Tiêu chuẩn khắt khe đối với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền

Thứ Ba, 21/11/2017, 20:56
Với 90,84% đại biểu tán thành, chiều 21-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. 

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chính lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. 

Theo báo cáo, qua tổng kết thi hành Luật Cơ quan đại diện phần lớn các quy định của Luật vẫn bảo đảm phù hợp. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện lần này tập trung vào việc thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, bổ sung nhiệm vụ về thông tin đối ngoại mà cơ quan đại diện đang thực hiện nhưng chưa được Luật quy định, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh phí, đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cơ quan đại diện và bổ sung một số chế độ, chính sách cho thành viên cơ quan đại diện để phù hợp với tình hình thực tế.

Về phạm vi đối tượng điều chỉnh, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với một số văn phòng đại diện ở nước ngoài của các Bộ, cơ quan báo chí, tuy nhiên Văn phòng đại diện ở nước ngoài của các bộ, cơ quan báo chí ở nước ngoài không thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện, không được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao. 

Nhằm thống nhất quản lý và tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại của các cơ quan này, Luật Cơ quan đại diện quy định các văn phòng đại diện chịu sự chỉ đạo thống nhất về hoạt động đối ngoại của cơ quan đại diện.

Về việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện, để có thể thực hiện và quyết định nhanh chóng, kịp thời, chủ động, không bỏ lỡ cơ hội, cần có quy định cho phép áp dụng quy trình, thủ tục rút gọn đối với một số dự án trong trường hợp cần thiết, dự thảo Luật quy định trình tự, thủ tục rút gọn được áp dụng đối với quy trình xét duyệt, quyết định chủ trương đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết, chặt chẽ đảm bảo triển khai thuận lợi, kịp thời.

Về tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện và tiêu chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung tiêu chuẩn am hiểu pháp luật, kể cả đối với các cán bộ biệt phái, tiêu chuẩn về quan điểm, tư tưởng chính trị vững vàng, tiêu chuẩn về kinh nghiệm hoạt động đối ngoại; quy định rõ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, ngoại ngữ, kinh nghiệm và quy định tiêu chuẩn phù hợp với địa bàn công tác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đề án tổng thể của Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cần phải quy định chi tiết các tiêu chuẩn này phù hợp với địa bàn, lĩnh vực công tác và vị trí, chức vụ ngoại giao, chức vụ lãnh sự của thành viên cơ quan đại diện.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cơ quan đại diện (sửa đổi).

Giải trình ý kiến đề nghị người được bổ nhiệm Đại sứ phải giữ chức vụ từ Vụ trưởng trở lên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, tiêu chuẩn Đại sứ từ cấp Phó Vụ trưởng hoặc tương đương trở lên phù hợp với yêu cầu đối ngoại và thực tiễn bổ nhiệm Đại sứ. 

Đối với một số nước lớn, nước đối tác chiến lược, người được tiến cử thường là Thứ trưởng, Vụ trưởng nhưng phần lớn người được tiến cử Đại sứ ở các nước khác thường giữ chức vụ Phó Vụ trưởng hoặc tương đương do mức độ quan hệ chính trị, quy mô của cơ quan đại diện và quan hệ đối đẳng có đi có lại trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với quốc gia tiếp nhận. 

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ từ cấp Phó Vụ trưởng trở lên.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể các trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ không còn đủ tuổi đảm nhiệm trọn một nhiệm kỳ công tác để tránh bổ nhiệm tràn lan, phụ thuộc vào ý chí chủ quan, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trong trường hợp đặc biệt về độ tuổi, căn cứ yêu cầu công tác đối ngoại, căn cứ địa bàn công tác, năng lực, uy tín cá nhân của cán bộ. 

Trên cơ sở quy định của Luật, Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để phù hợp với Điều 187 Bộ luật Lao động.

Về chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu rõ, nhằm tạo điều kiện để thành viên cơ quan đại diện yên tâm, cống hiến cho công tác đối ngoại, dự thảo Luật bổ sung một số chế độ bảo đảm chi phí đi lại trong trường hợp cha, mẹ của thành viên cơ quan đại diện, cha, mẹ của vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng, con chết trong nhiệm kỳ công tác và hỗ trợ một phần học phí tại quốc gia sở tại và chi phí bảo hiểm khám, chữa bệnh cho con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện. 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp, khả thi với điều kiện kinh tế - xã hội và cân đối ngân sách của nước ta. 

Đồng thời, trong điều kiện ngân sách chưa cho phép, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chưa bổ sung chế độ hỗ trợ chi phí đi lại để nghỉ phép cho thành viên cơ quan đại diện trong lần sửa đổi, bổ sung này.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.

Thu Thuỷ
.
.
.