Văn phòng Chủ tịch nước công bố 16 Luật và 7 Nghị quyết
7 Luật bao gồm: Bộ Luật dân sự; Bộ Luật hình sự; Bộ Luật tố tụng dân sự; Luật tố tụng hành chính; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật tố tụng hình sự và 5 Nghị quyết bao gồm: Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết về việc thi hành Luật tố tụng hành chính; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh trình bày những nội dung cơ bản 2 bộ luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo tại cuộc họp. |
Tại cuộc họp, thay mặt Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã trình bày những nội dung cơ bản của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam bao gồm 11 chương, 73 điều với những nội dung cơ bản: quy định chung; hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam là người dưới 18 tuổi, phục nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; chế độ với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam; kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; điều khoản thi hành. Luật được ban hành sẽ tháo gỡ được những khó khăn, hạn chế, bất cập và bảo đảm công tác quản lý giam giữ phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới. Luật chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2016.
Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự gồm 10 chương, 73 điều với những nội dung cơ bản: những quy định chung; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của CAND, Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư, các cơ quan của CAND, quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; quan hệ phân công và phối hợp trong điều tra hình sự; quy định liên quan đến thủ trưởng, phó thủ trưởng, cơ quan điều tra, điều tra viên và cán bộ điều tra; quy định về chế độ chính sách với người làm công tác điều tra hình sự, bảo đảm biên chế, dào tạo bồi dưỡng trong công tác điều tra hình sự; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác điều tra hình sự; điều khoản thi hành. Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ, cụ thể và nâng cao hiệu quả của hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới. Luật chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2016.