Cô gái khiếm thị vô địch điền kinh, đam mê ca hát
Trái ngọt của cặp vợ chồng trẻ
Một buổi sáng đẹp trời, Quỳnh Trâm và em gái sinh đôi - Quỳnh Trân được bố chở đến ghi hình một chương trình ca nhạc. Người đàn ông ngoài 40 tuổi nhưng già nua vì vất vả mưu sinh vẫn tươi cười rạng rỡ nhìn theo hai cô con gái cưng trước khi rời đi. Sau này, khi tiếp xúc nhiều với Trâm, tôi mới hiểu vì sao ở em lại có sự tự tin, lạc quan như vậy.
Đó là khi Trâm chọn hát toàn bài nhạc buồn. Đạo diễn tham gia: “Sao không chọn mấy bài vui vui để hát cho có không khí em?”.
“Đời em vui nhiều lắm rồi, anh cho em hát vài bài sâu lắng để em biết cảm giác buồn là thế nào nha” - Trâm vừa nói vừa cười rạng rỡ nhưng mắt không đưa về phía khán giả bên dưới mà nhìn vô định vào góc nào đó.
Lúc này, tôi mới biết khả năng nhìn của em gần như hoàn toàn không có. Trâm chỉ có thể nhìn thấy có bóng người lướt qua nếu bạn đi sát bên cạnh… Từ đây, Trâm khiến tôi tò mò tìm hiểu về cuộc đời em, điều gì đã khiến em lạc quan, thân thiện, dễ gần đến thế. Càng tìm hiểu, cô gái này càng đem đến cho tôi nhiều bất ngờ.
Quỳnh Trâm trên đường chạy. |
Bất ngờ lớn nhất là Trâm không phải ca sĩ mà là vận động viên điền kinh chuyên nghiệp của đội tuyển Para Games Việt Nam. Từ khi 12 tuổi, Trâm đã thử sức trong đội tuyển điền kinh của trường Nguyễn Đình Chiểu.
Dưới sự dẫn dắt của các huấn luyện viên, nhờ lòng quyết tâm, sự nhẫn nại, Trâm đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình ở đường chạy tốc độ 100m, 200m và 400m. Chỉ vài năm sau đó, cô học trò có chiều cao nổi trội được gọi vào đội tuyển TP Hồ Chí Minh rồi vào tuyển quốc gia.
Ở giải Para Games Thái Lan năm 2011 và Malaysia năm 2013, Trâm đều giành được hai huy chương vàng. Còn số huy chương vàng tại các giải đấu trong nước, Trâm bảo “không đếm xuể”.
Rời sân chạy, Trâm lại hối hả cho niềm đam mê ca hát của mình. Trong cuộc thi Thần tượng Bolero 2018, học trò của danh ca Ngọc Sơn đã lấy được rất nhiều nước mắt của khán giả với các ca khúc dân ca trữ tình hát về mẹ, về tình yêu đôi lứa, về tình yêu quê hương. Câu chuyện vượt lên nghị lực của chính em đã nhiều lần khiến “ông hoàng nhạc sến” Ngọc Sơn khóc nức nở trên sân khấu.
Ít ai biết Quỳnh Trâm và em gái Quỳnh Trân được sinh ra từ mối tình thơ dại của hai người trẻ tuổi. Năm 17 tuổi, mẹ Quỳnh Trâm mang thai đôi. Còn trẻ, chưa làm ra tiền, nhưng đứng trước hai sinh linh bé nhỏ, lại bị chẩn đoán là nhiều khả năng có dị tật, biến chứng nhưng cô gái 17 tuổi vẫn kiên quyết giữ lại hai đứa con.
Được sinh non vào tháng thứ bảy của thai kỳ, phải nằm trong lồng ấp, thị lực của Trâm và em gái bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ nhìn mờ mờ đến gần như không nhìn thấy gì. Hiện Trâm được chẩn đoán mắc các chứng đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp… Nếu hoạt động quá mức, mắt sẽ gặp nguy hiểm…
Hành trình trở thành người có ích cho xã hội của Quỳnh Trâm hôm nay ngoài nỗ lực bản thân, có một phần rất lớn sự động viên của bố mẹ. Ở tuổi 17, họ vẫn quyết định giữ lại sinh linh do mình tạo ra chứ không chối bỏ như nhiều đôi trẻ khác.
