Vỡ đập thuỷ điện ở Lào là bài học lớn cho Việt Nam
- Vỡ đập thủy điện ở Lào: Quánh bùn đất bên trong rốn lũ Attapeu
- Vỡ đập thủy điện ở Lào: Cuộc giải cứu ngoạn mục công nhân Hoàng Anh Gia Lai
- Vỡ đập thủy điện ở Lào: Giải cứu được gần 3.000 người
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi thông tin, Bộ NN&PTNN rất quan tâm đến vấn đề an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du. Từ 2003 đến nay, Chính phủ đã đầu tư sửa chữa 230 hồ chứa lớn. Tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao lại đến từ hồ chứa nhỏ.
Sau sự cố vỡ đập tại Lào, ông Tỉnh cho rằng đây là bài học lớn trong công tác chuẩn bị chủ động ứng phó an toàn đập cho hệ thống hồ chứa tại Việt Nam, đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du.
Sự cố vỡ đập thuỷ điện Sepien-Senamnoy đã làm hàng trăm người chết và mất tích. |
"Một vài ngày tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cử đoàn sang Lào để hỗ trợ khắc phục sự cố đồng thời tìm hiểu nguyên nhân để rút kinh nghiệm, làm bài học cho chúng ta trong việc xây dựng, vận hành khai thác, đảm bảo an toàn các hồ chứa cả thủy điện và thuỷ lợi", ông Tỉnh cho biết.
Liên quan đến thảm hoả vỡ đập thuỷ điện tại Lào, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị chức năng sớm có tổng hợp thông tin về cộng hưởng các tác động từ những đợt áp thấp vừa qua đến vùng Đồng bằng Sông Cửu long, sự cố vỡ đạp thuỷ điện tại Lào và các tác động từ thượng nguồn sông Mekong. Hiện nay đã có 22 cán bộ được đào tạo đặc biệt về các phương án hiểm họa thiên tai tại ASEAN của Việt Nam đã sẵn sàng để hỗ trợ vụ vỡ đập thuỷ điện tại Lào.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã chính thức điều động lực lượng cùng nhiều phương tiện hành quân sang Lào. Theo đó, các lực lượng, phương tiện của Quân đội Việt Nam sẽ tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ người dân địa phương.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cũng thông tin, thuỷ điện Sepien-Senamnoy là con đập đang trong quá trình thi công, dung tích thiết kế là 1,034 tỷ m3, đập đang trong quá trình bắt đầu tích nước. Tuy nhiên, lượng nước tích được hiện nay chưa ai xác định được nên chưa thể có thông số chính xác.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, các cơ quan khoa học của Việt Nam đã tính toán từ lưu lượng nước về từ thủy điện chặn dòng. “Theo đó, các nhà khoa học đánh giá, khi nước về đến Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) có thể mực nước ở khu vực này sẽ dâng lên khoảng 5 cm so với hiện nay, hiện phía Việt Nam vẫn đang giám sát rất chặt mọi diễn biến”, ông Thắng cho biết. Theo tính toán, với khoảng cách 650km, thời gian nước từ thủy điện SePien-Senamnoy bị vỡ về đến Việt Nam khoảng 5-6 ngày.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng khẳng định, dung tích toàn bộ của thủy điện này là 1,034 tỷ m3, đây là thông tin chính xác tuyệt đối. Hiện mới đang tích nước chứ chưa phải là tích đầy nước, vì thủy điện này đang trong quá trình vừa thi công, vừa tích nước. “Với các dữ liệu lưu lượng nước về hiện nay, thủy điện này mới chỉ tích được khoảng trên 500 triệu m3. Hiện tại các cơ quan đang giám sát chặt diễn biến sự cố này để có ứng phó kịp thời”. Theo tính toán của Ủy hội sông Mê Kông cũng tương đồng với nước xả ra từ sự cố đập thủy điện này, mực nước tại hệ thống sông ở đồng bằng sông Cửu Long có thể lên khoảng 4-5cm so với mực nước hiện tại ở sông Hậu tại Tân Châu, Châu Đốc.
Như vậy, sự cố tại đập thủy điện tại Lào không ảnh hưởng nhiều tới lưu vực sông Cửu Long của Việt Nam. Song, hiện Ủy hội sông Mê Kông đang theo dõi và tính toán thêm các số liệu thực tế. Tuy nhiên, dù sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào không ảnh hưởng nhiều song đáng quan tâm là đợt lũ sắp xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long vào cuối tháng 7 mà Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã công bố.
Chủ động ứng phó khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông tràn về Ngày 25-7, ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết là địa phương đầu nguồn lũ ở Đồng đồng sông Cửu Long (ĐBSCL) nên hàng năm, An Giang đều có kế hoạch để đối phó với nước lũ dâng cao. “Tỉnh đã có kế hoạch dự phòng cho trường hợp lũ sớm bất thường và xả lũ ở các đập thuỷ điện phía thượng nguồn. Kế hoạch này trùng với trường hợp vỡ đập thuỷ điện nên không có gì bất ngờ. Hơn nữa, từ Lào về tới An Giang rất xa, phải qua nhiều nơi nên lượng nước nếu có đến địa phương cũng sẽ không nhiều”, ông Thư nói. Năm nay, tỉnh dự báo lũ về sớm hơn cùng kỳ năm trước từ 7-10 ngày và có mưa bão ở phía thượng nguồn Mê Kông làm cho mực nước ở tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung sẽ dâng lên. Tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện mực nước vùng đầu nguồn của tỉnh chưa có biến động bất thường. Khoảng cách từ biên giới các tỉnh ĐBSCL với khu vực vỡ đập rất xa, nếu nước về tới cũng chỉ dâng lên từ 4-5cm. Với mực nước thấp như hiện nay, cộng thêm chừng 4-5cm nữa thì không có ảnh hưởng. Trước thông tin vỡ đập thuỷ điện ở Lào, ngành nông nghiệp An Giang và Đồng Tháp yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường, thông báo cho người dân chủ động, có kế hoạch thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu tại các vùng trũng, vùng ngoài đê bao. Các huyện An Phú (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng đang tập trung thu hoạch lúa và hoa màu. Những ngày qua, mưa lớn kết hợp triều cường đã khiến nhiều diện tích lúa của người dân bị ảnh hưởng. Như Anh |