Văn học nghệ thuật cần nâng tầm, đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn
- 74 tác phẩm đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2020
- Tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
- Văn học nghệ thuật, báo chí Quân đội góp phần giáo dục truyền thống cách mạng
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Cùng dự Đại hội có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, 261 đại biểu chính thức là cán bộ chủ chốt của 10 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, 63 Hội VHNT các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Đảng, Nhà nước biểu dương và cảm ơn về những cống hiến to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ, cũng như của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Đoàn Chủ tịch ra mắt Đại hội. Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, suốt 73 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, mà tiền thân là Hội Văn nghệ Việt Nam, đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, đội ngũ văn nghệ sĩ đã tự nguyện dấn thân nơi tuyến lửa, vượt mọi gian lao, thử thách, sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình để viết nên những bản hùng ca vượt thời gian, kịp thời cổ vũ, nhân lên sức mạnh của toàn dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kiến thiết đất nước.
Sau khi nước nhà thống nhất, cả nước tập trung xây dựng và phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới mái nhà chung của Liên hiệp, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, tâm huyết, đổi mới, sáng tạo, đã đóng góp quan trọng, góp phần từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước về VHNT. Bước vào thời kỳ đổi mới, VHNT Việt Nam đã thực hiện hành trình cách tân tràn đầy hứng khởi, sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng, khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ta...
Với những đóng góp to lớn đó, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các hội chuyên ngành đã vinh dự được tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, đặc biệt là Huân chương Sao Vàng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp. Hàng nghìn văn nghệ sĩ đã được trao các danh hiệu, giải thưởng quan trọng. Đó là sự thể hiện sự ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao của Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ văn nghệ sĩ.
Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, trong giai đoạn tới, tình hình trong nước và quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, khó lường, với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Với vai trò là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam trong tình hình mới, VHNT cần phải nâng tầm, đổi mới mạnh mẽ, phát huy sức mạnh đặc biệt của các loại hình VHNT, cũng như tiềm năng sáng tạo to lớn của đội ngũ hơn 40.000 văn nghệ sĩ để có một giai đoạn sáng tạo mới, cống hiến thêm nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng, giáo dục, nghệ thuật, ghi lại chân thực dấu ấn về giai đoạn phát triển quan trọng của đất nước.
Trong thời gian tới, nhất là giai đoạn 2020-2025, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Đồng thời, phải vừa bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình, vừa đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước nói chung, của đời sống VHNT nói riêng. Liên hiệp phải thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, dân chủ, là mái nhà chung ấm áp, thân tình của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước. Tổ chức Hội phải là nơi để mỗi văn nghệ sĩ gửi gắm tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm, đóng góp tài năng, sức lao động của mình, để tăng thêm cảm hứng và xung lực sáng tạo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm thường xuyên, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, hỗ trợ tối đa về điều kiện sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Các cơ quan hữu quan cần tăng cường phối hợp với Liên hiệp và các tổ chức thành viên rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách hiện hành, kịp thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đội ngũ cán bộ quản lý VHNT cần ý thức rõ trách nhiệm và tình cảm, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tính chất đặc thù của lĩnh vực này, để từ đó không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức Hội của Liên hiệp, tích cực hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm VHNT có giá trị đến với công chúng.
“Nhiệm vụ trong thời gian tới là vô cùng nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tôi luôn tin tưởng, với truyền thống vẻ vang của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, với bản lĩnh, tài năng, tâm huyết và khát vọng chung của giới văn nghệ sĩ nước nhà, chắc chắn nền VHNT sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và to lớn hơn nữa, có những “vụ mùa bội thu” với các tác phẩm lớn, có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Cũng tại Đại hội, các đại biểu cũng đã thông qua Báo cáo tổng kết công tác khoá IX và phương hướng khoá X của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; Thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Liên hiệp các hội VHNT khoá X. Thông qua kết quả hiệp thương Đại hội đã bầu ra 27 đại biểu tham gia Đoàn Chủ tịch khoá X (nhiệm kỳ 2020 – 2025), thông qua kết quả bầu 5 Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khóa X.
Cụ thể, 2 Phó Chủ tịch chuyên trách là NSND Vương Duy Biên và nhà nghiên cứu, TS Đoàn Thanh Nô. 3 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm là nhạc sĩ Nông Quốc Bình, NSND Trần Quốc Chiêm và PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.