Không những thế, sau Quỳnh Trâm, Quỳnh Trân, cả hai còn sinh thêm ba đứa con nữa (nhỏ nhất mới 6 tuổi) - dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, có những lúc phải đi ở nhờ, chạy ăn từng bữa.
“Cho đến giờ ba mẹ em vẫn không hề ân hận khi sinh ra tụi em dù hai đứa con không được sáng mắt. Bây giờ nhìn được những thành quả của em, mẹ chỉ khuyên em và các bạn không nên kết hôn quá sớm, khi chưa đủ kiến thức để làm cha mẹ” - Quỳnh Trâm chia sẻ.
Quỳnh Trâm luôn giữ bên mình bức hình lần sinh nhật hai chị em tròn một tuổi. Hai cô con gái dễ thương cười rạng rỡ bên một cặp vợ chồng trẻ.
Trâm bảo em thấy ba mẹ em thật kỳ lạ, trong khi bây giờ người ta vứt con, bỏ con ngoài đường, ba mẹ biết trước khả năng tụi em sinh ra sẽ bị dị tật mà vẫn quyết định đẻ và chăm sóc, nuôi dạy tận tình. Vì tụi em không sáng mắt nên ba mẹ luôn dành sự quan tâm, săn sóc đặc biệt. Chính ân tình này là động lực khiến em phải đứng dậy và bước đi, không được gục ngã.
Quỳnh Trâm trên sân khấu Thần tượng Bolero cùng danh ca Ngọc Sơn. |
Hành trình gian nan trở thành cô gái truyền cảm hứng
Quỳnh Trâm mạnh mẽ từ bé. Dù thị lực rất kém em vẫn xin mẹ cho đi học tiểu học cùng các bạn sáng mắt khác. Bị trêu ghẹo, bị giấu đồ, miệt thị hay mỉa mai, Trâm vẫn bỏ mặc và chăm chú học hành.
Em biết ơn những người bạn tốt thuở đầu đời, sẵn sàng chấp nhận về trễ để ở lại đọc bài cho Trâm chép. Nhờ những ân tình như thế và sự quan tâm lo lắng của ba mẹ, Trâm vượt qua tiểu học dễ dàng.
Nhưng lên đến THCS, thị lực giảm rõ rệt, gần như không còn nhìn thấy gì, Trâm phải chuyển vào học trường Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường dành riêng cho các trẻ em bị khiếm thị. Chính tại đây, cơ duyên đưa Trâm đến với môn điền kinh khiến cuộc đời em rẽ sang bước ngoặt mới.
“Hồi đó em loi choi, lí lắc lắm, được các chị lớn tuổi hơn rất thương và bảo vệ. Cứ có anh nào ghẹo các chị, là các chị lại nhờ em chạy đến đụng vào người anh đó. Qua việc đó, mọi người mới phát hiện là em có khả năng chạy rất nhanh. Một lần có đoàn của Sở Thể dục thể thao về trường tuyển vận động viên điền kinh. Lúc đó em mới 12 tuổi mà độ tuổi được tuyển phải từ 14 trở lên. Em đã rất hụt hẫng nhưng sau cùng họ cũng tuyển độ tuổi dưới 13 và em được chọn. Đó là dấu mốc quan trọng thay đổi cuộc đời em” - Trâm tâm sự.
Quỳnh Trâm trong Thế vận hội Asean 2018. |
Lần đầu được thông báo sẽ ra Quảng Trị luyện tập và thi đấu, ba mẹ Trâm rất căng thẳng, lo lắng không muốn cho con đi. Khát khao được khẳng định mình, em thuyết phục ba mẹ đồng ý.
“Lần đầu tiên, đứng giữa sân tập 400m, em thấy rợn ngợp, không biết mình có vượt qua nổi không. Chạy theo các anh chị mà muốn nổ đom đóm mắt. Năm đầu tiên em chỉ biết mượn huy chương của người khác để ngắm, năm thứ hai em đã sở hữu chiếc huy chương của mình rồi. Lần đầu tiên cầm nó trên tay, em hạnh phúc đến bất ngờ, không tin đó là sự thật”, Trâm tâm sự. Không nhìn thấy đường, hành trình luyện tập của Trâm gặp vô vàn khó khăn.
