Cô gái khiếm thị có giọng hát vàng

Thứ Năm, 01/07/2010, 11:25
Tôi đã gặp Thảo trong một buổi giao lưu, cô gái khiếm thị có nước da trắng, gương mặt bầu bĩnh và giọng ca trời phú bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay cổ vũ. Thảo được một người dìu lên sân khấu, mọi người chăm chú theo dõi từng cử chỉ của cô và lặng đi khi giọng Thảo vút lên trầm bổng qua bài hát "Bóng cây kơ-nia"...

Dường như chẳng biết khán giả đông tới cỡ nào và hồi hộp ra sao, Thảo chỉ biết thả hồn mình vào lời ca tiếng hát. Với Thảo, được đứng hát giữa đông người như thế không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn là nỗi khát khao của một người say mê âm nhạc. Thảo đã kể cho tôi nghe về con đường đến với âm nhạc của cô.

Khi Thảo được mẹ sinh ra trên cõi đời cũng là lúc bất hạnh ập đến với sinh linh bé nhỏ. Đứa bé trắng trẻo bụ bẫm nhưng… hỡi ôi, đôi mắt đã khép chặt, chẳng bao giờ nhìn thấy người mẹ thân yêu và cuộc đời đầy thơ mộng nữa. Mẹ cô đã khóc cạn nước mắt. Bao nhiêu tình yêu thương bà đã dành cả cho nó mong bù lại những gì thiệt thòi mất mát.

Thảo lớn lên dưới lũy tre làng, sự yêu thương đầm ấm của người thân trong gia đình. Nhưng, Thảo không muốn suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà và sống như một cái bóng, Thảo muốn đến trường để học chữ. Khốn nỗi, người khiếm thị ở vùng quê thuần nông như huyện Hoài Đức (Hà Nội) thì làm gì có lớp học dành riêng cho họ. Cha mẹ Thảo đã tìm cách đưa con ra học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu (ngôi trường dành cho người khiếm thị ở Hà Nội) để học với những đứa trẻ cùng cảnh ngộ. Từ đó, niềm vui đã đến với Thảo từng ngày, có lúc em quên hẳn rằng mình là người khiếm thị, say sưa học chữ nổi, sinh hoạt cùng bạn bè trong trường.

Ở trường, các thầy cô giáo và các bạn cùng trang lứa thực sự ngưỡng mộ giọng hát trời phú cho Thảo. Được đến sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi Hà Nội và được ca hát trong các dịp lễ hội, Thảo được tuyển vào học ở Nhạc viện Hà Nội. 7 năm học ở ngôi trường này Thảo đã được trang bị những kiến thức âm nhạc cơ bản. Tuy rằng, để học được nhạc lý một cách hữu hiệu thì một cô gái khiếm thị như Thảo quả là quá gian nan. Niềm đam mê đã biến thành nghị lực để Thảo vượt qua tất cả.

Sống tự lập xa gia đình, càng ngày Thảo càng trở nên cứng cáp và luôn mơ ước về một cuộc sống với biết bao niềm hy vọng. Tốt nghiệp ra trường, Thảo về làm việc tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho người khiếm thị. Ở đây, có biết bao những người đồng cảnh ngộ khắp mọi miền đất nước về làm việc và học nghề, họ đã động viên nhau cùng cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Ngồi nói chuyện, tôi ngại ngùng không muốn đụng đến chuyện riêng tư, vì sợ Thảo buồn. Có người bảo, những người theo con đường ca hát thì tâm hồn họ mơ mộng, mong manh và nhạy cảm lắm. Vì thế, tôi không nhắc tới, nhưng bỗng Thảo nói: "Em làm việc ở đây vui lắm chị ạ, thu nhập đủ nuôi sống bản thân và tiết kiệm được tiền để cho con gái nữa". "Vậy, con gái em ở đâu?", tôi hỏi. Thảo ngập ngừng kể về mối tình của mình.

Trước đây, Thảo từng có một mối tình theo như cô nói thì "đẹp như mơ". Chàng trai kia cũng là người khiếm thị và họ đã có những tháng ngày yêu nhau say đắm. Nhưng rồi, chẳng phải lúc nào yêu nhau cũng đến được với nhau và chung sống trọn đời. Biết chuyện, gia đình nhà chàng trai kia đã ngăn cấm con trai họ lấy người  khiếm thị làm vợ. Vậy là đôi trai gái đã chia tay… Nghiệt ngã thay, mối tình ấy đã đơm hoa kết trái trước khi gia đình cản trở, Thảo đã sinh một bé gái kháu khỉnh, còn người cha kia thì bặt tăm.

Thảo một mình nuôi con, một mình bươn chải. Lúc thì cô mang con về gửi cho gia đình ở Hoài Đức chăm nom giùm, lúc thì đưa ra ở cùng mẹ. Thảo cũng giống những người mẹ khác, khát khao lớn nhất là có những đứa con xinh xắn, khỏe mạnh và được học hành trở thành người hữu ích. Cô biết rằng, có một nơi có thể giúp đỡ, nâng bước đứa con gái ngây thơ tội nghiệp của cô trên đường đời, để những khát khao của cô trở thành hiện thực. Thảo mang con đến gửi ở làng trẻ em S.O.S. Ở đây cháu Thùy Linh (con gái Thảo) được học hành, dạy dỗ, chăm sóc chu đáo. Cứ hằng tuần người mẹ trẻ khiếm thị lại đến thăm con. Cô dặn con rằng, con luôn có hai người mẹ, một mẹ Nhân ở làng trẻ em S.O.S, một mẹ Thảo đã sinh thành ra nó, vẫn ngày đêm hướng về nó với nỗi nhớ thương và hy vọng...

Trước lúc chia tay tôi, Thảo nói: "Em chờ khi nào dành dụm thêm chút nữa, có điều kiện sẽ đón cháu về để hai mẹ con sống bên nhau. Thế là em hạnh phúc rồi chị ạ". Ước mơ quá đỗi giản dị của một cô gái khiếm thị để trở thành hiện thực như bao người mẹ bình thường khác trong cuộc đời, nhưng với cô thì phải trải qua biết bao nỗ lực, vượt lên sự nghiệt ngã của số phận

Kim Thanh
.
.
.