Nguyên mẫu "Em Ngọc" nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú"

Thứ Hai, 12/11/2018, 07:28
Hoạt động cách mạng khi còn là cậu bé 11 tuổi; năm 13 tuổi, trong một lần làm nhiệm vụ, ông bị địch phục kích và mất đi một cánh tay. Hơn 70 năm qua, dù cơ thể không còn nguyên vẹn nhưng điều ấy không ngăn trở được ý chí phấn đấu đóng góp cho đời của ông Trịnh Ngọc Trình (Trịnh Hoài Đức, Hà Nội).


Ông từng làm giáo viên ở Lai Châu, Sơn La, Trường sư phạm miền núi Trung ương, cán bộ Đoàn tại Đại học Sư phạm Hà Nội và nay là Giám đốc Tổ chức hỗ trợ Giáo dục - Khoa học - Y tế miền núi… Với những cố gắng không mệt mỏi của mình, năm 2018, ông Trình vinh dự được nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" do TP Hà Nội trao tặng.

Nhiệt huyết của người thầy thương binh

Không phải khi nhận được danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" tôi mới biết đến người thầy đặc biệt này. Thầy Trình được người ta gọi với những cái tên như "Thầy giáo một tay", "Anh Ba sẵn sàng", "Em Ngọc"... Ấn tượng của tôi về thầy Trình là một con người thân thiện, tràn đầy năng lượng mà thời gian cũng phải nhường bước.

Nguyên mẫu "Em Ngọc" luôn muốn được gọi mình là thầy giáo.

Cứ mỗi khi nhắc đến miền núi, mắt người thầy giáo già lại ánh lên niềm háo hức, sự hạnh phúc đến lạ kỳ. Thầy bảo, dù chỉ còn một cánh tay thôi nhưng cuộc đời thầy đã gắn liền với người dân ở bản làng xa xôi, và luôn ước vọng giúp đồng bào miền núi đỡ vất vả. Thầy Trình kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình với giọng hào sảng, sôi động như thể chuyện vừa mới ngày hôm qua.

Thầy tham gia kháng chiến chống Pháp khi mới chỉ là cậu bé 11 tuổi, rồi bị thương và mất 1 cánh tay trong chiến dịch chặn đánh quân địch ở thị xã Ninh Bình. Để rồi từ câu chuyện ấy, thầy đã trở thành nguyên mẫu của câu chuyện "Em Ngọc" từng được đưa vào "Tuyển tập Văn lớp 5", tài liệu học tập của nhiều thế hệ học sinh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.

Năm 1952, thầy Trình được cử đi học và trở thành giáo viên, giảng dạy nhiều năm ở Tây Bắc.  Khi ấy thầy được phân công làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Lay (Lai Châu). Thầy cùng hai đồng nghiệp nhận nhiệm vụ trước sự ngỡ ngàng của nhiều bạn bè. Nhiều người biết chuyện đã gàn, bởi lên miền núi làm thầy thì làm gì có học sinh, như thế chẳng khác nào ném tương lai qua cửa sổ.

Quả đúng như vậy, những năm đầu thầy Trình cùng hai đồng nghiệp nằm trên lán trại chỉ nghe tiếng dế kêu, tiếng thú hoang mà không cầm được lòng. Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, họ quyết tâm vượt khó vì học trò, khi thì đi vận động học sinh đi học, cố gắng lên lớp giảng bài dù chỉ có 1 em học sinh.

Ngày đó vận động học sinh đi học là điều không hề dễ dàng. Thầy Trình phải bỏ lương, mua gạo đến từng nhà các em, rồi nói với cha mẹ học sinh rằng: "Không đi học thì khổ lắm, cứ đi học đi, thầy có gạo đây rồi, các em đi học không phải mang gạo theo đâu". Cứ như thế lớp học của các thầy đã đông dần lên, trường ra trường, lớp ra lớp.

Sau khi ở Lai Châu đã ổn định, thầy Trình lại được thuyên chuyển về Sơn La tiếp tục công việc khó khăn. Đầu hè năm 1957, thầy Trình và một nhóm thầy cô được về Hà Nội dự lớp "Bồi dưỡng về đường lối giáo dục cho giáo viên cốt cán của miền Bắc". Có lẽ đó là thời khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời của thầy Trình, bởi đó là lần thầy được gặp Bác Hồ.

"Hôm đó tại trường Chu Văn An, tổ trưởng của đoàn có đến nhắc, hôm nay có một vị lãnh đạo cao cấp đến giảng, đề nghị các đồng chí đến lớp sơn hơn và ăn mặc chỉnh tề. Tôi vội vàng đến lớp, khi đến thấy rất nhiều người tranh nhau đứng ở hàng đầu để được nhìn thấy Bác. Cả nhóm xôn xao, Bác "mắng": "Chỗ này dành cho phụ nữ, sao các cháu lại chen lên đây!". Thấy Bác mắng, chúng tôi đều run và kéo nhau lui xuống. Lúc ấy Bác đã cầm tay tôi lại và bảo: "Cháu thì được đứng ở đây, cháu dạy ở đâu?". Tôi trả lời: "Cháu dạy ở Sơn La".

Dù đang phải chống chọi với bệnh ung thư nhưng thầy Trình chưa khi nào nghỉ ngơi.

Sau buổi học hôm ấy, một người lãnh đạo đi cùng Bác đã nói trên loa phóng thanh lời yêu cầu "Đồng chí thương binh dạy ở Sơn La ở lại gặp tôi". Sau buổi gặp ấy, thầy Trình được mời lên văn phòng Bộ Giáo dục và đào tạo để nhận quyết định đặc biệt "về Hà Nội công tác".

