Nghị lực phi thường của người phụ nữ khiếm thị
- Nghị lực phi thường của cô gái khuyết tật
- Nghị lực phi thường của cô gái suy thận1
- Nghị lực phi thường của cô gái “hoa hướng dương” 10 năm chống chọi căn bệnh ung thư
Là một trong số 7 người dành được học bổng miễn phí châu Á - Thái Bình Dương tại Nhật Bản, giành giải 3 Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc. Và khi là Chủ tịch Hội Người mù quận Ðống Ða, chị lại là chỗ dựa, là niềm tin cho hàng trăm người cùng cảnh ngộ. Với những nỗ lực ấy, chị là một trong 9 cá nhân được đề xuất tặng danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú 2016”.
Nhìn cách dáng ngồi, cách làm việc chẳng ai nghĩ chị là người khiếm thị. Để có được sự tự tin, thuần thục như vậy là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của người phụ nữ giàu nghị lực.
Nghị lực phi thường của người người phụ nữ khiếm thị
Hơn 20 năm về trước, cô bé 6 tuổi Đỗ Thúy Hà không được tung tăng điến trường như bạn bè cùng trang lứa, đôi mắt bé cứ mờ dần đi, mọi thứ như ảo ảnh. Cha mẹ như chết lặng khi được các bác sĩ kết luận, Hà bị thoái hóa võng mạc, một trường hợp vô cùng hiếm và rất khó chữa trị.
Ít lâu sau, Hà phải nghỉ học ở trường vì không còn nhìn thấy gì nữa. Bố mẹ không cầm được nước mắt mỗi lần chứng kiến đứa con nhỏ té ngã khi đang chơi đùa. Thế rồi cô bé cứ hờn trách cha mẹ vì cấm không cho đến trường. Những lúc như thế mẹ Hà chỉ biết ôm con mà nói: “Con mắt kém, con thiệt thòi hơn các bạn mà”.
Với nghị lực phi thường người phụ nữ này đã tìm thấy ánh sáng bằng tri thức. |
Biết cháu mình ham học, thích học, ông nội đã dùng bút dạ viết những chữ thật to lên giấy để Hà có thể sờ vào các nét chữ nổi rồi đánh vần. Khoảng 9 tuổi, biết là bệnh của con mình không còn cách chữa trị, bố mẹ mới quyết định đưa Hà vào lớp học chữ nổi dành cho người khiếm thị tại Trường Nguyễn Đình Chiểu.
Vốn là cô bé thông minh lại được học tập trong môi trường là những bạn cùng cảnh ngộ, Hà luôn đứng đầu mọi mặt. “Mình nhớ nhất là được kết nạp Đoàn ngay từ lớp 6. Nhà trường bảo học giỏi sẽ được kết nạp Đoàn sớm. Lúc đó tôi thấy hạnh phúc và vui sướng lắm”. – chị Hà nhớ lại.
Sau 3 năm học tập tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, điểm tổng kết của chị gần như tuyệt đối, đặc biệt là môn tiếng Anh. Khó khăn tiếp tục đến với chị, nhiều trường PTTH không nhận học sinh khiếm thị. Rất may mắn là Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu thành lập Trường PTTH nên chị được nhận vào học. Dù là trường dân lập, nhưng chị vẫn được miễn phí toàn bộ học phí vì thành tích học xuất sắc.
Năm 2000, chị Hà tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức. Trong số 500 thí sinh tham dự chỉ có chị là người khiếm thị. Ban tổ chức không khỏi bối rối vì không có đề riêng dành cho trường hợp đặc biệt này. Ban tổ chức quyết định đọc đề cho chị chép, sau khi làm xong chị lại đọc cho ban giám khảo chép vào giấy thi đã rọc phách.
Chị Hà xúc động kể lại: “Lúc ấy Ban tổ chức còn đặt cả ghi âm để đảm bảo không ai nhắc bài cho mình. Nghĩ lại cũng thấy vui vui”. Kết quả cuối cùng của cuộc thi ấy, Đỗ Hà đoạt giải Ba cuộc thi, một năm sau đó chị lại tiếp tục thở thành gương mặt “Nữ sinh Việt Nam”.
Chỉ vì khiếm thị nên chị Hà gặp rất nhiều khó khăn trên con đường học tập của mình. Ước mơ trở thành sinh viên của Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ dường như là không thể, bởi khi đó nhà trường chưa tuyển thí sinh khiếm thị.
Năm 2004 được coi là bước ngoặt cuộc đời của cô nữ sinh khiếm thị xinh đẹp. Thúy Hà trúng tuyển vào khoa tiếng Anh của Đại học Mở Hà Nội. Năm 2005, trong một lần lên mạng tìm hiểu, chị có biết có một lớp du học miễn phí của Nhật Bản về kỹ năng lãnh đạo dành cho người khuyết tật của châu Á – Thái Bình Dương. Tự tin với khả năng của mình, chị đã làm hồ sơ tham dự.
Sau rất nhiều lần tuyển chọn, thi thố chị vượt qua 350 đổi thủ trên khắp thế giới, để lọt vào top 30 ứng viên cuối cùng cho vòng phỏng vấn. Trong vòng phỏng vấn này, Ban tổ chức sẽ tiếp tục chọn lấy 7 thí sinh, đại diện cho 7 nước khác nhau để tham gia khóa học. Sau khi sang tận Việt Nam phỏng vấn, Đỗ Thúy Hà đã là đại diện của Việt Nam trúng tuyển.
