“Trại giam của Việt Nam được tổ chức quá tốt”
Lần đầu tiên, Bộ Công an Việt Nam tổ chức cho Đoàn phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam đến một trại giam để tận mắt thấy tai nghe về các điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập, cải tạo, đồng thời có thể trực tiếp trò chuyện, hỏi han số phạm nhân người nước ngoài hoặc có quốc tịch nước ngoài đang được quản lý, giáo dục, cải tạo tại đây…
- Hội nghị gia đình phạm nhân năm 2019 tại Trại giam Xuyên Mộc
- Chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam
- Ấm áp tình thân trong bữa cơm gia đình tại Trại giam Hoàng Tiến
- Đặc sắc Hội diễn nghệ thuật của Cục Cảnh sát Quản lí trại giam
Ngày 4-12, Bộ Công an Việt Nam tổ chức cho Đoàn phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam đến Trại giam Thủ Đức (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng – Bộ Công an, đóng tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) tuyên truyền về đảm bảo quyền của phạm nhân ở Việt Nam.
Buổi làm việc và trả lời phỏng vấn của các phóng viên nước ngoài. |
Đại tá Lê Bá Thụy, Giám thị Trại giam Thủ Đức, báo cáo tóm tắt về một số thông tin về quá trình hình thành và hoạt động của Trại giam Thủ Đức. Theo đó, trại được thành lập vào tháng 4-1976, quy mô giam giữ từ 6.000 đến 6.500 phạm nhân, số phạm nhân vào trại thường có mức án cao,
Đây là trại giam có quy mô lớn nhất trong hệ thống trại giam của Việt Nam. Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an giao phó trong nhiệm vụ giáo dục và cải tạo phạm nhân. Đơn vị hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và ba cá nhân là lãnh đạo đơn vị trong các thời kỳ cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Các phóng viên nước ngoài trực tiếp chứng kiến cảnh lao động của phạm nhân. |
Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng – Bộ Công an, cho biết thêm hiện nay ở khu vực phía Nam, Trại giam Thủ Đức là một trong số trại giam được giao trách nhiệm giam giữ, giáo dục và cải tạo số phạm nhân nước ngoài hoặc có quốc tịch nước ngoài. Ở đây chủ yếu là số phạm nhân nam, còn số phạm nhân nữ người nước ngoài hoặc có quốc tịch nước ngoài hiện đang được quản lý tại Trại giam Long Hòa (Long An).
Nhưng vào cuối năm nay, Bộ Công an sẽ có quyết định đưa số phạm nhân nữ này về Trại giam Thủ Đức. “Việc này nhằm tạo thuận lợi trong công tác giam giữ, giáo dục và cải tạo; đồng thời cũng tạo thuận lợi cho việc thăm hỏi của đại diện các Tổng lãnh sự các nước đến thăm phạm nhân là người của nước họ”, Trung tướng Hồ Thanh Đình cho biết.
Cũng theo Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng – Bộ Công an, số phạm nhân nói chung khi được đưa đến trại giam, các trại sẽ thực hiện ba bước học tập: học về pháp luật, giáo dục về công dân và giáo dục về các chương trình giáo dục khung theo Bộ Công an quy định. Tiếp đó là giai đoạn tổ chức hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân. Sau quá trình học nghề sẽ tổ chức cho phạm nhân thực hành, lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất…
Đoàn phóng viên nước ngoài với lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng – Bộ Công an và Trại giam Thủ Đức. |
Hiện các trại giam của Việt Nam thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho phạm nhân đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; các biện pháp giáo dục phạm nhân luôn đề cao tính nhân văn, thượng tôn pháp luật.
Về chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh của phạm nhân luôn được đảm bảo theo tiêu chuẩn định lượng nhằm đảm bảo sức khỏe trong quá trình giam giữ, lao động, học tập tại nơi chấp hành án. Các phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng phải được nghỉ các ngày thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật.
Đối với công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác thi hành án phạt tù tại các trại giam. Nhiệm vụ chủ yếu của công tác giáo dục cải tạo là nhằm làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống theo hướng tích cực và giúp họ sớm trở thành người có ích cho xã hội.