Tin trở về Hà Nội đã khiến thầy Trình không vui, thầy đã nói với người giao nhiệm vụ: "Tôi đang dạy ở Sơn La, tôi muốn dạy chữ cho đồng bào dân tộc. Họ chăm học, hát hay… tôi không thể về". Vị lãnh đạo này kiên quyết nói: "Đồng chí là chiến sĩ quân đội nhân dân. Đồng chí có biết kỉ luật quân đội? Đồng chí về Hà Nội, đồng chí vẫn được dạy người dân tộc, Hà Nội cũng có trường dân tộc".

Năm 1960, ông về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội học rồi trở thành giảng viên và Bí thư Đoàn khởi xướng và phát động phong trào "Tam bất kì" ở các chi đoàn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó được Thành đoàn Hà Nội đổi tên thành phong trào "Ba sẵn sàng". Phong trào này được Thành đoàn Hà Nội nhân rộng, phát động và nhanh chóng trở thành phong trào thi đua yêu nước của thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ.

Với tinh thần "Ba sẵn sàng", hàng vạn thanh niên Hà Nội đã chích máu tay viết đơn sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Đảng cần, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì miền Nam ruột thịt, bảo vệ miền Bắc. Năm 1965, thầy Trình chuyển sang công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đến năm 1975 chuyển về Đại học Sư phạm Hà Nội làm Trưởng phòng Công tác Chính trị.

Khi đó, thầy đã đề xuất thành lập bộ môn "Giáo dục thời sự chính sách"; trực tiếp làm chủ nhiệm bộ môn và là giảng viên chính giảng dạy cho sinh viên năm thứ tư để kịp thời thông tin những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, của Đảng bộ Hà Nội nhằm giáo dục, uốn nắn những lệch lạc; biểu dương gương người tốt, việc tốt trong thanh niên, học sinh, sinh viên.

Tháng 3-1990, thầy Trình được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm làm Giám đốc Tổ chức hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (HEDO). "Ngày đó, tôi đã vận động và thực hiện thành công hơn 200 chương trình, dự án phục vụ đồng bào ở vùng miền núi. Ban đầu được cử làm giám đốc, tôi cũng băn khoăn lắm vì không biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào. Rồi lại nghĩ, chiến tranh khốc liệt vậy mình còn qua được, xá gì công việc này. Tôi đã quyết tâm hoàn thành công việc mới này bằng mọi giá" - thầy Trình kể.

Những chuyến đi thực tế của thầy Trình nhằm nắm bắt tình hình đời sống của đồng bào miền núi ngày một dày hơn. Thầy đau đáu, xót xa trước những hoàn cảnh, trước cuộc sống khó khăn thiếu thốn của bà con nơi đây. Thầy đứng ngồi không yên khi tình trạng mù chữ, tảo hôn, đẻ dày, trẻ con không được đến trường, quanh năm thiếu ăn. 

Thầy và các thành viên của Tổ chức HEDO đã vận động các tổ chức, bạn bè quốc tế hỗ trợ cho việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và tuổi trẻ miền núi. Hàng loạt trường học, thư viện, phòng thí nghiệm, trung tâm văn hóa dân tộc, các trạm y tế được mọc lên.

Ngôi trường đầu tiên ở Lào Cai được Tổ chức HEDO xây dựng đã tạo một tiếng vang không nhỏ. Đã có nhiều tổ chức trong và ngoài nước tìm đến thầy ngỏ ý làm các dự án ngoài giáo dục. "Họ hỏi tôi có làm được các dự án khác ngoài giáo dục không?

Với những đóng góp của mình, thầy giáo Trịnh Ngọc Trình được nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2018.

Tôi trả lời ngay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Cái gì làm được cho dân bớt khổ phải gắng mà làm. Câu nói đó của Người đã thôi thúc tôi không quản ngại khó khăn, mệt nhọc, những cơn đau của vết thương chiến tranh để mà đi, làm tiếp những công việc còn dang dở" - thầy Trình tâm sự.

Tinh thần "ba sẵn sàng"

Dù đã ngoài 80 tuổi, thầy Trình vẫn chưa ngày nào ngơi nghỉ, vẫn tham gia các dự án hỗ trợ phát triển giáo dục tại các tỉnh miền núi trên khắp cả nước. Trong suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến của mình, thầy được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Năm 2009, thầy được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chúng tôi lo lắng về sức khỏe của thầy khi hay tin, vào tháng 5 vừa qua, thầy được các bác sĩ thông báo đã mắc ung thư phổi. Thầy cười: "Tôi thấy mình càng đi, càng khỏe ra. Tôi vừa đi công tác Cao Bằng về tuần trước để triển khai dự án đào tạo cô đỡ thôn bản cho các tỉnh miền núi đấy. Lần này dự án sẽ đào tạo khoảng 1.600 cô đỡ thôn bản ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Kạn. Ý tưởng này xuất phát từ tâm lý của đồng bào thiểu số, họ không muốn đi bệnh viện sinh con".

Khi tạm biệt, thầy Trình nhẹ nhàng vỗ vai chúng tôi như để trấn an: "Tôi cảm thấy sức khỏe của mình vẫn còn tốt lắm nên các bạn đừng lo. Giờ tôi vẫn có thể đi miền núi được mà, không đi là lại thấy nhớ, thấy mệt. HEDO ra đời là vì đồng bào miền núi mình còn nghèo. Còn nghèo thì mình còn phải tiếp tục đi".

Song Anh
.
.
.