Thúc đẩy phát triển thương mại trong thời gian cuối năm

Chủ Nhật, 14/07/2019, 08:24
Chiều 13-7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để bàn về các giải pháp thúc đẩy thương mại, nhất là với các đối tác lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản… trong bối cảnh tình hình kinh tế, thương mại khu vực và quốc tế đang có nhiều thay đổi, biến động khó lường.


Cùng dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành khối kinh tế tổng hợp và các tập đoàn, tổng công ty phụ trách những lĩnh vực sản xuất trọng yếu của nền kinh tế.

Tại phiên họp, Thường trực Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã xem xét các báo cáo của các bộ, ngành để đánh giá tổng quan quan hệ thương mại với các đối tác lớn của nền kinh tế, phân tích những hạn chế yếu kém cần khắc phục. Chính phủ cũng bàn các biện pháp, chương trình hành động cụ thể, xây dựng quan hệ thương mại bền vững, cân bằng với các đối tác; kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ hàng hóa (CO)…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực suy giảm, cạnh tranh thương mại đang diễn ra rất gay gắt, các bộ, ngành cần chủ động có các bước đi, cách làm thiết thực, phù hợp để thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, tạo thêm việc làm; đồng thời, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục đà tăng trưởng, phát triển bền vững; trong đó phải chú ý đảm bảo hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác, nhất là với các đối tác lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài triển khai hiệu quả các dự án đầu tư tại Việt Nam, nhất là các tập đoàn lớn có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có tiềm lực tài chính lớn và có các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Về dài hạn, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các chính sách, khung thể chế điều chỉnh những nội dung đang được các đối tác quan tâm như: Thương mại, tiền tệ, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, an ninh mạng… trên quan điểm toàn diện, bền vững, thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng hiệu quả, đôi bên cùng có lợi và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan chủ động các phương án ứng phó với những tình huống bất thường xảy ra; chủ động thông tin, truyền thông phù hợp, bình ổn thị trường.

Theo TTXVN
.
.
.