Các đại biểu Quốc hội hiến kế phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế

Chủ Nhật, 25/07/2021, 11:15
Việt Nam áp dụng rất sớm đưa lực lượng Quân đội, Công an vào chống dịch. Hình ảnh những chiến sỹ áo xanh ngày đêm bám chốt, canh gác nghiêm ngặt từng mét biên cương để chặn nguồn lây. Công an các cấp đã siết chặt quản lý địa bản để bảo đảm nghiêm quy định chống dịch. 

Ngày 25/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới).

Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Nội dung làm việc này được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi. 

5 vấn đề nổi lên trong công tác phòng, chống dịch. 

Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) thì cần quyết liệt phòng chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan. Thời gian qua có những địa phương đã có những cách làm rất sáng tạo, khoa học, trên cơ sở nắm bắt tình hình đã đưa ra những biện pháp phù hợp, hạn chế tối đa đến phát triển kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 

Có những địa phương còn áp dụng các biện pháp “đón đầu dịch” như tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên, sáng tạo ra xét nghiệm mẫu gộp, từ đó không để mất “giờ vàng” trong chống dịch. 

"Tuy nhiên cũng xuất hiện văn bản của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng các biện pháp thái quá gây khó khăn cho người dân, hoạt động của doanh nghiệp. Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định….”- đại biểu cho biết và nhấn mạnh, cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ.

Đại biểu cũng cho biết, người dân đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo vấn đề này, Thủ tướng cũng giao trực tiếp cho từng bộ trưởng phải rà soát, xử lý tình hình. Việc xử lý nghiêm các trường hợp vừa qua đã khắc phục tâm lý coi thường, nhờn các quy định trong phòng chống dịch. 

Nhiều hành vi vi phạm, kể cả khai báo y tế không trung thực đã được xử lý nghiêm trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Có nhiều biện pháp chế tài được đặt ra, bao gồm cả xử lý kỷ luật Đảng và công vụ như vụ cách chức Bí thư đảng uỷ, Giám đốc Hacinco tại Hà Nội hay rút khỏi danh sách ứng cử HĐND tại Hà Nam. Thậm chí là khởi tố hình sự nhiều vụ án làm lây lan dịch ra cộng đồng. 

Thái độ dứt khoát cùng biện pháp mạnh đã có tác dụng răn đe. Ghi nhận tại các trạm y tế xã phường cho thấy số lượng người đến khai báo y tế gia tăng rất mạnh. Đồng thời đã khắc phục việc khai báo qua quýt hoặc thiếu trung thực như trước đây vì sợ phải đối diện với các chế tài xử lý. 

Thứ 3, đại biểu đánh giá cao việc không công khai lịch trình của bệnh nhân đã nhận được sự hợp tác rất tích cực của người bệnh, an tâm cung cấp thông tin để từ đó truy vết kịp thời cũng như bảo vệ quyền riêng tư của họ, tránh tổn thương cho người bệnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ đánh giá vấn đề thứ 4 đó là sự chấp nhận gian khổ, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự sẻ chia chi viện của các địa phương. Việt Nam áp dụng rất sớm đưa lực lượng Quân đội, Công an vào chống dịch. 

Hình ảnh những chiến sỹ áo xanh ngày đêm bám chốt, canh gác nghiêm ngặt từng mét biên cương để chặn nguồn lây, tận tuỵ chăm lo cho bà con khu cách ly càng thấy được sự hy sinh thầm lặng của bộ đội ta. Còn Công an các cấp đã siết chặt quản lý địa bản để bảo đảm nghiêm quy định chống dịch. Hàng chục nghìn nhân viên y tế đã, đang phải gồng mình suốt thời gian chống dịch, thậm chí còn ngủ gục bên hộp cơm đang ăn dở.

"Sự sẻ chia, chi viện kịp thời giữa các địa phương giúp cho những tỉnh có dịch bớt đi nhiều phần khó khăn. Đặc biệt, chúng ta đã có một ban chỉ đạo quốc gia rất giỏi và giàu kinh nghiệm. tất cả những điều đó đã tạo thành tấm lá chắn vững chắc cho người dân”- đại biểu cho biết.

Vấn đề thứ 5 đại biểu đánh giá cao đó bài học huy động sức dân trong phòng chống dịch, phong trào tương thân tương ái, đóng góp cho phòng chống dịch lại nở rộ ở khắp nơi. Không chỉ chung tay đóng góp về vật chất mà còn cả sự chung tay, đồng lòng của người dân trong việc chấp hành 5K suốt hơn một năm qua. COVID đã thực sự trở thành phép thử đối với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm công dân. 

Đại biểu kiến nghị Chính phủ giao các bộ hữu quan triển khai phần mềm thống kê liên thông để giúp cho việc rà soát chính xác, nhanh chóng các đối tượng thụ hưởng, đồng thời tránh việc bỏ sót, trùng lắp hoặc tiêu cực có thể xảy ra. 

Hai là kiến nghị Chính phủ giao các bộ hữu quan rà soát, đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để có những giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Đề nghị dùng 1 luật để sửa các quy định gây khó khăn cho hồi phục kinh tế  

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh đã bào mòn cả sức khoẻ của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân. 

“Khó khăn, thách thức đang bủa vây. Dư địa của 2 chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều, trong khi chính sách cơ cấu chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại để triển khai theo tiến độ dự tính”- đại biểu cho biết và nhắc đến ngân quỹ nhà nước bị ứ đọng không đưa được vào nền kinh tế.

Số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng tồn cao tới cỡ tương đương 26 tỉ Đô la Mỹ, thì Kho bạc Nhà nước vẫn trong tình trạng đạt tỉ lệ hoàn thành kế hoạch huy động vốn cho Ngân sách năm 2021 ở mức thấp, dù điều kiện thị trường cả trong nước lẫn quốc tế đang còn thuận lợi. 

Đại biểu Hà Sỹ Đồng.

Với chính sách tiền tệ, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, việc dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào những kênh thu hút vốn khác ngoài ngân hàng, là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm liên kết, bảo hiểm đầu tư, quỹ hưu trí, … của các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư... đang gây ra những méo mó, sai lệnh, mất cân bằng tài chính. 

Đã có những cảnh báo từ các cơ quan nhà nước hữu trách. Tuy nhiên, vai trò và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc hóa giải rủi ro thị trường tài chính-tiền tệ là rất lớn. Áp lực nợ xấu ngân hàng đang gia tăng nhanh, đúng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu. 

“Dù trong bất cứ hoàn cành nào thì xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế vẫn là công việc vô cùng quan trọng của Quốc hội. Trước kỳ họp này các đia phương đã tiến hành rà soát tình hình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tổng hợp báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Tôi cho rằng, với bối cảnh đặc biệt hiện nay, ngay từ kỳ họp thứ hai Quốc hội có thể dùng 1 luật để sửa các quy định đang gây khó khăn cho công cuộc hồi phục kinh tế sau đại dịch. Và việc đó cần được chuẩn bị từ bây giờ, với sự vào cuộc của tất cả đại biểu Quốc hội chứ không chỉ của riêng Chính phủ” – đại biểu nhấn mạnh.


Thu Thuỷ
.
.
.