Biết rằng đây là cơ hội vô cùng tốt để thay đổi cuộc sống, chị Hà quyết tâm đi học tiếng Nhật để theo đuổi ước mơ. “Lúc đó mình đi tìm thầy dạy tiếng Nhật nhưng lại rất khó khăn vì chưa có ai nhận học sinh khiếm thị cả. Tất cả cũng chỉ là tự học thôi” - chị Hà tâm sự.
Đến khi tham gia chính thức khóa học, chị cũng tự trang bị cho mình kha khá do năng khiếu ngoại ngữ bẩm sinh. Những ngày đầu ở nước ngoài là thử thách không hề nhỏ với một người khiếm thị như chị. Mọi sinh hoạt, học tập mỗi người đều phải tự lập. Trong số những người tham gia khóa học chỉ có một vài người khiếm thị, còn lại là những dị tật khác. Khi ấy chị được đề xuất đưa đón bằng ô tô, nhưng chị đã từ chối.
“Mình thực sự không muốn được ưu ái hơn các bạn khác, tự lập sẽ rất tốt cho công việc, cuộc sống sau này. Vì thế mình đã từ chối việc được đưa đón bằng ô tô”. – chị Hà kể lại.
Với chiếc gậy, chị Hà tự mình vượt qua hai chặng tàu điện ngầm để đến được trường. Đã không ít lần chị bị lạc, may mắn với kỹ năng tiếng Nhật, vận dụng cả khả năng tiếng Anh của mình để hỏi đường. Vượt qua hết những khó khăn, chị hoàn thành tốt báo cáo tốt nghiệp. Do thành tích học tập xuất sắc, năm 2008, 2009, chị còn được mời trở lại Nhật Bản để tham gia hàng loạt các hội thảo dành cho người khuyết tật. Sau này Thúy Hà còn tham gia nhóm tình nguyện dạy chữ nổi tiếng Việt cho các bạn Nhật.
Ngay khi tốt nghiệp THPT, chị đã vào Hội Người mù quận Đống Đa. Vì thế khi tốt nghiệp đại học, với những thành tích, kiến thức đã được trang bị, năm 2012, tại đại hội nhiệm kỳ mới chị được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa. Với suy nghĩ phải làm gì để giúp những người cùng cảnh ngộ, chị đã luôn cố gắng dạy chữ, dạy nghề, vi tính, phục hồi chức năng, giao lưu văn nghệ cho gần 200 thành viên của Hội. “Đúng là để làm được điều này thì vô cùng khó khăn, bởi kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Mình đã nỗ lực hết sức để các thành viên trong hội được giao lưu, học tập một cách tốt nhất”.
Hạnh phúc là được tự tay chăm sóc chồng con
Hằng năm, với cương vị là Chủ tịch Hội Người mù Đống Đa, chị đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa như tặng sách, tặng quà cho trẻ em khuyết tật, mồ côi ở nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Bản thân chị cũng luôn dành thời gian tham gia nhóm tình nguyện dạy tiếng Anh cho người khuyết tật.
Với những đóng góp không nhỏ cho cộng đồng và xã hội, năm 2013, chị vinh dự được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tôn vinh là “Tấm gương phụ nữ Việt nam tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang”. Cũng trong năm đó, chị tiếp tục được nhận danh hiệu “Phụ nữ thủ đô tiêu biểu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội trao tặng. Năm 2016, một lần nữa chị lại được đề xuất xét tặng danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú 2016”.
“Người giúp mình đến được thành công của ngày hôm nay chính là ông xã. Anh ấy không chỉ là chỗ dựa mà còn là đôi mắt, đôi chân của mình. Anh ấy đã vượt qua mọi rào cản từ gia đình, bạn bè để đến với mình” – chị Hà không giấu được sự tự hào khi nhắc đến chồng.
Có lẽ ít ai biết rằng bạn đời của chị lại là một người đàn ông đẹp trai và mắt sáng. Ban đầu, họ chỉ quen biết nhau sơ sơ. Chị Hà bảo chị cũng chả để tâm nhiều tới anh, bởi lẽ chị luôn nghĩ anh thuộc về một thế giới khác. Nhưng cùng với thời gian người đàn ông ấy càng ngày càng quan tâm tới chị nhiều hơn.
Chị Hà nhớ lại: “Mình thật bất ngờ khi một ngày anh ấy tỏ tình với mình. Anh ấy bảo anh ấy thực sự nghiêm túc muốn đi cùng với mình đến hết cuộc đời. Khi ấy mình có nói, nếu anh yêu em, anh sẽ phải đối mặt với rất nhiều dị nghị, anh có vượt qua nổi không?”.
Để minh chứng cho tình yêu chân thành của mình, anh Đỗ Anh Ngọc đã làm mọi cách để thuyết phục bố mẹ chấp nhận nàng dâu khiếm thị. Cuối cùng đám cưới như cổ tích ấy đã được diễn ra và nhận được rất nhiều lời chúc phúc từ hai bên họ hàng. Hạnh phúc càng nhân lên gấp bội khi gần một năm sau, anh chị chào đón đứa con trai đầu lòng. “Nhiều người bảo cháu kháu khỉnh và đẹp trai giống bố khiến mình thấy vui lắm” – chị Hà hạnh phúc chia sẻ.
Công việc xã hội dù bận rộn đến đâu chị vẫn luôn cố gắng thu xếp thời gian để dành cho tổ ấm của mình. Chị luôn muốn tự tay chăm sóc chồng con. Chồng chị nhiều khi chứng kiến sự vất vả của vợ đã muốn thuê người giúp việc nhưng chị đều gạt đi. Chị bảo, nếu có người giúp việc thì sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình sẽ giảm đi. Mỗi ngày chị vẫn cùng chồng đi chợ, rồi cùng anh nấu những bữa ăn, dù giản đơn nhưng ngập tràn hạnh phúc.