Thủ tướng: Kiên quyết xử lý người lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh, trật tự

Thứ Sáu, 07/10/2016, 21:20
“Thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo của công dân nhưng mặt khác kiên quyết xử lý những người lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh, trật tự, xúc phạm, chống người thi hành công vụ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của công dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.


Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chiều nay, 7-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Đó là một số địa phương chưa thực sự quan tâm, dành thời gian thoả đáng cho việc tiếp công dân, nhiều cán bộ ngại đối thoại trực tiếp với dân. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm trễ, kéo dài, dẫn đến người dân phải chờ đợi lâu, hồ sơ chuyển lòng vòng, gây bức xúc, khiếu kiện vượt cấp. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Có những vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không đúng với chính sách pháp luật, không thực tế, không hợp tình, hợp lý. Còn tình trạng cán bộ nể nang nhau, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Sự phối hợp giữa Trung ương, các bộ ngành và địa phương chưa chặt chẽ, nhất là trong những vụ việc phức tạp, kéo dài…

Dẫn ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Thủ tướng cho rằng trước hết là việc thu hồi đất không đúng trình tự, thẩm quyền, thiếu mich bạch, công bằng. 

“Ví dụ một tỉnh Bắc Miền Trung làm dự án không thông báo cho dân, bắt dân nhận tiền đền bù rồi ào ào thu hồi đất nhưng giá đền bù thấp… Như thế có đúng quy trình không? Phải quan tâm đến dân. Không hy sinh môi trường, không hy sinh quyền lợi của dân để làm kinh tế nhưng đền bù phải hợp lý, nơi tái định cư phải đủ điều kiện tối thiểu cho người dân”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật bộc lộ bất cập, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo chưa được quan tâm đúng mức. Có trường hợp cán bộ tham ô, tham nhũng trong quá trình giải phóng mặt bằng, lấy tiền đền bù của dân. 

Ngoài ra, nhận thức pháp luật từ phía người tố cáo còn hạn chế nên đưa ra những yêu cầu trái quy định pháp luật. Có tình trạng các phòng tiếp dân của Trung ương và địa phương bị các phần tử xấu kích động, xúi giục, hành hung cán bộ tiếp dân.

 “Chẳng hạn thời gian quan nổi lên vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, người dân bị nhiều đối tượng kích động, lôi kéo nói xấu chế độ. Kẻ địch cũng trà trộn vào đây nữa, cần phải xử lý nghiêm”, Thủ tướng nêu.

Toàn cảnh hội nghị

Thủ tướng đề nghị các cơ quan, cá nhân công chức phải sát dân, lắng nghe dân, quan tâm lợi ích chính đáng của người dân. Không phải chỉ trên phương diện lý luận mà phải bằng thực tiễn hành động của mỗi cấp uỷ, chính quyền, nhất là liên quan đến đất đai, quyền lợi của người dân. 

Đối với hệ thống tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần đặt mình vào vị thế của người dân để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Thủ tướng yêu cầu cả bộ máy vào cuộc theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Chủ động, cương quyết, sâu sát, quyết liệt đến nơi đến chốn, đừng để “nước đến chân mới nhảy, mất bò mới lo làm chuồng”. 

“Các cấp đều phải có bộ phận tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bằng tinh thần trách nhiệm cao, bằng tình cảm cách mạng, có lý có tình”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu khi để xảy ra vụ việc khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp kéo dài. Chú trọng đảm bảo tốt an ninh, trật tự trong công tác khiếu nại, tố cáo. 

Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành

“Thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo của công dân nhưng mặt khác kiên quyết xử lý những người lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh, trật tự, xúc phạm, chống người thi hành công vụ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của công dân”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp nắm chắc tình hình nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo người khiếu nại, tố cáo. 

Có biện pháp xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng khiếu nại tố cáo để vi phạm pháp luật, kiên quyết xử lý những người cầm đầu vận động, xúi giục khiếu kiện trái pháp luật, kích động quần chúng, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

“Sau hội nghị này chúng ta mở đợt rà soát, coi như một đợt tấn công cao điểm giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo đông người từ Trung ương đến địa phương. Chúng ta không ngại việc cũ, không ngại va chạm, nhìn thẳng vào sự thật để chấm dứt khiếu kiện đông người”, Thủ tướng kết luận.

Quỳnh Vinh
.
.
.