảm của người vợ

Năm 2012, Công an huyện Mộc Châu đã đưa Khương đi cai bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động tỉnh Sơn La. Đó thật sự là những ngày tháng vật vã của anh.

Nhưng thời gian đó, chị Bùi Thị Thơm vẫn đưa con vào thăm chồng cũ, động viên anh thức tỉnh để làm lại, bởi cuộc đời có nhiều thứ, trong đó có niềm kiêu hãnh. "Anh cần phải được sống tự do, đi ra đường ngẩng cao đầu chứ không phải cứ lấm lấm lét lét, cúi gằm mặt xuống", chị Thơm nhấn mạnh.

Biết hoàn cảnh của anh, cán bộ Trung tâm cũng động viên: Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó. Anh cần phải nghĩ đến vợ cũ, đến con, mẹ già ở nhà và đặc biệt là bản thân mình.

Được lời như mở tấm lòng, Khương đã quyết tâm sẽ không bao giờ động đến một giọt rượu hay bia, đồng thời chịu khó lao động, sản xuất, được bầu làm Đội trưởng một đội sản xuất ở Trung tâm Giáo dục lao động tỉnh Sơn La. Anh cũng nhắc nhở, tâm sự với những người cùng vào trại với anh: Hãy từ bỏ rượu bia, bởi rượu bia dễ dẫn đến con đường nghiện ngập, sẽ không thể từ bỏ dứt điểm được.

Nhớ lại tình cảm của vợ lúc đó, anh Khương trải lòng: "Vợ tôi là người phụ nữ dịu dàng, là giáo viên mầm non. Chính tôi thấy vợ thương tôi thật sự, còn bản thân lại làm vợ khổ nhiều. Nhìn những giọt nước mắt của người vợ đã ly dị khi vào thăm tôi, làm tôi vừa bối rối vừa thấy vui sướng. Vợ đã không bỏ rơi, lại còn đưa con vào động viên, trong khi đó nhiều người cùng cai nghiện với tôi chẳng bao giờ được vợ quan tâm nữa".

Đến tháng 6-2015, Khương đã hoàn thành việc cai nghiện và trở về ngôi nhà của mình. Chị Thơm ở với bố mẹ đẻ. Dù nhiều người khuyên chị nên đi bước nữa bởi đã được giải thoát từ lâu. Nhưng chẳng hiểu sao lúc nào chị cũng nghĩ đến Khương.

Suốt mấy năm trời chị gặp áp lực từ phía gia đình, rằng người đã nghiện ngập thì rất khó cai, khó bỏ con đường cũ, vậy thì nên tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Chị thẳng thắn trả lời: "Con xin lỗi bố mẹ và gia đình, con sẽ chẳng lấy ai nữa, có lấy thì mọi người đi mà lấy".

Không ép được con, mọi người cũng đành chiều theo ý chị. Còn ở trường, dù chị năng nổ, chịu khó, làm tốt thế nào thì vẫn không khỏi mang tiếng là "vợ thằng nghiện". Dù tủi thân nhưng chị vẫn lấy công việc làm niềm vui và mơ về một điều gì đó rất khó định hình ở phía trước.

"Vui vì có em"

Đúng như đã hứa với mọi người, Khương đã không động đến một giọt rượu bia, dù bất kể là ai mời. Về nhà, sẵn có ngôi nhà ngay mặt đường, anh vay mượn thêm tiền để đầu tư dây chuyền làm bánh, bún phở cung cấp cho các nhà hàng trong khu vực thị trấn.

Cùng với đó anh cũng tráng bánh cuốn phục vụ bà con ăn sáng. Hằng ngày, anh ngâm gạo từ chiều hôm trước, xay nhuyễn, 4 giờ sáng hôm sau thì dậy vận hành dây chuyền máy sản xuất, từ 6 giờ sáng thì phục vụ bà con ăn sáng, thu nhập khá ổn định.

Những ngày đó, chị Thơm thi thoảng vẫn sang chăm sóc con, động viên chồng cũ, rồi cùng tổ chức đám cưới cho con trai cả. Chị thấy anh Khương đã hoàn toàn lành… như cục đất.

Đúng một năm sau, năm 2016, anh Khương nói với chị Thơm: "Hay là mình về đây sống với bố con tôi, chứ như thế chẳng tiện chút nào. Mình vẫn còn thương tôi, thương con mà. Tôi sẽ không bao giờ phạm sai lầm nữa".

Khi ấy, chị Thơm và gia đình đã đi chùa trong thị trấn, cầu nguyện rằng nếu chồng hối lỗi thật sự thì sẽ về. Chị cũng sang làm tư tưởng cho chồng một tuần, nhận thấy sự thay đổi lớn nơi anh, chị Thơm đồng ý về lại ngôi nhà cũ, nơi chị đã ra đi và cùng chồng gây dựng kinh tế gia đình.

Với dây chuyền làm bánh bún, anh Khương tự hào vì mình có thể sống tốt.

Khi rảnh rỗi, chị cũng đưa anh Khương lên chùa để lòng hướng thiện. Từ đó, anh Khương mỗi ngày lại có ước ao đến chùa và làm từ thiện. Khương bảo: "Tôi vui mừng vì có người vợ biết hy sinh. Nếu không có vợ thì chắc gì tôi đã làm được như hôm nay".

Hai vợ chồng ý nhị nhìn nhau.

Tôi hỏi chị Thơm rằng, vì sao ngày đó anh Khương đi cai nghiện, chị vẫn thương? Chị trả lời: "Trước đó, tôi cũng nhủ mình là mặc kệ, muốn ra sao thì ra, thế rồi tôi vẫn vào thăm. Chắc vì tôi thương. Tôi nghĩ đời tôi cũng nhiều gian truân, nhưng sông có khúc người có lúc. Bây giờ thì chúng tôi thật sự vui vẻ, bảo ban nhau cùng làm ăn".

Những người nghiện ngập cùng độ tuổi, chơi bời với anh Khương đã mất gần hết vì nghiện ngập, chích hút. Anh Khương chia sẻ, có đến 98% người tái nghiện vì người cai thiếu quyết tâm. Vì thế anh khuyên, khi cai nghiện và sau khi cai, mọi người không nên uống bia rượu nữa, đặc biệt là không dùng thuốc lại, không chơi với kẻ xấu để khỏi tái nghiện.
Nguyễn Văn Học
.
.
.