Lớp học tình thương của bà giáo già đất Hậu Giang

Thứ Hai, 27/06/2016, 09:12
Mang trong người căn bệnh đau nhức khớp, nhưng ngày ngày bà giáo Lê Thị Lệ Huyền (70 tuổi, ở ấp Ba Ngàn A, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) vẫn đến lớp học tình thương của mình để chỉ dạy cho trẻ em nghèo biết được con chữ và bài học làm người.


Bà Lê Thị Lệ Huyền (còn gọi là Hai Huyền), là người con của đất Tây Đô, sau khi học xong văn hóa và lớp tập huấn điều dưỡng, bà Huyền lấy chồng về mảnh đất Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang).

Từ cảm nhận đầu tiên về quê nghèo xứ chợ nổi này, bà Huyền nhớ lại: “Lúc tôi về đây, vùng đất này còn nghèo lắm, các gia đình lại đông con, thiếu ăn, thiếu mặc, dẫn đến trẻ em không được đến lớp”. Bà Huyền ngoài việc vất vả chăm lo cho đứa con trai bị di chứng chất độc da cam, tay, chân teo tóp, không đi lại được, bà còn tình nguyện tham gia vào công tác dân số và kế hoạch hóa của địa phương.

Trong những lần làm công tác thiện nguyện ấy, bà thường xuyên bắt gặp ánh mắt của những đứa trẻ nghèo đứng trước cửa lớp học “lỏm” vì không có điều kiện, thậm chí số được đi học thì bị tình trạng ngồi nhầm lớp. “Thấy tụi nhỏ, tôi thương quá muốn làm điều gì đó để giúp các em thoát khỏi cảnh mù chữ. Vì vậy, tôi quyết định mở lớp học tình thương, nhưng do khó khăn, nên địa điểm để cô trò học là bên hiên quán nước, dưới bóng cây, hoặc hành lang nhà… Dù khó khăn nhưng các em chăm học lắm” – bà Huyền tâm sự.

Đối với bà giáo Huyền, niềm hạnh phúc lớn nhất là khi thấy những học trò của mình thành công dân tốt, có ích cho xã hội.

Vậy là, từ sau năm 1975, lớp học tình thương được hình thành. Mặc dù, kinh tế gia đình khó khăn, nhưng bà Huyền đã dùng toàn bộ số tiền phụ cấp từ công tác dân số để duy trì lớp học tình thương của mình. Những đứa trẻ được học tập tại lớp học tình thương của bà ngày một ngoan, lễ phép hơn, thành tích học tập cũng được cải thiện đáng kể. Người dân cho con đến lớp học tình thương ngày một đông hơn. Mái hiên, bóng cây... không còn đủ chỗ cho các em ngồi học.

Mùa hè 2007, các bạn sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh tặng 30 triệu đồng để cùng với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Đại Thành, xây dựng một phòng học, đồng thời thành lập CLB Thiếu nhi ấp Ba Ngàn A, do chính bà Huyền làm chủ nhiệm.

Nói về cách truyền đạt kiến thức cho các em, bà Huyền chia sẻ: “Lúc đầu, chủ yếu dạy cho các em biết đọc, biết viết. Đến những năm sau giải phóng, công tác giáo dục ở địa phương được chú trọng, hầu hết các em được tạo điều kiện đến trường. Giờ đây, tôi lồng ghép vào các bức tranh, bài thơ, vở kịch... theo từng chủ đề, nhân vật, sự kiện, như: ngày Thương binh liệt sỹ, Nhà giáo Việt Nam, Tết Trung thu, biển đảo…

Tôi dạy cho các em ngoan, lễ phép, biết kính trên nhường dưới, yêu Tổ quốc, kính trọng thầy cô... đồng thời giúp các em tăng thêm hiểu biết. Mong muốn các em lớn lên sẽ là một người công dân tốt cho xã hội”.

Dù lớp học có rất nhiều độ tuổi khác nhau, thế nhưng vẫn được bà giáo già xây dựng kế hoạch học tập hợp lý để quá trình học tập trên lớp của các em không bị gián đoạn. Bà luôn cập nhật tin tức, kiến thức của mình qua thông tin trên báo, đài, sách vở.

Đến lớp học của bà Hai Huyền, trong căn phòng rộng hơn 10m2, dễ dàng cảm nhận được không khí ấm áp, đầy tình thương mà cô trò nơi đây dành cho nhau. Không khó để gặp những ánh mắt trong veo dõi theo từng nét chữ, cử chỉ của bà như nói lên phần nào sự yêu mến mà những học trò nghèo dành cho bà.

Khi được hỏi về bà giáo, em Đoàn Thị Kim Cương (9 tuổi), xúc động: “Bà Hai thương chúng con như tình cảm của người mẹ vậy. Bà dạy chúng con nhiều điều hay và kiến thức, bà còn mua tập, bút, quần áo cho chúng con. Lớn lên con muốn được làm một cô giáo giống như bà Hai”.

Bà Huỳnh Thị Minh (ấp Ba Ngàn A), cho biết: Trong xóm, ai cũng quý và kính trọng cô Hai lắm. Cô dạy tụi nhỏ ngoan lắm, ra đường gặp người lớn là chúng thưa hỏi đàng hoàng, học tập thì giỏi hơn”.

Hiện tại, lớp học có hơn 40 em (từ 5 -12 tuổi) đang sinh hoạt và học tập. Do đó, bà Hai Huyền sắp xếp cho sinh hoạt tập trung vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng để tránh ảnh hưởng đến việc học ở trường của các em. Đối với những ngày còn lại, thì các em được học theo từng nhóm tại nhà bà.

Anh Lê Hoàng Nam, Bí thư Đoàn xã Đại Thành, nhận xét: “Nhờ có lớp học của cô Hai Huyền mà hàng trăm em học sinh nghèo, khó khăn, mồ côi, cơ nhỡ ở địa phương được dạy điều hay, lẽ phải, hướng dẫn cách học tập tốt hơn. Lớp học là điểm tựa để trẻ em vươn lên từ đó không có trường hợp bỏ học nửa chừng. Cô còn bỏ tiền túi của mình để mua bút, sách, giấy vẽ cho các em.”.

Trần Lĩnh
.
.
.