Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường và duyên lành cùng Phật giáo
- Nghệ sĩ Trịnh Huyền: Đợi mối duyên lành
- Mạc Cao - Bảo tàng Phật giáo vĩ đại nhất thế giới
- Triển lãm ảnh các phế tích và di sản phật giáo
Thuận duyên cùng cửa Phật
Sinh ra tại Đà Nẵng nhưng nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường có cả tuổi thơ gắn bó với vùng đất thần kinh Thừa Thiên - Huế. Từ khi còn là cậu trò nhỏ theo học tại Trường Hàm Long, ngôi trường nằm trong chùa Bảo Quốc (Huế), ông đã bắt đầu bén duyên với Phật giáo, một mối duyên lành.
Trường học đặt trong chùa nên ngày ngày ông được ngắm nhìn bao bức tượng Phật trang nghiêm. Dần dà, ông tò mò muốn tìm hiểu sâu về tôn giáo này. Không lâu sau, ông được cha tặng cho chiếc máy ảnh đem về từ Nhật Bản.
Thời phổ thông, chiếc máy ảnh đầu tiên ấy theo chân chàng học trò Trường Quốc học rong ruổi khắp nơi. Giai đoạn này, ông được đào tạo cách sử dụng máy ảnh chuyên nghiệp để tự do sáng tác. Mà ngộ thay, những hình ảnh đầu tiên ông chụp lại là ảnh chùa chiền và phong cảnh Huế.
Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường |
“Bức ảnh đầu tiên tôi chụp là ảnh chùa Bảo Quốc. Sau vào Sài Gòn tiếp tục học lên cao, tôi được tiếp tục mối duyên lành với Phật giáo vì nghiên cứu nhiều đề tài về lĩnh vực này. Cả đề tài tốt nghiệp đại học và đề tài bảo vệ thạc sĩ của tôi cũng hướng về Phật giáo đó là “Bia, văn ở chùa” và “Ngôi chùa trong truyền thống văn hóa làng xã Việt Nam”. Cuộc đời làm nghề của mình, tôi công tác tại nhiều nơi, kinh qua nhiều vị trí nhưng nhiếp ảnh và Phật giáo là hai lĩnh vực tôi theo đuổi đến cùng”, nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường chia sẻ.
Làm việc trong ngành văn hóa hay ngành giáo dục, ở vai trò của người nghệ sĩ hay người thầy, ông đều thành tâm nghĩ về cửa thiền, về những bức tượng Phật mà mình ấn tượng từ thời ấu thơ.
Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường trải lòng: “Ở đâu, làm gì tôi vẫn thôi thúc bản thân phải làm điều gì đó đặc biệt cho nền văn hóa tâm linh nước nhà. Ngày đó hay bây giờ cũng vậy, chỉ cần nghe nơi nào đó có ngôi chùa đặc biệt là tôi tìm đến ngay. Có những ngôi chùa tôi đến cả trăm lần mới chụp được những bức hình ưng ý”.
“Con tằm” mãi vương tơ
Hơn 30 năm cầm máy, đôi chân rong ruổi trên 30 quốc gia và ghé thăm gần 4.000 ngôi chùa, nhiếp ảnh gia đang sở hữu một kho tàng nghệ thuật vô giá với hơn 2 triệu bức ảnh về chùa và tượng Phật.
Ông còn là tác giả và đồng quyền tác giả của gần 30 cuốn sách về chủ đề Phật giáo. Trong đó phải kể đến những tác phẩm tạo được danh tiếng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: “Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam”, “Chùa Việt Nam xưa và nay”, “Chùa Việt Nam hải ngoại” hay gần đây nhất là cuốn sách ảnh mang tên “Tượng Phật Việt Nam”.
Mỗi cuốn sách của nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường đều có thời gian sưu tầm, thực hiện khá lâu vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là vì ông muốn có sự chỉn chu trong từng bức ảnh, từng câu chú thích, giới thiệu. Đa phần sách đều được thể hiện dưới hình thức song ngữ, đa ngữ với mong muốn quảng bá hình ảnh chùa, tượng Phật Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Như với cuốn “Tượng Phật Việt Nam”, ông đã dành nhiều năm liền để ghé thăm, tìm hiểu, chụp hình tại hơn 350 ngôi chùa lớn nhỏ khắp Á, Âu. Sự công phu, tỉ mỉ được ông thể hiện qua từng khung hình, từng đoạn trích dẫn, giới thiệu thông tin, lịch sử hình thành các ngôi chùa hay niên đại hình thành mỗi bức tượng.