Công tác dạy nghề đã góp phần quan trọng và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Thông qua lao động, phạm nhân có những thay đổi về nhận thức, có tiến bộ trong quá trình cải tạo. Điều quan trọng là tạo cho phạm nhân có nghề nghiệp để sau đó về xã hội có thể xin việc, có công ăn việc làm. Thực tế những phạm nhân được các cơ sở, doanh nghiệp nhận vào làm việc, có thu nhập, đảm bảo được cuộc sống.
Phạm nhân Gomez, quốc tịch Malaysia. |
Đặc biệt, phạm nhân người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Việt cũng được trại tổ chức dạy tiếng Việt cho các phạm nhân này. Hiện Trại giam Thủ Đức cũng đang tổ chức dạy tiếng Việt cho phạm nhân nước ngoài.
Trước các thắc mắc của các phóng viên nước ngoài về việc ăn uống của phạm nhân và môi trường tại trại giam, Trung tướng Hồ Thanh Đình giải thích rằng hiện nay phạm nhân được sử dụng hệ thống nước sạch được lọc qua hệ thống máy lọc để uống, nấu ăn. Hệ thống xử lý chất thải cũng được lắp đặt để hoạt động hiệu quả, tránh việc ô nhiễm môi trường.
“Nếu môi trường tại trại giam không tốt thì có thể ảnh hưởng không chỉ đến phạm nhân mà còn ảnh hưởng đến cả lực lượng cán bộ đang làm nhiệm vụ tại đây. Đó là chưa kể phải tính đến cả đến sự an toàn của người dân sống xung quanh khu vực trại giam”, Trung tướng Hồ Thanh Đình lý giải.
Còn về điều kiện chăm sóc y tế cho phạm nhân, các phạm nhân ốm đau, bệnh tật đều được hệ thống bệnh xá ở trại giam thăm khám, chăm sóc ban đầu; sau đó nếu bệnh nặng có thể đưa lên tuyến trên chữa trị.
Hàng năm, các trại giam đều tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân, người thân phạm nhân được mời tới để nghe quá trình học tập, chấp hành cải tạo của con em họ trong năm; đồng thời cũng mời họ vào xem trực tiếp điều kiện ăn ở, sinh hoạt của con em họ trong trại. Qua đó, hầu hết thân nhân phạm nhân đều đồng ý điều kiện ăn ở của con em họ trong trại có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, các trại giam còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cho phạm nhân vui chơi, giải trí, tăng sức khỏe cho bản thân, giúp họ thêm động lực cải tạo, học tập sớm được giảm án, tha tù trước thời hạn…
Sau khi cung cấp nhiều thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách và các nội dung về quá trình cải tạo, giáo dục phạm nhân tại Việt Nam nói chung và Trại giam Thủ Đức nói riêng, lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng – Bộ Công an và Trại giam Thủ Đức đã trực tiếp đưa và hướng dẫn đoàn phóng viên nước ngoài đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập lao động và chăm sóc y tế của phạm nhân tại Khu giam giữ phạm nhân quốc tịch nước ngoài tại Phân trại 1 của Trại giam Thủ Đức.
Các phóng viên nước ngoài đã tận mắt chứng kiến điều kiện ăn ở của phạm nhân nước ngoài khi mỗi phòng đều có ti vi, sách báo để phạm nhân xem, giải trí. Các phạm nhân cũng giữ gìn đồ dùng cá nhân và chỗ ngủ nghỉ rất sạch sẽ, thoáng mát.
Hiện tại số phạm nhân nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài Trại giam Thủ Đức đang quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo 151 phạm nhân với các tội danh chủ yếu như Buôn bán trái phép chất ma túy, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Tại đây, các phóng viên nước ngoài cũng đã trò chuyện trực tiếp với một số phạm nhân để hỏi thăm về tình hình ăn ở, sinh hoạt và học tập của họ. Tất cả các phạm nhân người nước ngoài đều bày tỏ sự thoải mái, vui vẻ khi thi hành án tại đây. Họ cho biết được chăm sóc, cải tạo, lao động học tập trong điều kiện rất tốt, sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ thoáng mát. Cán bộ trại hết lòng với phạm nhân.