“Không thấy đường thì làm gì cũng khó, nói gì chạy bộ. Chuyện ngã trên sân tập là chuyện thường xuyên. Nhiều lúc em còn đâm sầm vào cột, tường. Khi thi đấu nhiều lúc vẫn gặp sự cố kiểu như vậy. Rút kinh nghiệm đau thương, mỗi lần chạy, em mặc đồ thật nổi bật để mọi người có thể nhận ra mình từ xa nhằm tránh va chạm”, Trâm hài hước kể.
Hơn 10 năm luyện tập thể thao đỉnh cao, có nhiều lúc Trâm muốn gục ngã, buông bỏ, nhưng nghĩ đến lý do khi mình mới bắt đầu, em lại vực dậy tinh thần và cố gắng.
“Trước đây do sinh non, em rất hay ốm vặt. Thể thao đã cho em sự tự tị, bản lĩnh, nghị lực, ý chí và sức khỏe tốt. Không những đem về cho em vinh quang, còn giúp em có thu nhập để trang trải và giúp đỡ gia đình. Em thấy bản thân mình sống có ích. Hơn nữa, còn bao huấn luyện viên âm thầm dìu dắt em trên từng đường chạy mà không đòi hỏi gì, em không thể phụ lòng các thầy” - Trâm cho biết.
Huấn luyện viên của Quỳnh Trâm chia sẻ: “Em có khiếu điền kinh nhưng thành công đến từ ý chí. Đi tập xa xôi, bất tiện, không có chế độ, rồi những thời điểm bị chấn thương, hay nắng cháy da… nhưng Quỳnh Trâm vẫn không bỏ điền kinh. Tôi đặc biệt tin tưởng em”.
Ngoài điền kinh, Trâm còn sở hữu giọng hát ngọt ngào, mê đắm lòng người. Trâm kể mình mê hát từ khi mới 2 tuổi. Nhà có ba mê cải lương, lại biết chơi nhiều nhạc cụ, Trâm cứ thế nghe, hát theo rồi mê. Để theo đuổi đam mê, cô gái khiếm thị sẵn sàng đi hát không công tại những quán cà phê, chỉ để có cảm giác được biểu diễn trên sân khấu.
Mới đây, Quỳnh Trâm vụt tỏa sáng khi trở thành thí sinh cuộc thi Thần tượng Bolero. Mỗi video của cô gái khiếm thị thu hút hàng triệu lượt người xem trên Youtube. Câu chuyện vượt lên sự không may mắn của bản thân, giành huy chương vàng môn điền kinh của cô gái khiếm thị đang hát say mê trên sân khấu khiến người nghe thổn thức.
Trâm sở hữu giọng hát ấm, cao vút, ngọt ngào… rất thích hợp với những tình khúc Bolero chất chứa tâm sự. Đáng tiếc, do không thể nhìn thấy nên khả năng tương tác với khán giả, khả năng biểu diễn sân khấu của Trâm gặp khó khăn. Em không thể đi tới vòng cuối trong sự tiếc nuối của hàng triệu khán giả.
Sau cuộc thi, Trâm có thể đã kiếm được nhiều tiền nhờ đi hát. Những lời mời đến với em tới tấp, nhưng Trâm chưa đủ tự tin trong vai trò ca sĩ. Cô gái khiếm thị vẫn cần cù luyện tập, chắt bóp từng tấm huy chương, từng đồng tiền thưởng để góp với cha mẹ.
Hết mùa thi đấu, Trâm lại trở về với cuộc sống hàng ngày với nỗi lo làm gì để có tiền. Em học làm bánh rồi bán lại để mưu sinh những khi không trong thời gian thi đấu. Vì khiếm thị nên Trâm cũng không thể học tiếp để trở thành huấn luyện viên khi đã hết tuổi thi đấu.
Tương lai với Trâm còn mịt mùng nhưng em luôn tười cười, lạc quan vì: “Trong lúc khốn khó nhất ba mẹ còn cưu mang được tụi em và cùng nhau vươt qua, huống chi bây giờ tụi em đã lớn, có thể tự lập và giúp đỡ ba mẹ. Em luôn tin cuộc đời rất công bằng. Buồn đau cũng chẳng giải quyết được khó khăn. Chi bằng cứ lạc quan, vui cười, rồi mọi chuyện cũng qua”, Trâm nói.