Khi Cảnh sát hình sự làm việc nghĩa
- Công an Hà Nội thức xuyên đêm đảm bảo an ninh trật tự
- Bộ Công an tặng bằng khen cho đội 8, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội
Bên cạnh đó, cán bộ chiến sỹ trong Đội cũng thường xuyên phải chủ trì, phối hợp xử lý các vụ việc người nước ngoài tử vong tại thủ đô. Trong đó nhiều trường hợp để lo hậu sự một cách êm đẹp, có tình có nghĩa thì phải rất có tâm, cũng không ít lần anh em phải tự bỏ tiền túi để lo cho họ…
1. Một buổi chiều đầu Đông, dù đã hẹn trước song khi chúng tôi có mặt tại Đội Hướng dẫn, điều tra án có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội thì thấy vắng hoe, chỉ có hai chiến sỹ trực ban. Bấm điện thoại khá nhiều lần chúng tôi mới gặp được Thượng tá, Đội trưởng Ngô Văn Đáp. Anh xin lỗi vì phải đi giải quyết gấp một việc, và hẹn chúng tôi cuối giờ sẽ có mặt.
Ngồi chờ gần một giờ đồng hồ, chúng tôi mới thấy Thượng tá Đáp ôm cặp hồ sơ bước vào. Thượng tá Đáp kể, các anh vừa xử lý xong được một "bài toán sao", khiến cho anh em đỡ day dứt và linh hồn người đã khuất cũng được thanh thản.
Trước đó vài tuần, đơn vị nhận được thông tin về một người đàn ông trung niên Trung Quốc vừa tử vong tại Ga Hà Nội. Cử một tổ công tác xuống hiện trường, các anh ghi nhận khoảng một giờ trước ông Lu KeQiang (SN 1942, quốc tịch Trung Quốc) vừa di chuyển từ một tỉnh phía Nam ra Hà Nội. Khi tàu dừng bánh, ông ta lếch thếch ra ngồi tại một bậc tam cấp, người lả đi vì đói. Các cán bộ của Nhà ga đã mua bánh mì, sữa hộp cho ông ta ăn. Nhưng khoảng 30 phút sau thì phát hiện người đàn ông này đã tử vong.
Mỗi năm cán bộ chiến sỹ Đội Hướng dẫn, điều tra án có yếu tố nước ngoài (phòng CSHS) phải lo hậu sự cho vài chục người nước ngoài. |
Thông thường mỗi khi nhận được tin báo từ nhân dân hoặc công an phường về việc có người nước ngoài tử vong, Đội Hướng dẫn, điều tra án có yếu tố nước ngoài đều phải cử điều tra viên khẩn trương có mặt để phối hợp với phía đại sứ quán và các lực lượng chức năng khác để giải quyết. Thông qua đại sứ quán, cơ quan công an sẽ liên lạc với người thân của nạn nhân và thống nhất các phương án xử lý.
Với những vụ mà người chết có dấu hiệu bệnh lý, hoặc tự tử rõ ràng, Cơ quan công an thường sẽ phối hợp, lấy ý kiến của gia đình nạn nhân để tổ chức khám nghiệm. Sau khi xác định được chính xác nguyên nhân của cái chết sẽ giao cho gia đình nạn nhân cùng phía công ty dịch vụ tiến hành thủ tục hỏa táng rồi đưa về cố quốc. Những trường hợp có dấu hiệu bất thường (hoặc gia đình nạn nhân yêu cầu) thì phải tổ chức pháp y tử thi, làm rõ nguyên nhân cái chết...
Tuy nhiên, sau nhiều lần gửi công văn cho Đại sứ quán Trung Quốc, cơ quan Công an chỉ nhận được lời đề nghị giải quyết… "theo pháp luật". Thân nhân của người chết cũng cho biết họ không thể sang Việt Nam, cũng không có điều kiện kinh tế để "nhờ" người quen hoặc ai đó giúp cho việc hậu sự cho ông Lu KeQiang.
