Người góp phần làm thay đổi diện mạo bản làng
- Gặp hai người Vân Kiều trồng cả triệu cây rừng bên đỉnh Trường Sơn
- Cựu chiến binh Vân Kiều hết lòng vì dân bản
Hơn 30 năm qua, ở bản Vùng Kho, xã Đakrông, huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị có một người đàn ông Vân Kiều đã làm không biết bao nhiêu việc giúp ích cho bản làng: Từ việc khai hoang đất đai, tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi nếp nghĩ cách làm của bà con; xây dựng nhà cửa cho người nghèo đến việc hiến tặng hàng ngàn mét vuông đất ở các vị trí thuận lợi để xây dựng trường học, các công trình phúc lợi khác, nhằm ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con. Tấm lòng và những việc làm ấy của ông khiến mọi người dân ở đây đều quý trọng, yêu mến.
Người đàn ông ấy có tên Hồ Ta Dóc. Chỉ cần đặt chân đến Đakrông, hỏi ông Dóc từ thiện, người dân ở đây ai cũng biết!
Bản Vùng Kho nằm hai bên QL9, cách cầu treo Đakrông chừng 1km hướng Đông Hà - Lao Bảo. Nhà ông Dóc ở đầu bản, về bên phải và cách con đường này khoảng 100m.
Khi chúng tôi đến, ông đang chơi đùa với đàn cháu 5-6 đứa. Biết lý do khách đến nhà, ông cười, bảo: "Bố không biết nhiều về báo chí. Các con hỏi, bố trả lời vậy nhé! Hôm trước, anh Quỳ, Chủ tịch huyện cũng có dẫn nhà báo lên đây, nhưng bố đi rừng về muộn nên không gặp".
Hỏi về việc khai hoang vỡ đất, xây dựng lại nhà cửa, bản làng sau ngày quê hương đất nước giải phóng, ở vùng đất vốn có nhiều bom đạn sót lại sau chiến tranh, ông kể liền một mạch những tháng năm khó khăn, vất vả: "Năm 1966, nhiều nơi ở Đakrông bị bom đạn Mỹ cày xới ác liệt, cả gia đình bố theo bà con ở đây sơ tán lên Khe Sanh (thuộc huyện miền núi Hướng Hóa ngày nay) định cư.
Nhưng năm 1972, bom đạn Mỹ rải thảm xuống chưa nổ còn trong lòng đất dày đặc, việc phát triển sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với nguy cơ tai nạn chết chóc, nên cả nhà tiếp tục di cư lên sinh sống ở bản Cốc, xã Hướng Linh cách Khe Sanh gần 40m. Nhưng rồi đất đai khô cằn, 1 năm sau đó, cả gia đình bố xuôi về lại, tìm đến vùng Cùa, huyện Cam Lộ lập nghiệp.
Ông Hồ Ta Dóc hạnh phúc vui vầy với con cháu. |
Sau chiến tranh kết thúc 1 năm, cả gia đình mới quyết định về lại quê bản Vùng Kho bây giờ. Những ngày đầu mới về lại đây, nhìn đâu cũng rừng núi rậm rạp, hố bom hố đạn chằng chịt. Con đường số 9 được xây dựng từ thời Pháp thuộc ngày đó cũng chỉ còn lại cái nền đường, nhỏ hẹp chỉ 1-2 sải chân người lớn; rặt ổ voi, ổ gà.
Với gần 100 hộ dân trở về quê, song chưa đầy nửa năm sau đó, số hộ bám trụ lại đây chỉ còn chưa tới trên đầu 10 ngón tay. Bố lúc đó 20 tuổi mới lập gia đình, nghĩ rằng cuộc sống cứ mãi tha phương cầu thực thì không thể nào ổn định, ăn nên làm ra được. Vậy nên, bố quyết tâm ở lại, suy nghĩ tìm cách khai hoang, cải tạo đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.
Tháng đầu tiên, bố phát cây bụi, san lấp hố bom và dựng một ngôi nhà nhỏ bằng tre-nứa-lá ở chân một quả đồi, gần bên con suối nhỏ, cách đường 9 chừng 30m. Sau đó, bố mở một con đường từ nhà nối với đường 9.
Xong lại mở một con đường khác nối từ nhà vào rừng để khai hoang đất làm nương rẫy. Vụ mùa đầu tiên, cái ăn chỉ đủ 6 tháng, 6 tháng còn lại phải vào rừng tìm đào củ mài về ăn thay cơm. Cái ăn cứ thiếu thốn, chắp vá như thế qua 5 mùa rẫy.
