"Đại sứ" của động vật hoang dã

Thứ Ba, 02/08/2016, 10:36
Nghiên cứu về động vật hoang dã từ những năm cấp hai, cô gái Hà Nội sinh năm 1990 liên tiếp đạt thành công khi giành được học bổng từ các trường đại học danh giá ở Anh quốc và mang những gì mình học được áp dụng cho việc bảo vệ động vật ở Việt Nam.


Định hướng ý thức từ bé

26 tuổi, Nguyễn Thu Trang đã có bề dày 8 năm nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn động vật. Liên lạc với Thu Trang thường phải thông qua mạng xã hội nhưng rất khó khăn. Vài ba tuần, đôi khi cả tháng trời mới "bắt sóng" được với cô nàng, khi Trang có khi đang lang thang trong khu bảo tồn Ngọc Linh nghiên cứu một loài linh trưởng, thoắt cái đã thấy cô bay về Hà Nội thăm nhà rồi lại bay tiếp sang Nam Phi tiếp tục dự án với các tổ chức bảo tồn động vật nước ngoài.

Thời điểm bắt đầu thành lập trang Facebook "Tôi yêu động vật" năm 2010, Thu Trang mới chỉ là một du học sinh 20 tuổi ở Anh kết nối từ xa với những bạn trẻ ở quê nhà Việt Nam. Sinh năm 1990 tại Hà Nội, Thu Trang từ nhỏ đã sớm ý thức được tình yêu dành cho các loài động vật. 

Là một trong những người đi tiên phong trong phong trào bảo vệ động vật nhờ vào sức mạnh của mạng xã hội tại Việt Nam, sau sáu năm, mạng lưới "Tôi yêu động vật" và WildAid Việt Nam do Trang thành lập đã kết nối hơn 70 ngàn thành viên.

"Tình yêu không những xuất phát từ tình thương mà còn bởi trăn trở của tôi cho các vấn đề động vật. Ở nước ta, việc nhìn nhận bảo vệ động vật, thiên nhiên chưa được coi trọng, thực tế là nhiều vật nuôi bị ngược đãi, ăn thịt vô tội vạ", Trang hồi tưởng lại suy nghĩ của mình khi còn là một cô bé. Càng lớn, ý thức đó càng thôi thúc cô nàng "phải làm một cái gì đó cho những con vật, không riêng gì vật nuôi thân thiết trong nhà".

Nguyễn Thu Trang cười sung sướng khi giúp chú cá sấu Xiêm con tách vỏ.

Nói là làm, 14 tuổi, khi vẫn còn là học sinh cấp 2, Trang một mình khăn gói đến trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã ở Sóc Sơn xin làm tình nguyện. Có kinh nghiệm thực tế, 15 tuổi Trang tham gia cuộc thi Quốc gia về bảo vệ nguồn nước và đoạt giải nhất. Cô sinh viên hồi tưởng năm 17 tuổi, khi bạn bè đồng trang lứa vẫn còn bù đầu học thì bản thân đã vác balo nhập đoàn băng rừng xuyên đêm để tham gia khoá tập huấn về linh trưởng.

Năm 2006, Trang đại diện học sinh - sinh viên cả nước tham dự cuộc thi khoa học tại Đài Loan và đoạt giải nhất lĩnh vực khoa học môi trường (Environmental Science).

Kinh nghiệm từ những chuyến đi, các cuộc thi về đề tài môi trường đã giúp cô gái chưa đầy đôi mươi định hướng rõ ngành mà mình yêu thích để theo đuổi. Tuy nhiên, Trang đã phải đối mặt với những khó khăn đầu tiên: sự ngăn cản từ gia đình. “Là con gái, lại phải thường xuyên băng rừng sâu nước độc, hiểm nguy rình rập nên gia đình mình không muốn mình theo con đường đó”, Trang nói. Sau này, bằng định hướng nghiêm túc và khả năng của bản thân khi đậu học bổng vào những trường đại học danh giá ở Anh, Trang đã thuyết phục được người thân.

