Cô gái khiếm thị và hành trình viết tiếp giấc mơ

Thứ Tư, 16/10/2019, 11:23
Cô gái khiếm thị ấy giờ đã là sinh viên năm thứ nhất của Ðại học RMIT với suất học bổng toàn phần danh giá. Ðó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực và cố gắng của Loan. Và hành trình đó chưa dừng lại, khi Loan đang từng ngày viết tiếp giấc mơ của mình.


1. Tôi đang cầm cuốn sách vừa mới ra lò của Loan, “Giấc mơ nơi thiên đường”, tập hợp những truyện ngắn mà Loan viết. Trong lời tựa của cuốn sách, Loan viết rằng: “Dù chúng ta là ai, hoàn cảnh của chúng ta thế nào thì tôi vẫn biết rằng ở nơi sâu thẳm nhất, mềm mại nhất của trái tim, chúng ta đều cất giấu một khoảng trời an vui, vậy vì sao chúng ta không đem khoảng trời nho nhỏ ấy hóa thành thiên đường mà ta mơ ước”. 

Và bằng niềm tin đó, cô gái khiếm thị Nghiêm Vũ Thu Loan đã chinh phục được giấc mơ của mình. Loan sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở ngoại ô Hà Nội. Từ nhỏ, mắt của Loan đã có vấn đề, mẹ đưa Loan đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội, nhưng y học bó tay không thể thắp sáng đôi mắt của cô bé. 

Chấp nhận là người khiếm thị, đó là một nỗi buồn của Loan. Nhưng Loan không ngồi yên ôm nỗi buồn, mà  từ nhỏ, cô bé ấy đã ấp ủ trong trái tim một giấc mơ. Đến tuổi đi học, Loan vào Trường Nguyễn Đình Chiểu học nội trú. Thỉnh thoảng mẹ từ quê chạy xe máy lên thăm. 

Suốt cả thời cấp 1 rồi cấp 2, Loan luôn thể hiện niềm say mê học tập của mình, vì thế lên cấp 3, cô bé thi đậu vào Trường THPT Yên Hòa. Mẹ Loan lặn lội từ quê lên, thuê nhà trọ ở cạnh trường để đỡ đần con gái. 

Hàng ngày, mẹ đưa Loan đến trường, rồi lại trở về với góc quán nhỏ, bán nước, làm đủ việc mưu sinh để kiếm tiền trang trải chi phí cho hai mẹ con. Và không phụ lại sự tần tảo, hy sinh của mẹ, 3 năm cấp 3 của Loan luôn đạt học sinh giỏi. 

Thầy cô Trường Yên Hòa yêu mến và quý trọng sự nỗ lực, chăm chỉ học tập của Loan. Loan luôn đứng đầu trong lớp vì những thành tích học tập, sự kiên trì và chăm chỉ đã giúp cô bé vượt ra khỏi bóng tối đi tìm mục đích sống cho riêng mình. 

Tốt nghiệp PTTH, Loan thi đậu đại học. Nhưng nếu cứ theo đuổi việc học hành, Loan sẽ trở thành gánh nặng của mẹ. Và ở một góc độ nào đó, Loan trở thành người ích kỷ vì mẹ đã phải vất vả vì em quá nhiều. Loan quyết định không học đại học. 

Cô Hương, mẹ Loan kể lại: “Con nói với tôi rằng, con sẽ không học đại học vì như thế mẹ sẽ rất vất vả, còn em gái ở quê. Con sẽ dành thời gian học tiếng Anh và các kỹ năng cần thiết để tìm học bổng, đỡ đần cho mẹ phần nào. Giấc mơ sẽ không nói lời từ chối với những người có quyết tâm”. 

Và Loan đã dành một năm miệt mài tự học tiếng Anh. Không có tiền đi học tiếng Anh, Loan tận dụng các nguồn sách vở từ mạng internet và sự giúp đỡ của chị gái (chị gái Loan vừa tốt nghiệp thạc sĩ ở Úc về) để học. Sự phát triển của công nghệ đã xóa nhòa khoảng cách giữa những người khiếm thị và người bình thường nếu bạn thực sự có quyết tâm. 

Thu Loan đã vượt qua những rào cản của đôi mắt để chinh phục ước mơ của mình. Tháng 8-2019, Đại học RMIT với suất học bổng toàn phần duy nhất chính thức gọi tên Nghiêm Thị Thu Loan. Một chân trời phía trước đang mở ra đối với cô bé. 