Tại nhiều cuộc trò chuyện, ông hay chia sẻ về các ngôi chùa luôn khiến ông xúc động khi mỗi lần ghé thăm, vì ở đó ông cảm nhận được vẻ đẹp từ kiến trúc đến nghệ thuật tạc tượng.
“Cứ có dịp đến chùa là tôi chụp hình nhiều lắm. Có khi mải mê chụp đến mức quên cả ăn uống, may mà có bà xã hay theo cùng để hỗ trợ. Khi chụp, tôi luôn cố làm sao để bức ảnh có tâm nhất chứ không quan trọng người xem khen chê thế nào. Tôi muốn truyền tải đến mọi người những hỉnh ảnh phản ánh chân thật nhất nét đẹp của các ngôi chùa mà mình có dịp ghé thăm. Khâu mất thời gian nữa là thu thập thông tin về chùa, về tượng để giới thiệu đến người xem. Khó là vậy nhưng nếu yêu thích và biết sắp xếp khoa học thì sẽ làm được”, tác giả Võ Văn Tường cho hay.
Làm sách Phật giáo cực nhưng cảm thấy an yên
Khi có ai đó hỏi tại sao cứ gắn bó với chủ đề Phật giáo mà không chọn hướng đi khác nhẹ nhàng và thu nhập cao hơn? Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường chỉ nở nụ cười hiền lành và bảo… đó là cái duyên. Là duyên nên dù phải vượt bao xa xôi cách trở cũng đáng để ông vượt qua. Là duyên nên dù gặp bao khó khăn từ nội dung cho đến tài chính, ông vẫn cố tìm cách xử lý để những cuốn sách hay, những bức ảnh đẹp được trao đến tay nhiều người.
Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường giới thiệu cuốn sách ảnh Tượng Phật Việt Nam - cuốn sách mới nhất ông vừa xuất bản. |
“Tôi may mắn khi được vợ con ủng hộ hết mình. Làm sách về chủ đề Phật giáo khó lắm. Khó nhất là tìm được nguồn kinh phí đầu tư thực hiện. Mỗi cuốn sách muốn được hoàn thiện phải mất 7 - 8 năm. Phần thì hình ảnh nhiều nên chi phí in ấn, sửa chữa hình ảnh rất cao. Vì vậy, có khi sách dịch xong, làm hình ảnh hoàn chỉnh rồi mà vẫn chưa in được do thiếu kinh phí. Có lúc, vợ tôi còn quyết định bán nhà để hỗ trợ tôi in sách. Như cuốn sách mới nhất “Tượng Phật Việt Nam”, vợ và các con cũng hỗ trợ kinh phí để tôi in 2.000 cuốn sách dành tặng các chùa”, nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường trải lòng.
Ngấp nghé tuổi 70, cái tuổi đáng ra phải nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu hay thỏa chí điền viên, nhiều người vẫn bắt gặp nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường miệt mài sáng tác khắp nơi.
Với ông, việc chụp, lưu giữ và giới thiệu hình ảnh về những ngôi chùa hay tượng Phật đã trở thành một phần việc quan trọng khó có điểm kết của cuộc đời mình. Trong cuộc dạo chơi ấy, ông luôn cố gắng đóng trọn vai trò của một người quảng bá văn hóa, quảng bá cái đẹp, lưu giữ điều linh thiêng.
Bên cạnh vai trò của một nhiếp ảnh gia, ông còn tham gia giảng dạy các bộ môn về văn hóa, nghệ thuật nhiếp ảnh, truyền thông tại nhiều trường đại học lớn và các ngôi chùa từ Bắc vào Nam. Ông thường dặn dò lớp trẻ rằng muốn có ảnh đẹp phải đặt tâm hồn mình vào đó. Và muốn chụp ảnh được thì phải có sức khỏe để đi nhiều, chụp nhiều, đủ mọi góc cạnh, khi nào hài lòng mới thôi.
Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường nói thêm: “Chụp ảnh thôi chưa đủ mà phải có tác phong làm việc khoa học để xử lý hình ảnh, thông tin nếu không là rối, mất ảnh ngay. Nhiếp ảnh gia phải biết cái gì cần chụp, thông tin nào là quý để hỏi thăm, sưu tầm. Đã chọn con đường này thì đừng quá coi trọng vấn đề tiền bạc bởi quan trọng nhất vẫn là những gì mình dành tặng cuộc đời.”.