“Sau rào cản gia đình, khó khăn về thông tin cũng ít nhiều khiến mình khó tiếp cận với các vấn đề động vật lúc bấy giờ”, Trang tiếp, “Internet nói chung và những công cụ như Google ở Việt Nam thời điểm đó chưa phổ biến nhiều như bây giờ, thông tin mình tiếp cận chủ yếu từ báo và ghi nhớ lại. Dần dà, mình bắt đầu tìm hiểu về những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn môi trường và động vật ở Việt Nam như WWF (World Wildlife Fund), FFI (Fauna & Flora International), TRAFFIC: The Wildlife Trade Monitoring Network, IUCN.”

Nối dài những thành tích, hai năm sau, Trang đoạt được học bổng đại học Oxford và năm 2011 tốt nghiệp với bằng cử nhân tài năng (Bachelor of Science with Honours). Trong thời gian đó, xác định bản thân muốn dấn thân sâu hơn về nghiên cứu động vật hoang dã, cô gái nhỏ nhắn bắt tay nghiên cứu về loài lemur ở Madagascar. Năm 2012, khi chỉ mới 22 tuổi, Trang tốt nghiệp khóa thạc sĩ chuyên ngành Bảo tồn linh trưởng tại ĐH Oxford.

Từ ngày học chuyên ngành Bảo tồn linh trưởng tại Đại học Oxford, hành trình gắn bó với động vật hoang dã của cô gái Hà Nội bước thêm một bước dài. Vừa học vừa nghiên cứu, thành tích ở trường đánh giá bằng những trải nghiệm, khảo cứu đạt được trên quá trình thực nghiệm, khảo sát. Một năm sau đó, Trang tiếp tục giành học bổng toàn phần tại ĐH Cambridge và trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên tham dự Student Conference on Conservation Science ở Cambridge, Anh.

Người kể chuyện rừng

Quen với điều kiện sống thiếu thốn trong rừng, tuy vậy, không ít lần Trang gặp những tình huống khóc cười lẫn lộn. Không ít lần cô bạn bị lạc nhiều ngày trong rừng, nhịn đói nhịn khát tìm đường ra duy nhất nhờ có chiếc máy định vị GPS làm hộ thân. Ở vùng đất xa lạ, bất đồng ngôn ngữ và rắc rối với người bản địa cũng khiến cô bạn gặp trở ngại trong việc nghiên cứu. Nhưng nhờ đó, như quan niệm của Trang, “so far so good”, khó khăn là món quà mang đến cho cô nhiều trải nghiệm.

Tám ngày nghiên cứu ở Madagascar trong một chuyến đi dài 3 tháng năm 2012, cô bạn trẻ bị sốt dị ứng hành hạ khiến tay nổi đầy mụn đỏ và nốt, ăn nhầm đồ lạ nên người lạnh toát và đau bụng. Trang viết hóm hỉnh: “Không những vậy, người đồng hành dẫn đường còn không có túi ngủ, thuốc chống muỗi, thức ăn phải hỏi xin mình, nhưng đến khi về mình lại phải trả tiền gấp đôi cho bạn ấy”.

“Mọi người trong làng giờ đều biết mình không sợ rắn và có thể bắt rắn. Người dân bản địa Madagascar (theo tiếng Anh là Malagasy) rất sợ rắn theo tín ngưỡng của họ. Mặc dù rắn ở Madagascar không có độc, hoặc hàm lượng độc cực thấp không thể giết người, chỉ làm tấy tay, chân lên là cùng. Vì thế mà cứ khi nào nhìn thấy trăn, rắn là họ chạy loạn lên gọi mình, để mình chụp ảnh, nhận dạng loài, rồi thả nó đi chỗ khác”, Trang kể lại.

Thu Trang trong một chuyến thực địa Madagascar.

Hai tuần đầu trong rừng trong chuyến nghiên cứu loài vượn cáo Lemur, nhà nghiên cứu trẻ tâm đắc “phát hiện ra mình có thể ăn được tất cả những thứ có thể ăn dù đôi khi có lẫn cả cát, ruồi và tóc người”. Liên tục bị bao vây bởi kiến, mạng nhện, bọ và cành cây, lá cây, tuy nhiên thành quả Trang đạt được là “cứ lần đi khảo sát đều bắt gặp một thứ gì đó, một vật hoặc con vật mới lạ, độc đáo mà mình chưa nhìn thấy bao giờ”.

