Triển khai nhanh và có cơ chế hậu kiểm gói 26 nghìn tỷ đồng

Chủ Nhật, 25/07/2021, 12:30
Cả hệ thống chính trị, nhân dân, cử tri cả nước cần đồng hành, đồng lòng chung tay phòng, chống dịch bệnh, trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần thực hiện các biện pháp mạnh hơn nữa, trong đó có thể có những biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của luật hiện hành.


Có thể có những biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của luật

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 25/7 tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng từ cuối tháng 4 đến nay, người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch bệnh COVID – 19 nên thời gian tới, điều quan trọng là phải tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch COVID -19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định tới sự ổn định và phục hồi kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang.

 “Cả hệ thống chính trị, nhân dân, cử tri cả nước cần đồng hành, đồng lòng chung tay phòng, chống dịch bệnh, trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần thực hiện các biện pháp mạnh hơn nữa, trong đó có thể có những biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của luật hiện hành” – đại biểu kiến nghị và cho biết, để tạo thế chủ động linh hoạt, tôi cho rằng việc Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp mà pháp luật quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, một đại dịch chưa từng có trên thế giới là rất cần thiết và cần được thực hiện ngay tại kỳ họp này 

Triển khai gói cứu trợ 26 nghìn tỷ cần khẩn trương và có cơ chế hậu kiểm

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cử tri đồng tình với sự đổi mới của Chính phủ trong việc xây dựng gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng “trên tinh thần hết sức thông thoáng”, rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ được thực hiện chưa kịp thời, và chỉ thực hiện được 36% tổng mức dự kiến.

Ở gói cứu trợ thứ hai này, đại biểu cho rằng, khẩn trương là cần thiết nhưng nhất định phải đúng đối tượng, không phô trương, không hình thức và cần cân nhắc việc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói cứu trợ.

Theo đại biểu của Hà Nội, không như một số lĩnh vực như thuế hải quan, khi áp dụng cơ chế hậu kiểm, trường hợp kê khai không đúng sẽ truy thu xuất toán. Nhưng đối với gói cứu trợ thì khác, khi kê khai, người dân chỉ biết nộp hồ sơ và việc xác nhận tính đúng đắn là trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan công quyền trong thi hành công vụ. Khi đã xuất tiền cho người dân thì mặc nhiên là công nhận tính đúng đắn. 

Nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ là thể hiện tính nhân văn cao cả, là hình ảnh Chính phủ đưa tay để cùng người dân đi qua khó khăn, do vậy đại biểu cho rằng “việc hành xử cũng cần hết sức nhân văn”.

Làm sao để hoạt động xét xử, giam giữ phù hợp 

Nhất trí về các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho 6 tháng cuối năm mà Chính phủ đề ra, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm một số vấn đề trong đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn kéo dài vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, việc ứng phó với dịch bệnh không thể ngắn hạn, cần phải có các giải pháp lâu dài khi COVID-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất và phải có chiến lược sống chung với dịch bệnh này, hướng tới trạng thái bình thường mới.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm.

Đó là cần có các kịch bản cụ thể để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong điều kiện dịch bệnh, trong đó chú trọng đến các cơ quan hoạt động có tính chất đặc thù như Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt đối với Tòa án, Viện kiểm sát, Công an làm sao để hoạt động xét xử giam giữ tiến hành phù hợp không để tồn đọng án và vẫn phòng ngừa được dịch bệnh.

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh một trong hai hoạt động chủ yếu để thực hiện mục tiêu kép, đại biểu cho rằng, bên cạnh các vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, bảo đảm chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gãy trong trường hợp xảy ra tại các khu công nghiệp thì cũng cần quan tâm đến quyền của người lao động trong khu công nghiệp bị cách ly để họ được bảo đảm quyền lợi về ăn nghỉ, vui chơi, giải trí, đời sống gia đình.

