Nghiêm túc rà soát các hội nhóm, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống dịch

Chủ Nhật, 30/05/2021, 18:05
Một trong những nguyên chính dẫn đến việc TP Hồ Chí Minh phải giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 31/5 là do ý thức chấp hành các quy định về chống dịch COVID-19 chưa nghiêm của một số người. Thậm chí sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, làm chưa hết trách nhiệm.


Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh ngày 30/5, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 31/5/2021. Theo đó, toàn TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp như: không được tập trung trên 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nơi công cộng; thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; người dân (nhất là người trên 60 tuổi) chỉ ra khỏi nhà khi có việc thật sự cần thiết; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh, trừ trường hợp thật sự cấp bách.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp khẩn ngày 30/5.

Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lập (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16, theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, phường cách ly phường. Đồng thời, hoãn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn thành phố cho đến khi có thông báo mới.

Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương liên quan xem xét và truy cứu trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch của thành phố.

Như vậy, đây là lần thứ 2, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, lần 1 thực hiện theo quy định chung của cả nước vào tháng 4/2020. Việc thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, gây tổn thất lớn đến kinh tế - xã hội,…

Mặc dù, các quy định về phòng chống dịch COVID-19 liên tục được tuyên truyền, công tác xử lý những trường hợp vi phạm thời gian qua cũng được thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dân ý thức chưa cao, không chấp hành quy định phòng chống dịch.

Như trường hợp nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines. Ngày 30/3, người này đã bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh xử phạt hai năm tù treo tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Còn ngày 29/5, cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" để điều tra theo quy định của pháp luật đối với hoạt động của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (số 415/8/4 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp).

Nhân viên y tế ngày đêm lấy mẫu xét nghiệm.

Liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, tính đến trưa 30/5/2021 ghi nhận 142 trường hợp dương tính và nghi ngờ dương tính từ ổ dịch này. Có tổng cộng 16/22 địa phương của thành phố có liên quan đến các ca bệnh. Tổng số F1 là 2.199 người, F2 có 60.209 người.

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên trong ổ dịch liên quan Hội thánh đều thuộc biến chủng Ấn Độ, B.1.617.2. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh (biến chủng Ấn Độ và biến chủng Anh) ở các ca bệnh trong cộng đồng.

Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 thành phố tổ chức sáng 30/5, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng sinh hoạt không mang khẩu trang, việc sinh hoạt này đâu phải mới, tại sao phường, khu phố không phát hiện? Nếu phát hiện sớm chúng ta đã lưu ý và có biện pháp xử lý rồi. Đâu phải để đến nay dẫn tới có số lượng lớn ca nhiễm, các ca nhiễm không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn sang các tỉnh khác.

Còn tại quận 7, lãnh đạo UBND quận đã chỉ đạo UBND phường Tân Phong điều tra dịch tễ tất cả người đến dự tiệc cưới tại một gia đình trên đường Nguyễn Bính; đồng thời yêu cầu những người này tự giám sát tại nhà. Riêng chủ tiệc cưới, UBND quận 7 sẽ chỉ đạo xử lý theo quy định.

Phát biểu tại cuộc họp báo sáng 30/5, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên cho rằng, chỉ trong thời gian rất ngắn, chúng ta cơ bản đã truy vết, khoanh vùng để tiến hành các biện pháp dập dịch. Tuy nhiên, hiện nay từ tình huống vô ý thức của một số cá nhân đã và đang tạo ra hậu quả nặng nề với xã hội.

“Cùng với vắc xin, cần đẩy mạnh các giải pháp “tại chỗ”, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K đối trên toàn thành phố, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện để kịp thời nhắc nhở và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm về quy định phòng chống dịch bệnh”, đồng chí Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã biểu dương sự kịp thời của TP Hồ Chí Minh trong phát hiện, khoanh vùng, dập dịch cùng với nhiều giải pháp quyết liệt. Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, từ thực tế của đợt bùng phát dịch bệnh lần này, phải nghiêm túc rà soát lại hoạt động của các hội nhóm trên địa bàn, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch của TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung.

Thực hiện cách ly và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 nhưng cần duy trì và đảm bảo thực hiện “Mục tiêu kép”.  Triển khai xét nghiệm cho 100% cán bộ, công nhân, người dân tại khu công nghiệp, khu chế xuất và các địa điểm có dịch để đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện yêu cầu 5K thông qua các kênh truyền thông phong phú và đa dạng…


H.Nga - N.Cảnh
.
.
.