“Mình đã lập được một danh sách dài về từng loài động vật mà mình gặp và có thể nhận dạng. Thực sự là rất hạnh phúc vì cái danh sách này ngày một dài lên”, Trang đúc kết.

Kết quả đạt được khi “săn tìm” một loài thú mới, Trang nói, có khi phải lọc tìm, nhận dạng gần 50.000 tấm ảnh để có được tấm ảnh chính xác về loài Báo Gấm Neofelis Nebulosa ở Borneo (Indonesia), hay “ngồi đồng” chín tiếng đồng hồ “ngụp lặn” giữa khoảng 30.000 tấm ảnh từ bốn chiếc bẫy máy ảnh (camera traps) để nhận dạng một loài Marble cat (Mèo gấm).

Khoảnh khắc được giúp một chú cá sấu con thuộc loài Siamese phá vỏ chui ra chào cuộc sống, Trang nói, đó là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong đời mình. 

Nâng niu chú cá sấu non nhỏ bằng lòng bàn tay, Trang cười rạng rỡ: “Loài cá sấu này đã biến mất ở 99% khu vực mà chúng từng xuất hiện trước đây, khiến chúng trở thành một trong những loài cá sấu ít được biết đến nhất, và cũng là loài cá sấu bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, cá sấu Xiêm đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Tuy nhiên vào khoảng năm 2006 một cá thể được tái thả tại Vườn quốc gia Cát Tiên.”

"Cô gái tê giác"

Quỹ thời gian của Thu Trang chia đều cho việc học ở Anh, những khu bảo tồn động vật ở châu Phi và đôi khi là những chuyến thực địa dài hơi tại quê nhà. Tuy nhiên, một trong những dự án cô tâm đắc nhất là dự án về tê giác ở châu Phi.

Nói đến dự án riêng về bảo tồn tê giác ở Kenya vào tháng 6/2014, Trang cặn kẽ: “Mình bắt đầu bắt tay vào xây dựng dự án từ tháng 11 năm ngoái, nghĩa là từ lúc lên kế hoạch, ý tưởng, tìm tài liệu chứng minh cho những gì mình muốn làm đến lúc bắt tay đi thực địa là khoảng 8 tháng”.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với Rob Brett, Giám đốc chương trình bảo tồn ở Châu Phi của Fauna & Flora International thì ông có cho biết khu vực mà Trang muốn đến nghiên cứu là "ngôi nhà" lớn nhất của lượng tê giác còn sót lại ở Kenya, và vừa có một chú tê giác đen bị săn trộm để lấy sừng ở đây vào cuối tháng trước. Ở đây, mỗi tê giác có hai kiểm lâm trang bị súng đi theo để bảo vệ, họ còn sử dụng trực thăng và máy bay không người lái dùng trong quân đội để bảo vệ tê giác.

“Để được hỗ trợ trong thời gian làm việc ở đây, mình phải làm việc và xây dựng lòng tin với Richard, người quản lý khu vực bảo tồn, bảo vệ đàn tê giác gần chục năm và xem chúng như gia đình mình. Tuy nhiên thực tế là có rất nhiều người giả dạng làm sinh viên để vận chuyển sừng tê ra khỏi châu Phi bị hải quan chặn bắt, và hơn hết nạn săn bắn tê giác đến mức tuyệt diệt hầu như là để phục vụ cho nhu cầu của Việt Nam, nên không thể trách họ nghi ngờ mình”, Trang chia sẻ.

“Cũng hơi buồn một chút. Đúng là lòng tin đã mất thì để lấy lại được thì rất khó. Có điều hành động của một bộ phận nhỏ người dân Việt Nam đang làm mất đi niềm tin của cộng đồng quốc tế với cả dân tộc mình”, Trang tâm sự, đó cũng là động lực lớn nhất khiến cô muốn dành toàn tâm thực hiện dự án bảo tồn loài bốn chân đang có nguy cơ tuyệt chủng nhất trong thế giới động vật.

Hiện tại Trang đang trở về Việt Nam tham gia khoá giảng dạy ngắn bậc thạc sĩ tại Đại học Vinh và mở rộng các khoá học giúp giới trẻ định hướng nếu muốn theo đuổi ngành bảo tồn động vật.

Huỳnh Duyên
.
.
.