Tự do hàng hải là mối quan tâm hàng đầu của EU và Canada

Thứ Ba, 17/11/2020, 18:50
An ninh an toàn, tự do hàng hải là quan tâm tối thượng của Châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) không muốn các hành động bất hợp pháp ở Biển Đông tạo tiền lệ xấu đối với các vùng biển gần Châu Âu như biển Arctic hay biển Azov. 


Đây là lời khẳng định của Chuẩn đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn cao cấp của Cơ quan đối ngoại EU khi được Ban tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 mời phát biểu. Chuẩn đô đốc Juergen Ehle cho biết EU đề cao tính phổ quát và nhất quán của Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), coi là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. EU cũng ủng hộ việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nếu kết quả thương lượng công bằng, hợp lý, trên cơ sở hài hoà lợi ích của tất cả các bên liên quan. 

Chuẩn đô đốc Juergen Ehle cho biết thêm, từ năm 2018, EU đã có chính sách chung về thúc đẩy hợp tác an ninh với các nước Châu Á, nhất là ASEAN, trong đó có hợp tác an ninh biển, và mong muốn sự hợp tác này ngày càng trở nên thực tiễn hơn. Các nước thành viên EU cũng đang tiến tới xây dựng một cách tiếp cận thống nhất về các vấn đề chiến lược đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Chuẩn đô đốc Juergen Ehle phát biểu trực tuyến tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan đã các bài diễn văn quan trọng nhấn mạnh rằng Canada là đối tác đối thoại của ASEAN trong hơn 40 năm qua, hết sức coi trọng vai trò của ASEAN trong các cơ chế đa phương ở khu vực. Canada đoàn kết nhất trí với ASEAN trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. 

Bộ trưởng Quốc phòng Harjit Sajjan nhấn mạnh, Canada kêu gọi tất cả các nước tuân thủ UNCLOS 1982; phản đối các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng khu vực và phá hoại sự ổn định ở Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực, cải tạo đảo trên diện rộng, xây dựng đồn bốt trên các điểm tranh chấp và sử dụng chúng cho các mục đích quân sự; thúc giục tất cả các bên tuân thủ cam kết phi quân sự hoá các điểm tranh chấp và các cam kết trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trông đợi một COC dựa trên luật pháp quốc tế và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các nước thứ ba.


H.Chi
.
.
.