Phạm nhân Gomez, quốc tịch Malaysia (52 tuổi) mang án Chung thân vì tội Mua bán trái phép chất ma túy đã thi hành án tại Trại giam Thủ Đức 19 năm qua, cho biết chỉ còn 16 tháng nữa sẽ được tha tù. Đáng nói, trong thời gian thi hành án tại đây, ông đã tự học và nói nghe được tiếng Việt một cách thành thạo.
“Các cán bộ trại luôn tỏ ra rất ôn hòa, vui vẻ với phạm nhân. Các anh ấy luôn hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ bảo cho chúng tôi cặn kẽ, giúp đỡ chúng tôi trong quá trình cải tạo, học tập. Phải nói rằng điều kiện ăn ở sinh hoạt tại đây rất tốt khiến chúng tôi cũng an lòng”.
Còn phạm nhân Alexsander (người Nga) cho biết anh đã thi hành án được 4 năm trong tổng mức án 10 năm vì tội Mua bán trái phép chất ma túy. Hiện anh đang tích cực học tiếng Việt để có thể hiểu hơn về Việt Nam và có thể chấp hành tốt hơn hướng dẫn của cán bộ với phạm nhân. “Chỉ còn mấy tháng nữa – ngày 27-4-2020, tôi sẽ hết án được trở về nước. Tôi đang cảm thấy rất vui vì điều này”, phạm nhân người Nga vui vẻ cho biết.
Cùng ý kiến, phạm nhân John Nguyễn (63 tuổi, quốc tịch Mỹ) cũng phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy và đang thi hành án Chung thân. Ông chia sẻ rằng mình đã thi hành án gần 20 năm nay. Điều kiện sinh hoạt ăn ở của trại đều rất tốt, cán bộ trại giam đối xử với ông nhẹ nhàng, ôn tồn nên ông rất yên tâm cải tạo.
Phóng viên Chiristipher Michael Humphrey, làm việc cho hãng DPA – Đức. |
Về phía các phóng viên nước ngoài, anh Chiristipher Michael Humphrey (làm việc cho hãng DPA – Đức), chia sẻ rằng đây là chuyến đi rất tốt, và là hướng đi đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, tạo sự cởi mở và sự minh bạch để nước ngoài có thể nhìn nhận đúng thực tế của Việt Nam.
“Bản thân tôi được vào trại thăm và trực tiếp tiếp xúc với phạm nhân, cảm thấy rất thích thú vì được nghe một số phạm nhân cho biết họ được đối xử rất tốt, thậm chí tốt hơn cả phạm nhân Việt Nam. Tôi cũng đã được phỏng vấn Trung tướng Hồ Thanh Đình và cảm thấy rất thú vị vì ông đã cung cấp thông tin rất đầy đủ...”, anh Chiristipher Michael Humphrey cho hay.
Trung tướng Hồ Thanh Đình trao đổi với phóng viên Yuri Denisovich. |
Phóng viên Yuri Denisovich (người Nga, làm việc cho hãng Itar Tass - Nga) cũng cùng ý kiến và cho rằng chuyến đi này rất hay và lợi ích cho phóng viên hiểu thêm về tình hình đảm bảo các quyền cho phạm nhân nước ngoài.
Chuyến thăm Trại giam Thủ Đức của đoàn phóng viên nước ngoài thực tế rất cởi mở và đúng quy định pháp luật. Trung tướng Hồ Thanh Đình nhấn mạnh: “Mục đích của việc tổ chức cho các phóng viên nước ngoài đến thăm trại giam là nhằm cho họ thấy thực tế được việc thực hiện các chế độ chính sách giam giữ, giáo dục cải tạo những người phạm tội nước ngoài, các điều kiện sinh hoạt và cuộc sống của họ trong trại giam rất tốt và đúng quy định pháp luật. Chúng tôi muốn tổ chức cho các phóng viên đến để trực tiếp chứng kiến giúp cho họ thấy trại giam được tổ chức rất tốt, để phản bác lại một số thông tin không đúng thực tế trong việc đối xử, giam giữ, không quan tâm tới các vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe hoặc điều kiện môi trường nơi trại giam không đảm bảo”.