"Quả thật đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp một trường hợp như thế này. Chúng tôi đã tiến hành làm việc với rất nhiều bên như phía Nhà tang lễ TP Hà Nội, các cơ quan ban ngành… để nhờ giúp tư vấn cho "ca khó" này với hướng xử lý là người chết vô thừa nhận. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho biết đây không thuộc trường hợp người chết "vô thừa nhận" nên không thể xử lý theo hướng này. Cuối cùng chúng tôi quyết định đơn vị sẽ đứng ra xử lý, nguồn kinh phí tạm thời anh em chi ra, rồi sẽ tìm nguồn sau".
Phòng Cảnh sát hình sự sau đó đã ký hợp đồng với Nhà tang lễ TP Hà Nội để làm hậu sự cho ông Lu KeQiang. Sau đó một thời gian Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí cho cơ quan Công an.
Theo thống kê những năm gần đây, số lượng người nước ngoài tử vong tại Hà Nội tăng một cách "đều đặn". Năm 2017 có 33 vụ, năm 2018 có 44 vụ và năm 2019 lên đến hơn 50 vụ. "Những vụ việc như vậy vừa phải giải quyết nhanh gọn, lại vừa phải cẩn thận không để xảy ra bất cứ thiếu sót nào", Thượng tá Đáp chia sẻ.
Một vụ việc khác mà cán bộ chiến sỹ trong Đội đã phải rất vất vả là vụ tử vong của người đàn ông quốc tịch Serbia. Sau khi làm các thủ tục ban đầu, cơ quan Công an gặp phải một vướng mắc lớn là Serbia không đặt Đại sứ quán tại Việt Nam, chỉ có thể liên hệ với vị Đại sứ kiêm nhiệm tại Indonesia.
"Chỉ riêng quá trình liên lạc, trao đổi thông tin, dịch văn bản sang tiếng nước ngoài đã mất rất nhiều thời gian. Ngay như việc phiên dịch viên tiếng Serbia cũng không phải đơn giản. Bên cạnh đó, việc gửi thi thể tại nhà xác quá nhiều ngày phía bệnh viện cũng có ý kiến. Cơ quan Công an cố gắng giải thích và thuyết phục để bệnh viện hiểu và thông cảm".
Phải đến hơn 20 ngày sau nhân chuyến công tác của Đại sứ Serbia tại Hà Nội thì cơ quan Công an mới có thể hoàn tất thủ tục để đưa thi thể của công dân nước này lên đường về nước. Và cán bộ Đội Hướng dẫn, điều tra án có yếu tố nước ngoài phải đưa tro cốt của anh ta ra đến sân bay, làm thủ tục gửi cho người nhà đầy đủ, chỉn chu mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ", Thượng tá Đáp chia sẻ.
Thượng tá Ngô Văn Đáp đang nghiên cứu hồ sơ một vụ việc. |
2. Với quân số rất mỏng, mỗi năm cán bộ chiến sĩ của Đội Hướng dẫn, điều tra án có yếu tố nước ngoài phải thụ lý giải quyết hàng trăm vụ việc liên quan đến người nước ngoài như trộm cắp, lừa đảo, cố ý gây thương tích, cướp giật... Rồi mỗi khi có người nước ngoài tử vong, dù vì lý do gì thì vẫn phải đến tay cán bộ chiến sỹ trong đội.
"Mỗi khi nhận được thông tin người nước ngoài chết trên địa bàn, cán bộ chiến sỹ trong Đội lập tức có mặt tại hiện trường để phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giải quyết. Theo quan niệm của người Á Đông, nghĩa tử là nghĩa tận, nên cán bộ chiến sỹ trong Đội luôn nêu cao tinh thần giải quyết đầy trách nhiệm, xuất phát từ tâm. Có những vụ việc mà người nhà nạn nhân tuyên bố không có tiền để trang trải chi phí liên quan đến việc lưu giữ thi thể ở nhà xác, việc hỏa táng...
