Người thầy giáo nhân ái

Thứ Bảy, 12/11/2016, 19:22
Dù bận rộn với công việc giảng dạy nhưng hơn chục năm nay, ông Ngô Mạnh Cường, thôn Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội vẫn miệt mài với công việc thiện nguyện, kêu gọi, vận động giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã.


Với sự giản dị, chân thành, nhiệt tình của mình, ông đã tạo được niềm tin với các nhà hảo tâm và cả những nhà báo có uy tín.

Chúng tôi gặp nhà giáo Ngô Mạnh Cường khi ông vừa trở về từ buổi lễ biểu dương người tốt việc tốt và vinh danh 9 công dân tiêu biểu của thành phố Hà Nội. Ông là một trong 14 gương người tốt tiêu biểu của huyện Ứng Hòa dự lễ vinh danh và cũng là nhà giáo duy nhất. Nhắc đến tên ông, cả xã Sơn Công đều biết tiếng và cảm phục.

Thầy giáo Ngô Mạnh Cường tâm sự, ông đến với công việc thiện nguyện này cách đây hơn chục năm từ một câu chuyện rất tình cờ. Khi ấy, ông đang dạy học trên lớp thì một em học sinh lên xin phép được nghỉ ngày tuần của mẹ. Hỏi chuyện ông mới biết, em học sinh mất cha từ khi chưa sinh ra. Mẹ mới mất được 1 tuần nên em phải về lo thắp hương cho mẹ. Thương cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông đã về kêu gọi tấm lòng của các nhà hảo tâm để giúp đỡ cậu bé.

Thầy giáo Ngô Mạnh Cường.

Tin tưởng vào người thầy giáo hiền lành, chân chất, một phụ nữ Việt kiều quê gốc ở làng Chùa đã tài trợ tiền học phí cho cậu bé cho đến tận lớp 12 (khi ấy cậu bé đang học lớp 7).

Nhận cậu bé là người nhà, thầy Cường cũng xin giảm được học phí cho em và dành một phần lương giáo viên ít ỏi để mua sách vở cho cậu bé. Câu chuyện xảy ra từ năm 2004, giờ cậu học sinh năm nào đã trưởng thành và lập gia đình, sinh sống ở thành phố Hà Nội. Thi thoảng về thăm quê, anh lại đưa vợ con đến thăm người thầy đã giúp anh có được ngày hôm nay.

Kể từ đó, thầy Cường cứ miệt mài với công việc kêu gọi thiện nguyện của mình. Hơn chục năm, ông đã giúp đỡ được hàng chục gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, xã.

Ông tâm sự, mỗi nhân vật, mỗi gia đình là một câu chuyện đời đầy nước mắt mà bất cứ ai khi chứng kiến đều không thể cầm lòng. Nghèo khó, bệnh tật, bất hạnh đeo bám cuộc đời họ từ năm này qua năm khác, ông chỉ muốn góp một phần nhỏ bé bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm, các nhà báo viết bài chia sẻ gánh nặng cuộc sống với gia đình họ.

Như câu chuyện về gia đình cụ Trần Gia Sản, thôn Vĩnh Hạ, xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn phải nuôi hai đứa cháu nhỏ dại và người con trai tâm thần bao nhiêu năm nay. Con dâu mất sớm, mọi việc trong gia đình từ lớn đến nhỏ đều đến tay hai cụ.

Hằng ngày, cụ ông lưng đã còng rạp nhưng vẫn đi cuốc đất, trồng rau, còn cụ bà cặm cụi đi chăn bò. Trước đây gia đình cụ phải ở trong một túp lều rách nát, ngày mưa nhớp nháp, dột khắp nhà, nhờ thầy giáo Ngô Mạnh Cường kêu gọi tấm lòng của các nhà hảo tâm, hai cụ đã có một căn nhà nhỏ chui ra chui vào.

Nhưng vì tuổi già, sức yếu, lại phải nuôi con và nuôi cháu nên cuộc sống của hai cụ thiếu thốn đủ bề. Nhìn bữa ăn của đình cụ chỉ có chút cơm trắng với ít dưa muối ai cũng chạnh lòng. Thương cụ, thầy giáo Ngô Mạnh Cường cùng các nhà báo lại tiếp tục kêu gọi ủng hộ cho gia đình cụ.

Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Hiếu, thôn Động Phí, xã Phương Tú, là giáo viên Trường Tiểu học Tảo Dương Văn cũng khiến thầy Cường day dứt. 

Chồng chị công tác trong quân đội, đã mất cách đây 5 năm trong khi đang làm nhiệm vụ và đã được nhà nước công nhận là liệt sỹ. Cuộc sống của mẹ con chị Hiếu sẽ khá hơn nếu chị không mắc phải căn bệnh ung thư quái ác và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

Giờ đây, ba mẹ con không có nhà để ở, phải đi ở nhờ nhà bên ngoại, đồng lương giáo viên ít ỏi cũng không đủ để nuôi sống nổi 3 mẹ con, chứ chưa nói đến tiền chạy chữa thuốc thang hằng ngày.

Thầy Cường đang tích cực kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ, ủng hộ để mẹ con chị có chỗ dựa vươn lên trong cuộc sống. Nhờ có tấm lòng của người thầy giáo nhân ái, mà nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở trong xã, trong thôn được nhiều người tìm đến giúp đỡ, ủng hộ. Đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của ông khi tạo được niềm tin với chính những nhà báo, nhà hảo tâm lớn.

Thầy Cường dẫn nhà báo về thăm gia đình cụ Sản để kêu gọi giúp đỡ.

Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng cứ ngoài giờ dạy học trên lớp, thầy Cường lại lặn lội đi xác minh những trường hợp nghèo khó, thậm chí viết bài về chính những nhân vật mà ông giúp gửi lên các báo xin tiền từ thiện cho họ.

Có trường hợp ông còn tự đi làm đơn xác nhận của chính quyền để làm hồ sơ chữa bệnh như trường hợp cháu Nguyễn Thị Hồng Vân bị tim bẩm sinh ở trong xã, bố mất khi đi tàu đánh cá ngoài biển, mẹ bị thần kinh. Cháu bé bị ngất đưa vào viện cấp cứu, nhưng vì không có tiền điều trị nên bà mẹ lại bế trộm con về.

Thương hoàn cảnh của cháu, thầy Ngô Mạnh Cường đã nhờ một tờ báo có uy tín viết bài kêu gọi được 80 triệu để mổ tim cho cháu. Đích thân ông lên viện lên xã xin dấu xác nhận làm hồ sơ mổ tim cho em vì mẹ em thần kinh không thể tự làm được gì.

Nhưng với ông thì trường hợp khiến ông day dứt và thương cảm nhất là một cậu bé bị u mầm thận khi đang học lớp 12 không có tiền để chữa trị. Lúc ấy nhìn em ai cũng nói rằng, em khó có thể thi được tốt nghiệp lớp 12.

Thương hoàn cảnh của cậu bé, thầy cũng nhờ một nhà báo viết bài kêu gọi được 200 triệu đồng. Thậm chí một nhóm từ thiện ở Hải Phòng vì tin tưởng thầy Cường đã đi xin tiền ở đường phố để ủng hộ cho em. Nhưng số tiền mọi người giúp đỡ cũng chỉ duy trì được sự sống cho em được gần 2 năm.

Tròn 20 tuổi, em vĩnh viễn ra đi vì bệnh tình quá nặng, các bác sĩ cũng chẳng thể làm được gì, dù lúc ấy tiền cũng không còn là vấn đề khó khăn đối với gia đình em.

Thầy Ngô Mạnh Cường chia sẻ, ông đam mê, nhiệt huyết với công việc làm từ thiện này có lẽ do được thừa hưởng từ gen di truyền từ bố mẹ và hai vợ chồng bác ruột vốn là những người hết lòng giúp đỡ người nghèo.

Gia đình ông ngày xưa vốn là địa chủ giàu có nhưng mẹ ông luôn thương người, cho tiền cho gạo những người công nhân nghèo. Còn bố ông làm ở thanh tra Sở Lao động luôn nhiệt tình giải quyết đơn thư cho người nghèo, giúp đỡ những người công nhân bị đuổi việc.

Tiếp nối truyền thống gia đình, thầy Ngô Mạnh Cường luôn nhiệt tình với công việc xã hội. Trong hơn chục năm làm công việc thiện nguyện này, ông đã tạo được mối quan hệ thân thiết với nhiều bạn bè, nhà báo lớn, nhờ đó, bất cứ ai có hoàn cảnh khó khăn ở trong xã nhờ đến, chỉ trong một thời gian ngắn ông đã kêu gọi được các nhà hảo tâm để giúp đỡ.

Nhiều người ở xa đọc được câu chuyện về nhân vật có hoàn cảnh khó khăn lại gọi điện về cho ông xác minh rồi không ngần ngại chuyển tiền về nhờ ông đưa giúp. Họ còn bảo "nếu là thầy giáo nói thì họ hoàn toàn tin tưởng". Làng Chùa có 6 trường hợp khó khăn nhờ ông kêu gọi mà có nhà hảo tâm tháng nào cũng tài trợ cho mỗi trường hợp 500 nghìn đồng.

Điều đặc biệt là dù quê ở làng Chùa, nhà còn nhiều anh em họ hàng ở làng nhưng người này chỉ tin tưởng giao tiền cho thầy Cường để hằng tháng, ông thay mặt họ đến từng nhà trao quà.

Thầy Cường cùng các học trò sau giờ giải lao.

Từ hồi làm công việc thiện nguyện này, thầy Ngô Mạnh Cường bận rộn đi suốt, dù trời nắng hay trời mưa, dù là giờ nghỉ trưa hay buổi tối. Nhiều người thân trong gia đình hay trêu bảo thầy công việc nhà thì ngơ ngác, chẳng biết làm gì, có khi vợ con nhờ làm thì ngại đi, nhưng việc xã hội chẳng ai nhờ thì nhiệt tình, xông xáo đi ngay. Nhưng ông luôn tự hào, hạnh phúc vì nhận được sự ủng hộ hết mình của vợ con ông.

Hiện tại, thầy Cường đã kêu gọi tập hợp được những thầy giáo, cô giáo là đồng nghiệp tại các trường học trong xã lập thành một nhóm chia sẻ yêu thương, ủng hộ tiền bạc, vật chất để giúp đỡ người nghèo trong xã, huyện và lập quỹ khuyến học để trao phần thưởng xứng đáng cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Thầy Cường hi vọng rằng trong thời gian tới, hoạt động thiện nguyện của mình sẽ đi vào quy củ, có sự đồng hành của nhiều cá nhân, báo, đài trở thành một tổ chức từ thiện thực sự hữu ích cho người nghèo.

Với những đóng góp ý nghĩa của mình cho xã hội, nhiều năm liền thầy giáo Ngô Mạnh Cường nhận được giấy khen của UBND huyện Ứng Hòa, Hội Cứu trợ trẻ em thành phố, Hội Chữ thập đỏ thành phố và Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội
Ngọc Mai - Ngọc Minh
.
.
.