Nghị lực phi thường của người phụ nữ khuyết tật

Thứ Năm, 30/08/2018, 07:32
Với một cơ thể không bình thường, nhưng bằng nghị lực phi thường và niềm tin vào cuộc sống, chị Nguyễn Thị Thúy Hoa (45 tuổi, ở số nhà 05 Trần Cao Vân, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã viết nên “trang sử” cuộc đời nhiều ý nghĩa, để rồi “Hoa xương rồng” ấy cứ lặng lẽ tỏa hương và khoe sắc cho đời…


Ngôi nhà của chị Hoa nằm cạnh bãi biển Quy Nhơn thơ mộng, quanh năm sóng vỗ. Cuộc trò chuyện với chị bắt đầu thật mộc mạc, giản dị. Sinh ra, chị cũng bụ bẫm và lanh lẹ như bao đứa trẻ khác, song số phận không mỉm cười với chị khi mới 6 tháng tuổi, một cơn sốt đột ngột khiến cơ thể chị yếu dần, rồi liệt đôi chân, trở thành người khuyết tật. 

Ngày tháng trôi qua, trong khi các bạn bè cùng trang lứa cao lớn dần thì cơ thể chị Hoa nhỏ xíu, yếu ớt, phải ngồi một chỗ. Bây giờ, chị chỉ nặng vỏn vẹn 20kg.

Không cam chịu số phận, năm 14 tuổi, chị Hoa xin cha mẹ cho đi học nghề dành cho người khuyết tật ở cơ sở khuyết tật Nguyễn Nga (TP. Quy Nhơn). Với ý chí và sự cần cù, sau thời gian theo học, chị trở thành một trong những thợ thêu lành nghề nhất của cơ sở này. Các sản phẩm thêu của chị được nhiều người đánh giá đẹp, đạt chất lượng cao. 

Tại đây, sau nhiều lần tiếp xúc với các nhà hảo tâm nước ngoài, chị nhận thấy cần phải học tiếng Anh để làm vốn kiến thức cho mình. Vốn ham học cùng với sự nhạy bén, cô gái tật nguyền tự mày mò trên internet để tìm tài liệu học tiếng Anh. Sau một thời gian tự học, vốn tiếng Anh của chị rất vững nên khi những người khuyết tật và các em nhỏ muốn học, chị Hoa đều tận tình dạy miễn phí.

 Cuộc sống khi ấy tưởng chừng đã mỉm cười với cô gái trẻ tật nguyền. Thế nhưng không lâu sau, chị Hoa liên tiếp phải gánh chịu nỗi đau mất mát người thân trong gia đình, cha mẹ và anh chị lần lượt qua đời vì bệnh tật. 
“Hoa xương rồng” Nguyễn Thị Thúy Hoa.

“Đây là khoảng thời gian tôi suy sụp nhất, có lúc tưởng chừng như gục ngã, không thể gượng dậy được. Nhưng rồi, những người thân, bạn bè động viên, tôi cũng vượt qua được cú sốc quá lớn của cuộc đời. Dù vậy, đến nay hình ảnh cha mẹ, anh chị của tôi lúc nào cũng hiện hữu trong tâm hồn”, chị Hoa tâm sự.

Rồi cơ thể ngày một yếu đi khiến chị Hoa không thể ngồi thêu như trước. Xương sống vốn yếu lại phải ngồi nhiều nên bị xiêu vẹo, phải nằm hoặc ngồi có giá đỡ. Không bỏ cuộc, năm 2009, chị chuyển sang làm hoa voan tại nhà. 

Những bình hoa từ đôi tay nhỏ bé của chị đã khiến nhiều người và doanh nghiệp xúc động vì chúng thực sự có hồn. Đó là động lực để chị truyền nghề lại cho những người đồng cảnh ngộ cũng như những ai yêu thích làm hoa voan. Đến nay, chị đã truyền dạy cho hơn 100 người, trong đó có hơn 20 người khuyết tật. Tất cả họ đều có nguồn thu nhập ổn định từ nghề làm hoa voan.

