Trưởng Ban Dân nguyện lý giải con số 70% vụ khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai

Thứ Tư, 21/06/2017, 18:33

Tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp Quốc hội chiều 21-6, phóng viên báo chí cũng đưa ra thông tin số vụ khiếu tại tố cáo liên quan đến đất đai chiếm khoảng 70% và đặt câu hỏi về mối quan tâm của Quốc hội về lĩnh vực này trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện nay chúng ta đang tiến hành cơ cấu lại ngành nông nghiệp, có một số vấn đề liên quan đến hạn điền, giải phóng mặt bằng. “Đối với việc sửa luật thì chúng ta phải có tổng kết, đánh giá tác động, sau đó mới báo cáo xin sửa. Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 chưa có Luật đất đai là vì chúng ta chưa có báo cáo tác động” – ông nói.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Tổng thư ký Quốc hội cũng nhấn mạnh, vấn đề đất đai rất quan trọng, chúng ta phải làm rất kỹ, cẩn trọng trong quá trình sửa. “Bây giờ nếu thấy quy mô hạn điền 2 ha còn nhỏ quá, phải mở rộng hơn nữa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất… thì Chính phủ sẽ có xem xét, tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội. Sau khi thấy đủ điều kiện rồi Quốc hội mới xem xét”.

Về vấn đề khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải tham dự họp báo cho rằng, thực tế việc xử lý khiếu nại tố cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giao cho Ban Dân nguyện. Ban Dân nguyện đã tiến hành giám sát lĩnh vực này trong vòng một năm nay, và kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV cuối năm sẽ có báo cáo thường kỳ.

Theo bà, suốt đầu năm đến giờ qua giám sát ở một số địa phương, khoảng 70-75% vụ khiếu nại tố cáo có liên quan đến đất đai, kể cả trong báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ trong phiên chất vấn vừa qua cũng nói về vấn đề này.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Giải thích về con số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, Trưởng Ban Dân nguyện nêu 3 nguyên nhân: “Công tác tiếp công dân và đối thoại với công dân khi có những vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai chưa được thực hiện một cách đầy đủ, chu đáo. Việc giải quyết theo trình tự, thủ tục của quy định pháp luật về đất đai còn có những hạn chế. Và những văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực đất đai cần có sự tổng kết, đánh giá”.

Bà Hải cũng cho rằng, trong phiên thảo luận về chương trình giám sát năm 2018 của UBTVQH thì có nêu lên vấn đề cần giám sát việc xử lý khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai hay không. Qua rà soát thì năm 2013 UBTVQH đã có giám sát về vấn đề này.

“Tới đây, căn cứ kiến nghị của cử tri và báo cáo tiếp theo chúng tôi đang hoàn thiện gửi kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, nếu thấy vấn đề này cần tiến hành giám sát, cũng như đề xuất của Chính phủ về việc tổng kết Luật đất đai thì Ban Dân nguyện sẽ trình UBTVQH xem xét, quyết định vấn đề này” – bà cho hay.

Quỳnh Vinh
.
.
.