Văn phòng Chủ tịch nước công bố 9 Luật và 2 Nghị quyết

Thứ Sáu, 18/12/2015, 12:15
Sáng 18-12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật và 2 Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua. Chủ trì buổi họp báo là đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước.

9 Luật được công bố gồm: Luật An toàn thông tin mạng; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật thống kê; Luật khí tượng thủy văn; Bộ luật hàng hải Việt Nam; Luật kế toán; Luật phí và lệ phí; Luật trưng cầu ý dân; Luật quân dân chuyên nghiệp.

2 Nghị quyết về việc phân chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức thương mại thế giới và Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội cũng được công bố trong sáng cùng ngày.

Đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo

Giới thiệu về Luật khí tượng thủy văn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Lộc cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm xây dựng và phát triển, toàn bộ hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam đã được điều chỉnh bằng Luật. Luật sẽ tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội có hiệu quả. Đặc biệt, Luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn bảo đảm công tác phụ vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Quang cảnh buổi họp báo.

Luật quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân và viên chức quốc phòng cũng quy định rất rõ về hạn tuổi phục vụ của QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng. Luật đã quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc hàm là: Cấp úy QNCN: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá QNCN, Trung tá QNCN: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá QNCN: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi. Riêng chức danh chiến đấu viên để đảm bảo đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ, Luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ là đủ 40 tuổi, khi hết hạn tuổi phục vụ thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Ngoài quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất, Luật còn quy định QNCN được phục vụ tại ngũ có thời hạn ít nhất là 6 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành QNCN hoặc phục vụ tại ngũ cho đến hết hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm và khi quân đội có nhu cầu, QNCN có phẩm chất chính trị, đạo đức trình độ, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi, sức khỏe tốt và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm.

Hạn tuổi cao nhất phục vụ trong quân đội của công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng được quy định phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Tuy nhiên, để phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội, Luật quy định điều kiện hưởng lương hưu đối với công nhân, viên chức quốc phòng trong trường hợp do thay đổi tổ chức biên chế mà quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng, nếu nam đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi, nữ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được nghỉ hưu.

Giới thiệu về Luật An toàn thông tin mạng, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Luật gồm 8 chương, 54 điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng…Tại chương II cũng quy định rất rõ việc bảo vệ thông tin cá nhân. Đó là quy định về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; thu thập và sử dụng thông tin cá nhân; cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân; bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng.

Luật trưng cầu ý dân gồm 8 Chương, 52 Điều là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Luật quy định cử tri trong trưng cầu ý dân cơ bản thống nhất như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Cụ thể là: “Công dân nước CHXHCN Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiểu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này”.

Phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân: “Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước”. Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định.

Luật trưng cầu ý dân quy định cơ quan giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân gồm: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật.

Chiều nay, Văn phòng Chủ tịch nước sẽ tiếp tục công bố Lệnh của Chủ tịch nước 7 Luật và 5 Nghị quyết.

Trần Hằng
.
.
.