Việt Nam có nhiều lợi thế để đón bắt cơ hội, lợi ích từ Cách mạng 4.0

Thứ Sáu, 17/11/2017, 19:26
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Việt Nam có những lợi thế nhất định để đón bắt các cơ hội và lợi ích của Cách mạng công nghiệp 4.0 như lực lượng lao động trẻ chất lượng cao và nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng trong một khu vực phát triển năng động.

Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức Hội thảo “Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vào ngày 17-11 tại Hà Nội với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. 

Nhấn mạnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với trung tâm là một thế giới siêu kết nối số, Phó thủ tướng cho rằng cuộc cách mạng này đang làm thay đổi nhanh chóng và sâu rộng cuộc sống, hành vi của mỗi người dân, tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất và phát sinh ra những mô hình, cách thức kinh doanh mới mà ở đó cộng đồng thu nhập thấp cũng có khả năng tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả mà cuộc Cách mạng này mang lại.

Phó Thủ tướng đánh giá Việt Nam có những lợi thế nhất định để đón bắt các cơ hội và lợi ích của CMCN 4.0 như có lực lượng lao động trẻ, ngày càng được tiếp cận giáo dục có chất lượng cao hơn, tỷ lệ tiếp cận Internet cao, khả năng ngoại ngữ được cải thiện, có nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng trong một khu vực phát triển năng động.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức về nâng cao năng lực tranh và phát triển bao trùm cho Việt Nam như thay đổi mô hình kinh doanh, tự động hóa sẽ tác động tới các lĩnh vực, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, xu hướng phân hoá xã hội có thể diễn ra mạnh mẽ hơn khi sự phổ cập của công nghệ số đặt ra nguy cơ tụt hậu cho những cộng đồng không nắm bắt được cơ hội…

Phó Thủ tướng khẳng định, từ góc độ là một chính phủ kiến tạo, Chính phủ Việt Nam thường xuyên đối thoại, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp dựa trên khoa học công nghệ ở Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bao trùm trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 là một yêu cầu cấp thiết đối với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Thứ trưởng Sơn mong muốn thông qua việc thực hiện Thoả thuận hợp tác với Việt Nam, WEF sẽ chia sẻ với Việt Nam những nhận thức mới, các phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trên thế giới về cải thiện năng lực cạnh tranh, bảo đảm phát triển bao trùm trong điều kiện CMCN 4.0, đồng thời đưa ra các tư vấn, khuyến nghị chính sách cho Việt Nam để chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm tranh thủ tốt nhất cơ hội và lợi ích của CMCN 4.0.

Trong khi đó, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của WEF Justin Wood đánh giá Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong tăng trưởng kinh tế, cải thiện sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển, tiến bộ xã hội. Ông Justin cho rằng Việt Nam hiện có nhiều cơ hội mới để phát triển nhanh, song cũng gặp thách thức lớn hơn do tác động sâu sắc của CMCN 4.0, mà nếu không vượt qua được các thách thức này, thì Việt Nam có nguy cơ  bị mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”...

Các chuyên gia của WEF đã chia sẻ, cập nhật phương pháp mới nhất của WEF về đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bao trùm; nhấn mạnh WEF đã tích hợp nhiều cách tiếp cận, khái niệm và chỉ số mới vào đánh giá năng lực cạnh tranh để thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0, mà WEF gọi là chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0). Bộ chỉ số này có tới 67% các chỉ số là chỉ số mới, được WEF hoàn thành xây dựng tháng 9-2017, trong đó nhấn mạnh vào yếu tố con người, năng lực đổi mới, sáng tạo.

Hội thảo là hoạt động chính thức khởi động việc triển khai Thoả thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về “Phát triển nền kinh tế tự cường trước tương lai” được ký nhân dịp Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị thường niên WEF tại Davos, Thụy Sĩ, tháng 1-2017.

Tiên An
.
.
.