Ngăn chặn tội phạm tham nhũng bỏ trốn trước khi bị khởi tố

Thứ Bảy, 18/11/2017, 12:15
Tham gia trả lời các chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến công tác của Bộ Công an sáng 18-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu với cấp uỷ Đảng, Chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.


Ngăn chặn đối tượng phạm tội bỏ trốn trước khi khởi tố vụ án, bị can

Về việc cử tri và đại biểu Quốc hội có ý kiến về việc nhiều đối tượng phạm tội kinh tế bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lí, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Theo điều 79, Bộ luật TTHS năm 2003, quy định: chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các bị can, bị cáo. 

Cụ thể, các đối tượng như: Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy... bỏ trốn trước khi Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án. Việc cơ quan chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng nêu trên là thực hiện theo quy định của pháp luật.

Sau khi các đối tượng bỏ trốn, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung truy bắt bằng được các đối tượng phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho các đối tượng bỏ trốn sẽ kiên quyết xử lí theo quy định của pháp luật.

Để khắc phục tình trạng trên, trong quá trình xây dựng Bộ luật TTHS năm 2015, Bộ Công an đã đề nghị bổ sung điều 124 về tạm hoãn xuất cảnh đối với “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ...”; Kiến nghị bổ sung các quy định về việc giám sát đặc biệt đối với các đối tượng có dấu hiệu phạm tội liên quan đến kinh tế, tham nhũng, cho phép được áp dụng biện pháp tố tụng đặc biệt.

Như vậy, việc áp dụng Bộ luật TTHS 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 sẽ là một trong những biện pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn họ trốn ra nước ngoài.

Giải quyết căn cơ việc kéo dài, trả hồ sơ các vụ án tham nhũng

Về nguyên nhân công tác điều tra một số vụ án tham nhũng còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra, bổ sung, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong những năm qua, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với tội phạm tham nhũng và đạt được những kết quả tích cực. Cơ quan điều tra các cấp trong CAND đã tăng cường phối hợp với Viện KSND và TAND các cấp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tố tụng, nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được điều tra, xử lí kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, công tác giải quyết các vụ án tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó một số vụ điều tra còn chậm, trong đó, có việc trả hồ sơ bổ sung. Nguyên nhân là do các vụ án tham nhũng thường do đối tượng thực hiện có tổ chức, thời gian xảy ra khá lâu mới bị phát hiện, hành vi được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau nên rất khó bị phát hiện, các đối tượng thường cất giấu tài sản, hợp lý hoá hoặc tiêu huỷ tài liệu, chứng cứ dẫn đến việc điều tra gặp khó khăn. Việc điều tra, xử lí các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài thường phải thông qua hoạt động tương trợ tư pháp hình sự, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng dẫn đến thời gian kéo dài. “Đặc biệt, công tác giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, kế toán, xây dựng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thời gian giám định dài, một số cơ quan, cá nhân được trưng cầu giám định với nhiều lí do khác nhau đã từ chối giám định hoặc kéo dài thời gian giám định. Trình độ chuyên môn của một số giám định viên chưa đáp ứng được yêu cầu, kết luận giám định không chính xác, phải quyết định trưng cầu giám định nhiều lần, dẫn đến một số vụ án bị kéo dài, thậm chí có vụ không giải quyết được” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Về giải pháp nâng cao chất lượng công tác điều tra các vụ án tham nhũng, đảm bảo xử lí nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ:  “Bộ Công an chỉ đạo Công an các cấp tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, thúc đẩy tiến độ điều tra, sớm đưa truy tố, xét xử. Nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tăng cường phối hợp giữa Cơ quan điều tra với VKS, TA và các cơ quan chức năng, nhằm tạo đồng thuận trong việc đánh giá chứng cứ, hạn chế đến mức thấp nhất trong việc trả hồ sơ điều tra, bổ sung...”. Bên cạnh đó, Bộ Công an sẽ tăng cường phối hợp với Thanh tra, Kiểm toán, Hải quan, Thuế... đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ quan nhằm chủ động phát hiện, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh công tác điều tra, hạn chế việc điều tra kéo dài vụ án.

Phương Thuỷ
.
.
.