Làm gì lễ hội hết biến tướng, trục lợi?

Sẽ có chế tài đủ sức làm lành mạnh hóa lễ hội

Thứ Hai, 20/02/2017, 09:50
Ngoài những tiến bộ đã đạt được, mùa lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu năm 2017 vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực. Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xung quanh những vấn đề nêu trên.


Bài 3:

Phóng viên (PV): Thưa bà, Cục Văn hóa cơ sở có đánh giá như thế nào về mùa lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu năm 2017?

Bà Trịnh Thị Thủy: Tính đến thời điểm hiện tại, công tác tổ chức và quản lý lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả tích cực so với các năm trước, thể hiện trên nhiều mặt. Thứ nhất, nội dung lễ hội ngày càng phong phú và hấp dẫn hơn. Các hình thức tổ chức lễ hội cũng có nhiều đổi mới, đặc biệt là công tác đảm bảo ANTT; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm đã có những bước tiến quan trọng, cơ bản khắc phục được những hạn chế, yếu kém của những mùa lễ hội trước.

Bà Trịnh Thị Thủy tại cuộc trao đổi với phóng viên Báo CAND.

Cụ thể, phần lớn lễ hội ở các địa phương đều chủ động xây dựng được kế hoạch tương đối bài bản để triển khai, thực hiện. Đối với những lễ hội lớn, còn có những kế hoạch cụ thể hơn như kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông…

Ngoài ra, Ban tổ chức (BTC) các lễ hội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh để người đi lễ hiểu được những giá trị cơ bản của nơi mình đến. Từ đó nhận thức của du khách cũng được cải thiện, cách ứng xử của người dân trong lễ hội cũng từng bước được nâng lên…

PV: Thế còn những tiêu cực của mùa lễ hội đầu xuân năm nay thì sao, thưa bà?

Bà Trịnh Thị Thủy: Bên cạnh những tiến bộ như tôi vừa trình bày, mùa lễ hội đầu xuân năm 2017 vẫn còn tồn tại những hành vi phản cảm ở một số lễ hội như việc phát lộc của sư thầy ở chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội); khoảnh khắc cướp giò hoa tre trong hội Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); tranh cướp phết ở Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ); trường hợp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh tổ chức khai ấn tặng hội viên không đúng quy định; việc tổ chức phát thẻ ấn ở đền Quang Trung (TP Vinh, Nghệ An)...

Năm trước, chúng tôi đi kiểm tra công tác tổ chức lễ hội ở đền Bà Chúa Kho thì thấy vệ sinh ở đây rất bẩn thỉu; tình trạng đốt vàng mã tràn lan; hiện tượng khấn thuê, khấn mướn phản cảm… Khi nắm được tình hình, chúng tôi đã yêu cầu Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh phải tham mưu cho UBND tỉnh về các biện pháp giải quyết những tình trạng trên. Sau đó chúng tôi còn xây dựng riêng đề án quy định về việc đốt vàng mã ở đền Bà Chúa Kho…

Như anh thấy đấy, mùa lễ hội năm nay, tình trạng đốt vàng mã hay chèo kéo khách khấn thuê, khấn mướn ở đền Bà Chúa Kho đã giảm hẳn. Trước mỗi vấn đề tiêu cực, ngay lập tức Bộ VH-TT&DL đều có công văn yêu cầu các địa phương kịp thời chấn chỉnh.

PV: Đối với việc tranh cướp phết ở Hiền Quan, tỉnh Phú Thọ, cơ quan quản lý nhà nước có động thái gì không, thưa bà?

Bà Trịnh Thị Thủy: Trong những năm gần đây, lễ hội cướp phết ở Hiền Quan gây được sự chú ý của đông đảo dư luận. Vì vậy, ngay ở thời điểm tổ chức, Bộ VH-TT&DL có cử một đoàn công tác về giám sát, kiểm tra đối với lễ hội này.

PV: Vậy thì tại sao lễ hội này vẫn diễn ra cảnh bạo lực?

Bà Trịnh Thị Thủy: Thứ nhất là do niềm tin của nhân dân về sự may mắn khi giành được quả phết trong lễ hội đã ăn sâu vào suy nghĩ của họ từ bao đời. Vì vậy mà nhiều người đã quan niệm rằng, phải tìm mọi cách để giành được quả phết ấy. Thứ hai là BTC đã không có phương án dự phòng trong những tình huống có thể phát sinh.

Trước khi diễn ra lễ hội, BTC đã lên kế hoạch tổ chức thành 2 đội, mỗi đội 50 người và có giới hạn phạm vi để tranh giành phết. Tuy nhiên, ngay ở thời điểm đó, đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL có yêu cầu phương án dự phòng trong tình huống có thể hàng nghìn người xem xung quanh lễ hội tràn vào khu vực giới hạn để tranh cướp phết nhưng BTC lễ hội trả lời là không có kế hoạch dự phòng.