Ngoài công việc, chị Hoa còn sáng tác truyện ngắn, những câu thơ dễ thương, dung dị: “Thương sao ánh mắt sáng ngời/ Xinh xinh như những mặt trời bé con”. Đến nay, đã có nhiều tác phẩm của chị được đăng trên các báo, đài trong và ngoài tỉnh Bình Định. 

Những sáng tác của chị đa phần dựa trên trải nghiệm cuộc sống của chính mình, khích lệ người đọc có thêm niềm tin và tình yêu với cuộc sống. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm của chị còn có bóng dáng của chính mình, một cô gái có số phận không may mắn nhưng luôn có khao khát vươn lên. 

Chị còn là người sáng lập ra nhóm bút “Hoa xương rồng” để nhen nhóm và “truyền lửa” cho những bạn trẻ khuyết tật có khả năng sáng tác. Chị cũng tự xem mình giống như loài hoa này, khẳng khiu giữa sa mạc gió cát nhưng quyết không đầu hàng số phận.

Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2015, chị Hoa tiếp tục đứng ra thành lập CLB Thiện Duyên với hơn 40 thành viên do chị làm chủ nhiệm. Tôn chỉ của CLB không chỉ giúp đỡ những người khuyết tật mà cả những người có hoàn cảnh khó khăn. Địa chỉ “ưa thích” của CLB là “xóm chạy thận” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. 

Đây là nơi hiện hữu của hơn 50 bệnh nhân đang chạy thận và người nhà của họ. Hầu như hoàn cảnh của họ đều hết sức khó khăn. Và, mỗi lần CLB Thiện Duyên đến thăm, trao những phần quà đến tay người bệnh, nhiều người cảm động không cầm được nước mắt. 

“Thiện Duyên là duyên lành. Mang điều tốt lành đến cho mọi người là lý do tồn tại của chúng tôi. Chỉ cần thấy những số phận kém may mắn có thể lạc quan và mỉm cười trước cuộc sống bằng sự tác động của mình, tôi thấy những việc mình làm không vô nghĩa”, chị Hoa tâm sự.

Chị Hoa chụp ảnh cùng những tình nguyện viên là sinh viên trường Đại học Quy Nhơn.

Với quan niệm: “Sống chứ không phải tồn tại”, năm 2009, chị Hoa là người đứng ra kêu gọi và tổ chức chương trình “Hành trình thắp sáng yêu thương” với hơn 70 người tham gia. Được ủng hộ, chị tiếp tục làm thêm những chương trình có tính chất thực tế hơn như: Bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người khuyết tật, bán nước giải khát gây quỹ... 

Bằng thiện chí của mình, chị đã kêu gọi được sự đồng cảm và tham gia của hơn 200 tình nguyện viên là sinh viên của Trường Đại học Quy Nhơn cùng nhiều người khuyết tật trong tỉnh. Đến nay, chương trình đã trải qua 6 lần tổ chức với những hoạt động ý nghĩa cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh ngặt nghèo.

Hàng ngày, các bạn tình nguyện viên đến nhà chị nấu các loại nước giải khát như nha đam đường phèn, đậu nành, mè đen, sữa bắp... đi bán khắp nơi trong thành phố. Số tiền thu được sẽ chia một phần cho tình nguyện viên, còn lại góp vào quỹ chương trình. Với không ít bạn trẻ, việc đồng hành với người khuyết tật còn giúp họ nhận ra nhiều điều ý nghĩa của cuộc sống. 

“Trước khi đến gần người khuyết tật, tôi từng nghĩ họ yếu đuối. Đến khi vào đại học, được tiếp xúc với nhiều người khuyết tật, tôi hiểu họ làm được nhiều điều mà cả người bình thường cũng phải ngưỡng mộ. Như chị Hoa, dù nhỏ bé, nằm một chỗ, song cách sống, cách suy nghĩ tích cực, cách tư duy của chị để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống làm tôi nể phục”, bạn Nguyễn Hồng Nhung, sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn chia sẻ.

Nhớ lại lần tổ chức thứ 6 chương trình “Hành trình thắp sáng yêu thương” cách đây hơn một năm, chị Nguyễn Trương Quỳnh Nga (44 tuổi, thuộc Chi hội Người khuyết tật TP. Quy Nhơn) bảo, ngoài các trò chơi dân gian như đập ấm, bắt sâu, gói bánh… người khuyết tật còn được thử sức ở phần thi biểu diễn thời trang. 