Vậy là anh em đành phải vận động bệnh viện, công ty dịch vụ làm miễn phí cho họ. Nhiều khi anh em trong Đội còn phải bỏ tiền túi để lo tiền khách sạn cho người nhà nạn nhân vì họ tuyên bố... hết tiền!" Đại úy Nguyễn Trí Dũng - Phó đội trưởng chia sẻ.
Cũng theo Đại úy Dũng, một lần bệnh viện V. (có trụ sở trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội) thông báo đến cơ quan Công an về việc công dân Mỹ Cristopher H. (SN 1941) đã tử vong sau nhiều tháng điều trị tại bệnh viện. Vị trưởng khoa của bệnh viện này rất bối rối vì bệnh nhân nhập viện đã lâu mà chỉ một lần có người thân đến thăm và chi trả khoảng gần 200 triệu đồng viện phí.
Sau đó thì không thể liên lạc được nữa. Trong khi đó, số chi phí mà bệnh nhân này phải chi trả cho thời gian chăm sóc, điều trị lên tới cả tỷ đồng. Mặt khác, bệnh viện cũng chưa biết sẽ "gửi" thi thể ông ta đi đâu, do không thể liên lạc được với người nhà.
Việc lo hậu sự cho người nước ngoài luôn phải nhanh nhưng vẫn trọn nghĩa vẹn tình. |
Cán bộ chiến sỹ trong Đội đã phối hợp với cơ quan hữu quan tổ chức khám nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân cái chết. Đồng thời liên lạc với Đại sứ quán Mỹ yêu cầu họ có công hàm trả lời và liên lạc với người nhà phối hợp giải quyết. Sau rất nhiều cố gắng, cơ quan chức năng cũng lấy được ý kiến của người nhà nạn nhân và vận động bệnh viện "xóa" phần viện phí kia cho công dân Mỹ.
Thượng tá Đáp kể rằng, đêm khuya một ngày tháng 5-2019, khi anh và hai đồng đội đang trực tại cơ quan thì số máy "đường dây nóng" của đội đổ dồn. Phía đầu dây thông báo tại một khách sạn dành cho hạng VIP trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), có người đàn ông mang quốc tịch Nhật Bản vừa tử vong không rõ nguyên nhân. Chỉ sau khoảng 10 phút, tổ công tác của Đội Hướng dẫn, điều tra án có yếu tố nước ngoài đã có mặt tại hiện trường.
Theo người nhà của nạn nhân, cụ ông ngoài 70 tuổi sang Việt Nam du lịch với vợ, con trai và con dâu. Khi phát hiện ông có dấu hiệu suy hô hấp, người nhà đã gọi cấp cứu, song cụ đã ngừng thở ít phút sau đó. Thượng tá Đáp cùng đồng đội tiến hành khám nghiệm hiện trường, sơ bộ xác định đây có phải là án mạng hay chỉ là một ca tử vong thông thường.
Vì người nhà cụ ông có yêu cầu được giải phẫu tử thi để xác định nguyên nhân cái chết nên cơ quan chức năng tiến hành đưa thi thể cụ về nhà xác để chờ được giải phẫu. Tuy nhiên, khi khiêng cáng đưa cụ xuống xe thì lại chỉ có hai nhân viên khiêng hai góc cáng.
Nếu chờ thêm người thì sẽ mất thời gian và gây ấn tượng xấu với công dân nước bạn, Thượng tá Đáp không ngại ngần đỡ hai đầu cáng còn lại đưa cụ xuống mấy tầng lầu để ra xe. Trước khi đưa vào buồng lạnh, Thượng tá Đáp yêu cầu nhân viên phải có biện pháp nhận diện chính xác cụ ông, tuyệt đối không để nhầm lẫn.
Ngày hôm sau Thượng tá Đáp liên hệ với Phòng Kỹ thuật hình sự, Viện Kiểm sát cùng một số cơ quan hữu quan có mặt để tiến hành giải phẫu tử thi, xác định nguyên nhân cái chết. Sau khi xác định nguyên nhân cụ ông chết là do bệnh lý, gia đình nạn nhân đã làm thủ tục đưa về nước mai táng.