Việt Nam đưa ra đề xuất về thương mại điện tử

Thứ Năm, 13/09/2018, 17:15
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự kiến vào năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm và doanh số thương mại điện tử B2C sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. 

Dự kiến vào năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm. Ảnh: Internet. 

Sáng 13-9, tại phiên thảo luận về “Thị trường số, Cơ hội toàn cầu” với sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, thương mại điện tử tại Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong những năm gần đây. 

Năm 2014, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam ước tính đạt 2,97 tỷ USD, chiếm khoảng 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với mức tăng trưởng trung bình khoảng 29% mỗi năm, đến năm 2017, thống kê ban đầu cho thấy quy mô thị trường bán lẻ đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2016, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. 

Phiên thảo luận về “Thị trường số, Cơ hội toàn cầu” với sự tham dự của gần 200 đại biểu. Ảnh: WEF. 

Dự kiến vào năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm và doanh số thương mại điện tử B2C sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. 

Nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với một số thách thức như: sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh, kể cả dư thừa lao động có kỹ năng thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. 

Vì thế, để phát triển kinh tế số, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề xuất các nhà hoạch định chính sách ASEAN cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số không những ở cấp quốc gia, mà còn chung cho toàn khu vực ASEAN, trong đó, cần chú trọng những vấn đề như đẩy mạnh an ninh mạng và luồng dữ liệu xuyên biên giới, tạo điều kiện sự phát triển của Thương mại điện tử và tài chính di động, tăng cường tiếp cận số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số...

H.Chi - L.Đan
.
.
.