Lần ấy là đầu tiên chị bước lên sân khấu trong bộ đồ mô phỏng áo dài được làm từ nguyên liệu tái chế. Những bước chân xô lệch, xiêu vẹo của chị di chuyển trên sân khấu nhưng chứa trong đó là cả niềm tự hào và thật nhiều nỗ lực. “Tôi bị sốt bại liệt khi còn nhỏ, dẫn đến chân phải bị vẹo. 

Được các anh chị em trong chi hội động viên đi thi trình diễn thời trang, tôi ngại lắm, nhưng rồi cũng cố gắng. Sau khi trình diễn xong, tôi nhận ra rằng, chỉ cần mình tự tin, mạnh dạn thì sẽ làm được những điều mà trước đó mình nghĩ chẳng bao giờ làm được. Để có được chương trình như thế, những người khuyết tật như chúng tôi biết ơn chị Hoa rất nhiều”, chị Nga tâm sự.

Chị Hoa giao lưu trong chương trình “Hành trình thắp sáng yêu thương” lần thứ 6.

Cùng suy nghĩ như chị Nga, chị Phan Thị Lực (53 tuổi, người khuyết tật ở phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn) cho rằng, chương trình “Hành trình thắp sáng yêu thương” giúp người khuyết tật vui vẻ, yêu đời hơn. Ở đó, cuộc sống khó khăn được gác sang một bên, người khuyết tật được thoải mái cười, tự tin thể hiện mình. 

“Đặc biệt là cảm giác yêu thương, đoàn kết giữa những người khuyết tật với nhau, giữa người khuyết tật với người bình thường. Và có cả cảm giác tự hào, bởi một người khuyết tật nhỏ bé như chị Hoa nhưng đã làm được nhiều điều đáng ngưỡng mộ”, chị Lực nhận xét.

Nói về chương trình “Hành trình thắp sáng yêu thương” do mình đứng ra tổ chức, chị Hoa tâm sự: “Có muôn vì sao sáng trên bầu trời kia. 

Và với tôi, mỗi người khuyết tật là một vì sao. Tôi ước mong sao, người khuyết tật vẫn có thể tỏa sáng bằng nghị lực bản thân, bằng yêu thương của những người đồng cảnh ngộ và của cả cộng đồng. Tôi rất hạnh phúc bởi ước mơ được làm cái gì đó ý nghĩa để sẻ chia với những người đồng cảnh ngộ đã thành sự thật và trọn vẹn hơn cả mơ ước”.

Chị Hoa bảo, cuộc đời của chị khuyết tật rồi gắn bó với người khuyết tật, vậy nên chưa bao giờ chị ngừng những dự định, những ấp ủ để giúp đỡ người đồng cảnh ngộ. Thế nhưng, bây giờ sức khỏe của chị ngày một yếu đi. Ảnh hưởng nặng nề nhất là một bên tay của chị đang dần tê liệt, hiện chỉ có thể cầm, giữ chứ không cử động được linh hoạt như xưa. 

“Mỗi lần nằm bệnh viện điều trị là thêm một lần tôi mong mình được sống. Sống để làm từ thiện, để giúp đỡ những số phận kém may mắn trong cuộc sống. Còn hơi thở là tôi còn làm việc thiện, giúp người cũng là giúp mình”, chị Hoa bộc bạch.

Cuộc sống với những người khuyết tật như chị Hoa vẫn còn là một chặng đường dài với nhiều chông gai phía trước, nhưng chúng tôi tin rằng “Hoa xương rồng” với sức sống mãnh liệt vẫn sẽ nhú lên lặng lẽ và tỏa sáng. 

Xin được mượn lời kết của bài hát: “Sống như những đóa hoa” của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng gửi tặng chị - một người khuyết tật để lại cho chúng tôi thật nhiều cung bậc cảm xúc: “Hôm nay dẫu có gian nan/ Thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn/ Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi”. Hãy cứ sống như những đóa hoa vậy nhé! 

Phan Nhuận Phin
.
.
.