Người góp phần hồi sinh vùng đất nhiễm dioxin

Thứ Tư, 18/04/2018, 10:33
PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà - nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) được biết đến như một nữ khoa học cả đời "đau đáu" với vấn nạn ô nhiễm môi trường.


Là nhà khoa học nữ chuyên nghiên cứu những công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao, bà là tấm gương điển hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015.

Những thành tích đáng nể

Nói về thành tích khoa học của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, nhiều nhà khoa học nam cũng phải kính nể. Hơn 40 năm cống hiến cho khoa học, bà đã cùng học trò, đồng nghiệp nghiên cứu thành công nhiều đề tài làm sạch môi trường với chi phí thấp. 

Gần 20 bằng sáng chế, hơn 150 công trình khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Hiện nay bà là tư vấn của Chủ tịch Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam. 

Trang bách khoa toàn thư Wikipedia đã giới thiệu về PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà từng tốt nghiệp Đại học Bakcu (Liên Xô) năm 1975 về chuyên ngành vi sinh vật sử dụng dầu mỏ. Năm 1990, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. 

Sau đó bà làm việc ở nhiều viện nghiên cứu như Hungary, Áo, Đức. PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà từng nhận nhiều giải thưởng như giải nhất VIFOTEC 2001, huy chương vàng và bạc "Các nhà sáng chế phụ nữ quốc tế" tổ chức tại Hàn Quốc năm 2012. Năm 2016, bà được Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2015. 

Dù đã ở tuổi "thất thập cổ lai hi" nhưng PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà vẫn đam mê và miệt mài cống hiến cho khoa học. Bà luôn chọn những vấn đề mới, khó, cần huy động sự chung tay góp sức của nhiều người để giải quyết các vấn đề nóng của xã hội. Đó là phẩm chất đáng trân trọng ở bà cũng như cả một thế hệ phụ nữ làm khoa học cùng lứa.

17 tuổi, với thành tích học tập tốt, nữ sinh Đặng Thị Cẩm Hà được Nhà nước cử sang Liên Xô (cũ) học tại Trường đại học Tổng hợp Azecbaijan ở Baku. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, bà quyết định về nước cống hiến dù khi ấy có khá nhiều lời mời chào làm việc với mức lương hấp dẫn. Làm việc được 10 năm, bà được cử sang Hungary một năm theo chương trình trao đổi tương đương giữa 2 Viện Hàn lâm.

PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà - nhà khoa học luôn trăn trở về vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Nhờ có những kết quả tốt nên bà được Viện Di truyền, Viện Hàn lâm khoa học Hungary đề nghị ở lại làm việc. Nhà khoa học nữ của Việt Nam cũng được đặc cách bảo vệ tiến sỹ năm 1990. 

Mặc dù có cơ hội sang nhiều quốc gia trao đổi nghiên cứu, được mời làm việc tại một số phòng thí nghiệm ở các nước khác nhau nhưng bà lại chọn Áo, bởi nơi đây bà có cơ hội tiếp xúc với nhiều cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế mà sau này là cầu nối đưa các bạn trẻ ra nước ngoài đào tạo.

Năm 1995, PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà trở về Viện Hàn lâm để làm việc. Việc đầu tiên là bà bắt tay luôn vào việc khơi dòng đam mê khoa học cho giới trẻ Việt Nam. 

Ngay khi tiếp nhận lứa học trò đầu tiên, bà đã đào tạo lại thông qua giảng lý thuyết và thực hành ngay tại phòng thí nghiệm do chính bà xây dựng bằng số tiền 4.000USD được đồng nghiệp quốc tế tặng năm 1995.

Bằng những mối quan hệ cá nhân, PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà đứng ra bảo lãnh, gửi những học trò xuất sắc ra nước ngoài nghiên cứu. Bà cũng thiết lập nhiều kênh hợp tác giữa Viện Hàn lâm với một số viện chuyên ngành, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy mà ngày càng nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam được ra nước ngoài trau dồi năng lực. 

Gần đây nhất, PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà là người kết nối thành công chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh giữa Việt Nam với Pháp. 

Những người làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ phải sang Pháp thực hiện. Với bà, đó chính là những nhịp cầu thành công, giúp đội ngũ nhà khoa học trẻ Việt Nam được tiếp cận với nền khoa học tiên tiến.

Ngoài 60 tuổi nhưng PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học.

Công trình thế kỷ

Năm 1999-2000, PGS,TS Đặng Thị Cẩm Hà nhận nhiệm vụ xây dựng quy trình khử độc chất diệt cỏ/dioxin bằng công nghệ phân hủy sinh học (bioremediatin). 

Không biết bao nhiêu ngày đêm, nhà khoa học và học trò dãi dầm ở các điểm nóng Đà Nẵng, Biên Hòa, nơi có hai sân bay bị ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin nặng nhất. 

Để tránh nguy cơ bản thân bị phơi nhiễm khi tiếp xúc quá nhiều với môi trường này, bà cùng các đồng nghiệp thường dùng "mẹo" uống nước gạo rang cháy sau khi tới nơi làm việc.

