Thủ tướng chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội

Thứ Hai, 20/02/2017, 19:47
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị 06/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm.

Thời gian qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. 

Hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước đã được tổ chức tốt hơn, theo hướng trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị xã hội của cả nước và từng địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tổ chức lễ kỷ niệm vẫn còn những yếu kém cần phải được nghiêm túc chấn chỉnh và khắc phục.

Để thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế yếu kém trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, tổ chức lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Kết luận số 51-KL/TW ngày 22/07/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII); Kết luận số 88-KL/TW ngày 18/02/2014 của Bộ Chính trị về tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh, xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm, xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư (khoá XI) về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các công điện, văn bản liên quan của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời chỉ đạo, tổ chức lễ hội, tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí; phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Hàng nghìn người tranh cướp hoa tre, trầu cau tại lễ hội đền Sóc, Hà Nội. Ảnh: VNE.

Cán bộ, công chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội trong giờ hành chính (trừ trường hợp được giao thực thi nhiệm vụ).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để Bộ, ngành, địa phương do mình phụ trách và quản lý vi phạm quy định quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong lễ hội.

Chấn chỉnh hành vi chen lấn, tranh cướp lộc

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành: Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội theo hướng có các quy định phù hợp với từng loại hình lễ hội; Nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương, theo hướng quy định cụ thể về quy mô, nghi thức và quy trình buổi lễ, thành phần, số lượng khách mời.

Đồng thời chấn chỉnh, hướng dẫn các địa phương việc cấp phép, tổ chức lễ hội truyền thống, không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, gây bức xúc trong dư luận xã hội như: chen lấn, tranh cướp lộc, gây mất an ninh trật tự, trang phục không phù hợp, mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin…

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc tổ chức các sự kiện, liên hoan (festival) ngành nghề quảng bá sản phẩm hàng hóa, xúc tiến thương mại theo hướng quy định cụ thể quy mô, nội dung hoạt động, quy trình tổ chức, thành phần, số lượng khách mời bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ; tổ chức tốt các dịch vụ phục vụ du khách.

Các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Thanh tra các địa phương thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tổ chức lễ hội vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước; công bố công khai kết quả thanh tra những cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý và tổ chức lễ hội.

Không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát, điều chỉnh kế hoạch tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, không trái với quy định của Nhà nước. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương; không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc.

Có phương án tổ chức, bố trí khu vực dịch vụ bảo đảm thuận tiện, phù hợp với không gian tổ chức lễ hội; không bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra bảo đảm thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán đúng giá, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Theo BaoChinhphu
.
.
.