Loan xúc động chia sẻ: “Tôi xin được gửi những lời cảm ơn sâu sắc tới những người đặc biệt nhất, yêu thương nhất trong cuộc đời tôi - những người đã gieo vào thế giới của tôi ngàn vạn nụ hoa tin yêu, giúp tôi nhận ra rằng, tôi đang sống giữa thiên đường kỳ diệu. Đầu tiên con cảm ơn bố mẹ, con cảm ơn vì bố mẹ đã mang con đến với thế giới này, vì đã không tiếc hy sinh mọi điều mình có cho con được lớn lên để con có cơ hội thực hiện sứ mệnh của cuộc đời. Cảm ơn chị gái và các bạn, cảm ơn những thầy cô… những người Loan đã gặp trong cuộc đời, đã an ủi Loan những lúc tuyệt vọng, đã mang đến cho Loan niềm hy vọng… và sự nhìn nhận đầy tin yêu về cuộc sống này”…

2. Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất là cô bé ấy luôn có một tâm hồn trong sáng, yêu thương cuộc đời. Tôi cứ hình dung, Thu Loan như một cây xương rồng bền bỉ giữa nắng gió, bão táp và sỏi đá, vươn lên để tìm ánh sáng và nở hoa. Loan đã vượt qua tất cả để học tập, bởi có lẽ, chính em cũng hiểu rằng, chỉ có học vấn mới giúp em có cơ hội thay đổi cuộc đời và bước ra ngoài ánh sáng.

Thu Loan và tác phẩm mới của mình.

Cầm tập sách còn thơm mùi giấy mới của Loan, tôi rất xúc động, bởi những trang viết trong trẻo, tinh khôi  của một cô gái mới lớn. Có ai đó nói rằng, những bất hạnh có thể giúp con người ta lớn lên. Loan chưa bao giờ coi khiếm thị là một bất hạnh. Nhưng Loan luôn nỗ lực vươn lên để làm chủ cuộc sống của mình. 

PGS, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy nhận xét rằng: “Những dòng viết trôi đi nhẹ nhàng nhưng thấm sâu vào tâm khảm người đọc. Giữa bộn bề cuộc sống, giữa trắng đen của cuộc đời, những dòng viết của Loan như dòng nước mùa thu thanh khiết, xoa dịu bao nỗi đau, bao tổn thương, bao mất mát của những mảnh đời ở những góc chông gai của cuộc sống. Những dòng viết ấy ánh lên những tia nắng mặt trời ấm áp chan chứa tình yêu thương và chảy bỏng những khát khao, rạng rỡ những niềm tin bất tử vào sự chân thành và tình người”.

Cuốn sách như một tự truyện của Loan, kể về những mảnh đời khác nhau, từ những giấc mơ thuở thơ bé trong veo với niềm tin, có một thiên đường đang chờ phía trước đến thời đoạn cô bé ấy vào cấp 3 là những năm tháng yêu thương. 

Loan viết rằng: “Mỗi ngày trôi đi là một ngày tôi góp nhặt riêng cho mình những hạt nắng lung linh, mỗi ngày trôi đi là một ngày tôi học cách đem những hạt nắng ấy kết thành một mặt trời ấm áp để rồi hôm nay tôi nhận ra, hạnh phúc tồn tại nơi những trái tim chân thành”. 

Đó là một thế giới đẹp như một giấc mơ, nhưng với Thu Loan, giấc mơ đó không xa vời, không viễn tưởng mà nó ở ngay chính trong mỗi trái tim con người. Và chính niềm tin yêu đó đã giúp Loan vượt qua những rào cản của bệnh tật, để đi trên con đường của mình.

Tôi nhìn thấy Loan chững chạc trong màu áo mới của sinh viên Trường RMIT - một môi trường quốc tế năng động. Từ môi trường ấy và từ nội lực của cô gái bé nhỏ ấy, Loan sẽ viết tiếp giấc mơ của mình bay cao, bay xa hơn.

Và tôi muốn dành những dòng cuối cùng của bài viết này cho người mẹ của Loan. Chị Hường, một bà mẹ tần tảo, hy sinh tất cả vì con. Chị chính là đôi mắt của con gái. Nếu không có chị, chắc chắn sẽ không có một Thu Loan hôm nay. Khi biết rằng, đôi mắt của Loan không thể sáng, chị đã nén nỗi buồn, chăm sóc Loan lớn lên. 

Nhà xa, nhưng chị nhận ra, con gái thích học, chị lặn lội ra Trường Nguyễn Đình Chiểu cho con theo học chữ. Rồi sau này, khi Loan vào Trường PTTH Yên Hòa, chị cũng thuê nhà cạnh trường để tiện chăm sóc con. Mỗi bước đi của Loan đều có mẹ bên cạnh. Chị cũng tôn trọng sự lựa chọn của Loan khi con gái nói rằng, con không học đại học và quyết tâm học tiếng Anh để tìm học bổng. 

“Tôi quê mùa có biết gì việc học đâu, nhưng tôi biết con gái tôi rất thích học và tôi tôn trọng mọi sự lựa chọn của con. Tôi chỉ làm được một việc là ở bên con, đồng hành với con mà thôi”. 

Giờ thì chị tạm yên lòng vì con gái của chị đã trưởng thành và bắt đầu chạm tay vào mơ ước của mình. Hai mẹ con vẫn ở ngôi nhà trọ ở Hà Nội. Hàng ngày, người mẹ ấy lại chở con gái đến trường và trở về với công việc lam lũ của mình. Ngày mai là một ngày mới và tương lai vẫn đang chờ chị và con gái phía trước.

Linh Nguyễn
.
.
.