Về nguồn lực tài chính cho công tác phục vụ dịch bệnh, cần đảm bảo nguồn lực lâu dài cho công tác phòng chống đại dịch khi nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn, phải huy động đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp và Quỹ vaccine, các cơ quan nhà nước cần hết sức tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí để tạo nguồn kinh phí.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đã có 14,4 triệu người thụ hưởng hỗ trợ, trong đó tiền mặt là 13.000 tỷ. 

Qua 15 ngày triển khai Nghị quyết 68, Quyết định 23, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch chủ trương, triển khai giải pháp. Tính đến ngày hôm qua, 24/7, nhóm chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã chi trả cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động số tiền 4.300 tỷ đồng với tổng cộng 11 triệu người thụ hưởng. Như vậy, nhóm chính sách này đã hoàn thành mục tiêu trong thời gian ngắn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cả nước đã hỗ trợ 168,8 nghìn tỷ đồng với các đối tượng. Riêng việc thực hiện Nghị quyết 42, gói 62.000 tỷ triển khai trong điều kiện chưa có tiền lệ, trong thời gian gấp gáp. Tuy kết quả sau cùng chưa được như mong muốn nhưng theo Bộ trưởng, cả nước đã hỗ trợ 39.000 tỷ cho 14,4 triệu người thụ hưởng, trong đó tiền mặt là 13.000 tỷ. 

Trình bày về chính sách áp dụng hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Chính phủ đã sớm chỉ đạo Bộ Lao động tham mưu xây dựng để kịp thời ban hành Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng. Việc triển khai thực hiện đến nay, sau 15 ngày cho thấy, việc ban hành 12 chính sách hỗ trợ là đúng, trúng đối tượng, thông thoáng về thủ tục hồ sơ. Cụ thể, các quy định đã giảm 1/2 thủ tục, 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42, các đối tượng đã tiếp cận chính sách một cách thông thoáng, dễ dàng hơn nhiều.

Bộ trưởng dẫn chứng, có những chính sách thậm chí còn không yêu cầu người lao động, sử dụng lao động cung cấp hồ sơ khi cơ quan chức năng đã có dữ liệu quản lý.

Cụ thể, qua 15 ngày triển khai Nghị quyết 68, Quyết định 23, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch chủ trương, triển khai giải pháp. Tính đến ngày hôm qua, 24/7, nhóm chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã chi trả cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động số tiền 4.300 tỷ đồng với tổng cộng 11 triệu người thụ hưởng. Như vậy, nhóm chính sách này đã hoàn thành mục tiêu trong thời gian ngắn.

Nhóm chính sách khác, nhà nước đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả những người lao động là F0 phải điều trị, những F1 phải cách ly tập trung. Ngoài ra, 52.000 người bị tạm dừng lao động, dừng việc không hưởng lương đã được hỗ trợ. 5.500 hộ sản xuất kinh doanh cũng đã được nhận tiền. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng báo cáo thêm việc thực hiện Nghị quyết 134 Quốc hội về hỗ trợ Tổng công ty Hàng không. Theo báo cáo sáng nay của Ngân hàng nhà nước, ngân hàng đã ký 4.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho doanh nghiệp, đã thống nhất bước đầu 2.000 tỷ và giải ngân được 600 tỷ trong số này, 1.400 tỷ sang tuần sẽ giải ngân nốt.

Về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng, tức nhóm lao động tự do, đối tượng được xác định là bị ảnh hưởng sớm nhất, sâu nhất vì dịch bệnh nhưng cũng là khu vực khó triển khai chính sách nhất, theo Bộ trưởng, Chính phủ đã chỉ đạo để thực hiện linh hoạt, phân quyền mạnh cho địa phương để cơ sở giải quyết thật nhanh. Theo đó, riêng với nhóm người bán vé số, từ Đã Nẵng đến Cà Mau, hàng trăm nghìn người đến nay đã nhận được tiền hỗ trợ.

Phương Thuỷ
.
.
.