Đến mùa thứ 6, bố nghĩ cách làm khác đi, thay vì đốt rừng để lấy đất trỉa hạt ngô, hạt lúa xuống đất, năm sau lại bỏ chỗ này tìm đến chỗ khác làm tương tự, bố cuốc làm tơi lại chỗ đất cũ, sau đó bón phân gia súc gia cầm được ủ hoai xuống rồi mới trỉa hạt lúa, hạt ngô lên đó. Kết quả, chúng cho năng suất gấp 4-5 lần so với trước.
Khi cái ăn, cái mặc đã tạm ổn, bố cùng với ba mẹ, vợ con tiếp tục phát quang cây cối, khai hoang mở rộng đất đai khu vực xung quanh nhà ở và vườn tược của mình. Lúc này, nhiều người thấy điều kiện sống ở quê cũ bắt đầu khá lên nên bà con liền quay trở lại, với quyết tâm tìm kế mưu sinh lâu dài.
Thấu hiểu tâm tư, tình cảm của bà con, bố chia hết phần đất đai mà mình và gia đình khai hoang được cho bà con đủ để họ làm nhà ở và vườn tược. Sau đó, cùng với bà con tiếp tục chinh phục, cải tạo đất đai đồi núi trọc và hố bom hố đạn chằng chịt ở đây thành những ruộng rẫy tốt tươi, quanh năm trỉa hạt lúa, hạt ngô và trồng những loại cây hoa màu khác cho năng suất khá cao.
Năm 1994, bản từ chỗ 1 hộ dân đã có gần 100 hộ dân sinh sống. Rồi chính quyền thành lập nên thôn với ban cán sự có đầy đủ các thành phần do dân chọn lựa. Trong đó, bà con chọn bố làm trưởng thôn 13 năm liền. Hơn 10 năm bố làm với tinh thần "ăn cơm nhà vác tù hàng tổng", đến nhiệm kỳ 2005-2007 bố mới được trả phụ cấp, nhưng mỗi tháng cũng chỉ 120 ngàn đồng.
Mình không tính toán thiệt hơn gì. Mọi nỗ lực đóng góp của bản thân cốt để giúp người dân ở bản mình có cuộc sống tốt hơn. Nhưng rồi bố thấy đầu óc, sức khỏe mình còn nhạy bén và sung mãn; việc tập trung làm ra của cải; sáng tạo, cải tiến, thay đổi và đột phá trong phương thức sản xuất để hiệu quả sản xuất mang lại cao hơn là thiết thực và cần thiết hơn cho bà con! Nghĩ vậy nên bố xin bà con nghỉ việc thôn để tập trung đầu tư vào những việc làm mới đó".
Ông Hồ Ta Dóc trò chuyện với bà con bản làng, động viên họ sống đoàn kết, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. |
Sau khi đến nhiều nơi tìm hiểu, học, tập huấn cách cải tạo đất đai, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp vùng đồi núi trọc, ông Hồ Ta Dóc đưa giống cây bời lời đỏ về vùng đất này trồng thử nghiệm. Không ngờ chỉ sau 3 năm cây lên rất xanh tốt, cho sản phẩm thu hoạch có giá trị kinh tế cao từ vỏ cây làm bột giấy.
Tiếp đến, ông là người đầu tiên ở bản tiên phong trồng cây sắn KM94 lấy củ cung cấp cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị.
Năng động và sáng tạo trong làm ăn kinh tế, ông được tổng công ty này kết nạp làm thành viên Câu lạc bộ trồng sắn 100 triệu đồng, cho hưởng nhiều chế độ đãi ngộ trong đầu tư, nhất là nguồn vốn, các ứng dụng khoa kỹ thuật vào phát triển sản xuất nông nghiệp lĩnh vực này.
Thành công trong trồng cây bời lời đỏ và sắn cao sản KM94, ông đem phân phát cây giống cho toàn bộ hộ dân trong bản, hướng dẫn bà con cùng làm theo mình. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo ở bản Vùng Kho giai đoạn 2011-2016 giảm hẳn, từ 30% xuống còn 12%.
Cùng giai đoạn này, bản trên có khoảng 10 trường hợp tách hộ, 10 trường hợp khác về lại quê cũ ở đây định cư sinh sống. Do đặc điểm địa hình rừng núi rất khó khăn trong việc san ủi, san lấp mặt bằng để làm đất thổ cư, 20 hộ dân nói trên dự định phải dựng nên những ngôi nhà nhỏ hẹp nằm bên các vách núi, hoặc sâu dưới các con khe, suối. Biết được ý định của bà con, ông và gia đình mình một lần nữa đem số đất bấy lâu khai hoang cải tạo được chia hết cho bà con làm nhà.