Ở thời điểm đó, rất nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế hoài nghi về tính khả thi của nghiên cứu, bởi trước đó, chưa có công bố nào chứng minh làm sạch được đất nhiễm nặng dioxin bằng phương pháp sinh học. 

Buồn, thất vọng nhưng nói như lời nữ PGS, "khi ai đó làm tổn thương bạn hãy vị tha bỏ qua, đừng tìm cách trả thù mà hãy đặt cái lớn lên trên. Thay vì than vãn hãy làm điều gì đó".

Và hẳn nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi lúc bị tổn thương, PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà chỉ nói một câu "10 năm nữa chúng tôi sẽ tìm ra". Quả đúng sau 10 năm với 40 tháng ứng dụng, hơn 3 ngàn m3 đất nhiễm dioxin đã được xử lý. 

Theo phân tích của Bộ TN&MT, tổng độ độc trung bình đã giảm sâu, hiệu quả lên tới 99,6%, dưới ngưỡng để đất có thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp theo qui chuẩn.

PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà (thứ hai từ phải sang) trong một lễ vinh danh.

Công trình ''Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học'' của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và cộng sự đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN cấp Bằng độc quyền sáng chế năm 2012. 

Đối với Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vinh dự được Chính phủ cho phép lập dự án để mở rộng quy mô. Đúng là kết quả không gì mỹ mãn hơn.

Đến nay công trình vẫn được ứng dụng thành công. Công nghệ này không chỉ ứng dụng xử lý dioxin mà xử lý tất cả các đất nhiễm độc. 

Với sáng chế hoàn toàn mới mẻ, được nhiều người quan tâm này, năm 2012, PGS. TS. Cẩm Hà nhận được huy chương vàng và bạc "Các nhà sáng chế phụ nữ quốc tế". Bà đồng thời là một trong hai tác giả công trình nghiên cứu về về thuốc hỗ trợ điều trị ung thư nhận huy chương bạc.

Để có được thành công đáng ghi nhận này, với PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà, đó là sự cố gắng nỗ lực của cả một tập thể. Nhưng ý tưởng về nó đã được bà nhen nhóm từ khi còn công tác tại nước ngoài. 

"Khi còn ở nước ngoài, tôi hay chia sẻ về ý tưởng của mình và được đồng nghiệp ủng hộ, góp ý. Một đồng nghiệp Hàn Quốc đã nói riêng với tôi ý tưởng rất có ích, nếu người Việt Nam không làm thì không ai làm thay đâu. Về sau họ hỗ trợ về tài liệu, hóa chất rất nhiều", PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà tâm sự.

Làm khoa học muốn thành công ngoài sự cần cù, cần sức mạnh tập thể và sự chia sẻ. Bởi nếu không có đội ngũ nhiều người học nhiều ngành ngồi lại với nhau giải quyết một vấn đề thì không làm được gì. 

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà còn nhớ, khi ở nước ngoài, mỗi khi sáng tạo ra công nghệ gì mới, các đồng nghiệp đều sẵn sàng chia sẻ. Bản thân bà trước lúc về nước cũng đã ngồi lại chia sẻ tất cả những nghiên cứu thành công với đồng nghiệp. Đây là điều những người làm khoa học Việt Nam đang thiếu và dần mất đi. 

Nhớ lại thời gian thực hiện công trình thế kỷ của mình, bà được bạn bè quốc tế hỗ trợ tận tình. Còn trong nước, đó là sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và đồng nghiệp, cơ quan nơi bà đang làm việc. Đã không biết bao lần vào vùng nguy hiểm, nhà khoa học nữ được các đồng nghiệp đặt tay lên động viên "chị cứ làm đi, đã có chúng em ở bên".

Đàn ông làm khoa học đã vất vả, đàn bà làm khoa học còn vất vả gấp bội phần. Bởi phía sau lưng họ còn có cả gia đình, chồng con, cả trách nhiệm của người làm vợ, làm mẹ. 

Toàn tâm cống hiến cho khoa học nhưng theo quan điểm của PGS. TS. Đặng Thị Cẩm Hà, là phụ nữ nên biết cân bằng cuộc sống gia đình và xã hội. Vì vậy, đã xác định "dấn thân" vào khoa học, điều tiên quyết giúp người phụ nữ thành công là sự ủng hộ và hậu thuẫn của gia đình. 

Mỗi buổi sáng, bà đều dậy từ sớm dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thức ăn rồi mới tới phòng thí nghiệm đến tối mịt mới về. Như thể sợ thời gian chạy mất, bao năm qua bà vẫn giữ thói quen không ngủ trưa. Những lúc căng thẳng nhất, bà thường dành thời gian ngồi khâu vá để tĩnh tâm. Nhiều bộ váy bà mặc do chính tay bà cắt may và khâu vá. 

Bà tâm sự:"Trước đây khó khăn muốn ăn ngon phải tự nấu, muốn mặc đẹp phải tự may lấy. Tôi thường mua vải về để sẵn, lúc nào căng thẳng đem ra khâu". Nhà có máy khâu nhưng bà Hà chỉ khâu tay bởi theo người phụ này những mũi khâu thủ công giúp mình suy nghĩ thận trọng hơn. 

Ngọc Mai
.
.
.