PV: Vậy là đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL cũng không thể làm gì?

Bà Trịnh Thị Thủy: Về mặt quản lý nhà nước thì trước khi diễn ra, lễ hội cướp phết không vi phạm gì cả. Theo quy định hiện hành thì chỉ những lễ hội vi phạm nghiêm trọng hoặc lễ hội không được cấp phép thì mới buộc yêu cầu phải dừng tổ chức ngay. Còn những lễ hội đã có giấy phép, được tổ chức lâu đời rồi, cần phải có thời gian để vận động cộng đồng đó thay đổi.

PV: Có nghĩa là chúng ta vẫn đang thiếu chế tài xử lý đủ mạnh?

Bà Trịnh Thị Thủy: Đúng vậy. Vì thế nên trong năm 2017 này, Bộ VH-TT&DL sẽ tham mưu trình Chính phủ để ban hành Nghị định quy định về hoạt động lễ hội, trong đó có quy định về nội dung, hình thức, phân cấp cũng như chế tài xử phạt vi phạm sao cho đủ sức răn đe. Từ trước đến nay công tác quản lý lễ hội còn nặng về tuyên truyền. Mức xử phạt còn nhẹ.

Ví dụ những lễ hội sai phạm qua nhiều năm, cũng chưa có quy định cụ thể nào cho việc tạm dừng tổ chức trong thời gian ngắn hạn hay dài hạn… Đó là những biện pháp chúng tôi sẽ nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình tham mưu cho Chính phủ.

PV: Chúng ta có thể làm gì khác ngoài việc xử phạt không, thưa bà?

Bà Trịnh Thị Thủy: Để thay đổi một tập tục không còn phù hợp và đặc biệt là ý thức, niềm tin của một cộng đồng, cần có quá trình, thời gian tuyên truyền, vận động để từ đó hi vọng có thể thay đổi được tư duy, quan niệm và hành động của người dân.

Ví dụ như đối với lễ hội chém lợn phản cảm ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) diễn ra trong những năm trước đây, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức hẳn một đoàn chuyên gia để nghiên cứu riêng. Kết quả cho thấy, nguyên gốc của lễ hội này không có chi tiết mang lợn ra chém giữa sân đình.

Từ kết quả đó, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức các đoàn công tác xuống Bắc Ninh đến 3 lần để tổ chức hội thảo, làm rõ những căn cứ về lịch sử và văn hóa của lễ hội này. Đồng thời chúng tôi cũng tổ chức gặp gỡ cộng đồng người dân làng Ném Thượng để lắng nghe ý kiến của bà con, từ đó tuyên truyền, vận động, đi đến thống nhất phương án tổ chức sao cho phù hợp và cuối cùng họ đã đồng ý.

Kết quả là lễ hội làng Ném Thượng năm nay không còn hành vi chém lợn phản cảm như các năm trước nữa. Đó mới là cái gốc trong việc xử lý các vấn đề còn tồn tại đối với công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

PV: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

 

Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý: “Cần nỗ lực thay đổi nhận thức của cộng đồng về lễ hội”

“Lễ hội ở Việt Nam hiện nay đang có nhiều vấn đề, do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do lễ hội bị gián đoạn, đứt quãng trong một thời gian dài, ít nhất là từ 1945 đến 1960, đã tạo nhiều lỗ hổng trong lễ hội. Tuy nhiên, giải quyết vướng mắc của lễ hội phải có cơ sở khoa học và có giải pháp cơ bản.

Cần rà soát lại toàn bộ các lễ hội, xây dựng danh mục các lễ hội quan trọng để phối hợp với chính quyền địa phương quản lý, tổ chức. Cơ quan quản lý văn hóa không thể quản lý thay cho cộng đồng nhưng có thể đứng sau, tư vấn cho cộng đồng.

Những lễ hội quan trọng cần được nghiên cứu, xác định đâu là giá trị cốt lõi, đâu là cái mới được thêm vào. Trong quá trình nghiên cứu, cần có sự tham gia của cộng đồng để họ nhận thức đúng về lễ hội. Nếu thay đổi cách thức tổ chức lễ hội mà có sự đồng thuận của cộng đồng, họ thấy hợp lý thì sẽ thuận lợi và tự cộng đồng sẽ xác định biện pháp bảo vệ giá trị cốt lõi lễ hội của họ”.

Cảnh Vũ – Nguyễn Hoa (thực hiện)
.
.
.