Hỏi về đời sống của những hộ dân mới tách hộ, định cư trong những năm trở lại đây ở bản Vùng Kho, già làng Hồ Văn Đinh khoát một vòng tay về phía trước, hồ hởi nói: "Đấy, toàn bộ dãy nhà gần đường 9 này đều là đất của Hồ Ta Dóc, do ông ấy tặng bà con cả đấy!
Kể cả ngôi nhà sàn với đất sân, vườn to rộng trước đây cũng vậy, nó chia, tặng hết cho bà con rồi đến chỗ nhỏ hơn, cách đường 9 xa hơn, lùi sâu vào gần bìa rừng để làm lại nhà cho vợ con ở".
Theo già làng Hồ Văn Đinh, đất đai kể từ mặt tiền đường 9 trở vào bìa rừng, ông Dóc đã tặng cho những hộ gia đình, gồm: hộ bà Hồ Thị Xoay, Hồ Thị Thủy, Ngô Thị Tùng, Hồ Thị Lù, Hồ Thị Thước, Hồ Thị Bun; hộ ông Hồ Văn Danh, Hồ Văn Nam, Hồ Văn Quý; Hồ Văn Thiên…
Bên cạnh đó, vào các năm 2015-2018, ông Dóc còn hiến tặng gần 4 ngàn mét vuông đất ở những vị trí đẹp, thuận tiện cho việc đi lại để ngành giáo dục xây dựng các trường học, chính quyền địa phương xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn.
"Bố rất vui cái bụng khi một thôn được xây dựng 2 trường học mầm non, 1 trường tiểu học, đều là đất đai do bố hiến tặng. Có trường có lớp, con cháu mình được học hành cái chữ đàng hoàng hơn, không như trước đây phải đi xa hàng cây số đường rừng núi hiểm trở mới đến được trường học", ông chia sẻ điều mà ông cảm thấy rất hạnh phúc.
Một ngôi trường mầm non ở bản Vùng Kho do ông Hồ Ta Dóc hiến tặng đất xây dựng. |
Hiện tại, do tuổi cao, sức khỏe không còn được sung mãn như trước nên ông Dóc quyết định giao toàn bộ đất đai ruộng vườn cho người con thứ đảm nhiệm chăm sóc, phát triển kinh tế.
Người con thứ Hồ Văn Nia (22 tuổi) được bố tin tưởng giao trọng trách này, phấn khởi chia sẻ: "Nhà em có 8 chị em, gồm 5 gái, 3 trai. Các chị đều đã lập gia đình, em cũng đã lấy vợ cách đây 4 năm và hiện đã có 2 con. Trong gia đình bố yêu thương tất cả mọi người, song vì em con trai lớn, sức khỏe nên có thể gánh vác công việc nặng.
Hiện tại, em đang phát triển sản xuất gần 10ha rừng, gồm bời lời đỏ, sao đen, lát hoa có giá trị kinh tế khá cao. Ngoài ra, em còn trồng trọt chăn nuôi đa cây đa con rất hiệu quả. Cứ mỗi vụ thu hoạch em đều làm điều mà bố em bao năm nay đã làm. Đó là dành một số vật chất nhất định để hỗ trợ cho người nghèo trong thôn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ làm ăn vươn lên trong cuộc sống".
Tôi không có ý định tìm hiểu cái tên Ta Dóc theo nghĩa của người Vân Kiều, song Hồ Văn Nia bất ngờ chỉ tay vào hàng chữ Hồ Ta Dóc có trên hàng chục tấm Bằng khen, Giấy khen treo kín khắp nhà, hỏi: "Nhà báo có biết nghĩa của từ này theo tiếng Vân Kiều không?!". Tôi lắc đầu trả lời. "Nó có nghĩa tệ lắm, là "không thích" đấy! Song bố em thì luôn làm điều ngược lại, ai biết đến ông cũng thích!", anh tự hào nói.
Chia tay ông Hồ Ta Dóc và các thành viên trong gia đình ông, cùng những người dân mộc mạc, tình cảm luôn đong đầy trên bản làng Trường Sơn đại ngàn này, tôi trở về xuôi niềm vui cứ lâng lâng với lời giải thích của Hồ Văn Nia!