Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ

Chủ Nhật, 23/12/2018, 07:38
Làm việc với Tổ tư vấn kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn lắng nghe góp ý về những ưu tiên cho năm 2019, 5 năm, 10 năm tới và đặt vấn đề làm sao để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công, bẫy “thiên đường ô nhiễm”.

Cùng dự buổi làm việc sáng 22-12 tại trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và một số lãnh đạo bộ, ngành.

Hàng loạt vấn đề đặt ra

Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn lắng nghe các ý kiến về các bất cập, hạn chế chưa tháo gỡ được, nhất là “hiến kế” của Tổ tư vấn, những chuyên gia trên các lĩnh vực với tinh thần “làm sao chúng ta chủ động hơn, sáng tạo, tìm giải pháp làm chủ tình hình, định hướng và huy động được nguồn lực toàn xã hội, phấn đấu làm sao để Việt Nam nhanh nhất có thể trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng cũng mong muốn được nghe “hiến kế” để làm sao năm 2019 tăng trưởng đạt khoảng 7%, đồng thời giữ được mục tiêu ổn định vĩ mô.

“Cũng có ý kiến viết thư cho tôi nói là bây giờ không đặt tăng trưởng cao mà đi vào chất lượng tăng trưởng, nền tảng tăng trưởng. Tôi cho rằng quan điểm này cần nghiên cứu nhưng đất nước mình tuy có tăng trưởng cao nhưng quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân còn thấp. Mình không vượt lên, kiên trì mục tiêu tăng trưởng, đi liền với chất lượng tăng trưởng và ổn định vĩ mô, Việt Nam khó có thể thành công. Còn làm gì đó để có tăng trưởng là câu hỏi đặt ra”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng mong muốn lắng nghe góp ý về những ưu tiên cho năm 2019, cho 5 năm và 10 năm tới và đi theo đó, những gì được gọi là động lực mới cho tăng trưởng hay “điều mà các nhà nghiên cứu quan tâm là làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công, bẫy “thiên đường ô nhiễm” xảy ra ở Việt Nam”.

Một vấn đề khác, những giải pháp, cơ hội từ cách mạng 4.0 đang lan tỏa khắp nền kinh tế, vậy cần bắt đầu như thế nào và đi theo con đường nào?

Đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, vậy làm sao để tăng hiệu quả hội nhập? Việc tận dụng các FTA đã ký kết cũng là vấn đề đặt ra. Cải cách doanh nghiệp nhà nước hiện nay nên tư duy theo hướng nào? Việc phát triển toàn diện con người như thế nào?

Cùng với đó, làm sao thực hiện thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau” một cách có hiệu quả nhất. Làm sao thúc đẩy, hỗ trợ các đô thị động lực khi mà “nơi nào nhiều ánh sáng nhất thì nơi đó giàu có nhất”, nhưng cũng phải bảo đảm các địa phương vùng núi, vùng xa phát triển.

Thủ tướng cũng mong muốn Tổ tư vấn cho ý kiến về chính sách gì để giữ  môi trường, tài nguyên, giúp tăng trưởng vừa nhanh cho thế hệ hôm nay vừa bền vững cho thế hệ sau. “Đặc biệt, chúng tôi muốn quý vị đóng góp ý kiến về những đột phá chiến lược. Bây giờ có đột phá nào mới nữa thực sự là chiến lược”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn đóng góp ý kiến cho một vấn đề nữa là mối quan hệ giữa 3 trụ cột: Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội dân chủ hay giải pháp nào để “khoan thư sức dân”, một “kế” mà nhiều nước trong khu vực đã tập trung thực hiện như giảm mạnh thuế…

Nền kinh tế đứng trước ngưỡng cửa chuyển biến lớn

Cho rằng đây là những bài toán lớn, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định tiềm năng của nền kinh tế còn rất lớn và xuất hiện thêm không ít cơ hội mới. Nếu có giải pháp thực thi tốt, tận dụng được cơ hội mới, khai thác tốt hơn tiềm năng của nền kinh tế, trong hai năm tới vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng.

Dự báo kinh tế năm 2019, Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản. Theo đó, kịch bản 1 (dựa trên giả thuyết điều kiện bình thường của nền kinh tế), GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018 – 2020. Kịch bản 2, con số này là 6,91% và kịch bản 3 là 7,06%.

Tổ tư vấn cho rằng, năm 2019, có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9-7% và lạm phát dưới 4%.

Để đạt được mục tiêu nói trên, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là hai động lực chính; khu vực tư nhân phải có biện pháp mạnh hơn nữa (so với năm 2018).

Tổ tư vấn kiến nghị ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 nút thắt căn bản (vướng mắc triển khai dự  án lớn; trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội), coi đây là những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành.

Ghi nhận các ý kiến của Tổ tư vấn, Thủ tướng cho rằng, các chuyên gia, thành viên của Tổ đã đưa ra nhiều nhận định, nhiều đánh giá sát với thực tế, trong đó có đề xuất mới, cụ thể, có tính thực tiễn cao.

“Về năm 2018, các đồng chí đã phân tích, có nhiều yếu tố đáng mừng. Tôi chỉ tóm tắt một câu, đó là chúng ta không chỉ giữ vững mà phát triển khá toàn diện trong bối cảnh quốc tế phức tạp. Có thể nói là mang lại niềm tin lớn cho gần 100 triệu dân, đời sống tốt hơn, nhất là giữ được ổn định vĩ mô, tăng trưởng cao”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh sự “bứt phá” trong khẩu hiệu hành động năm 2019.

Đối với giải pháp, Thủ tướng nhất trí cho rằng, cần phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng, xử lý ngay những tồn tại, vướng mắc, tháo các điểm nghẽn cho phát triển. Phải thực sự coi khoa học công nghệ là động lực đột phá.

Thủ tướng nhất trí đề xuất liên quan đến triển khai công nghệ 5G, giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án, “chúng ta phải quyết tâm, không chấp nhận để kéo dài tình trạng người Việt Nam kéo nhau ra nước ngoài khởi nghiệp vì chúng ta thiếu môi trường hỗ trợ cho sản phẩm sáng tạo”. Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn tham mưu thêm về vấn đề này.

Thủ tướng cũng giao Tổ tư vấn hợp tác với phía Singapore xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo theo mô hình Singapore. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng phối hợp làm vấn đề này.

Thủ tướng ghi nhận ý kiến cho rằng phải tạo chuyển biến, tháo gỡ trực tiếp, có hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền tốt hơn, khắc phục tư tưởng cuối nhiệm kỳ. 

Về giải pháp dài hạn, Thủ tướng hoan nghênh Tổ tư vấn đã chủ động phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu đề tài mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 để tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn dành thêm thời gian, tâm trí đối với một số công việc như đóng góp vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn xa hơn cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025.

Cho biết sẽ giao VCCI tổng hợp các vấn đề bất cập, vướng mắc nhất của luật pháp mà doanh nghiệp kiến nghị, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn cùng các bộ liên quan giúp Thủ tướng đánh giá đề xuất sửa đổi những văn bản này.

Tổ tư vấn cần huy động thêm các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong nước và ngoài nước tham gia đóng góp ý kiến tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình chuẩn bị văn kiện trình Đại hội Đảng XIII.

Thủ tướng mong Tổ tư vấn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp để nắm bắt thực tiễn, đề xuất kịp thời hơn nữa.

Thủ tướng cũng mong muốn Tổ tư vấn theo dõi chủ trương, quan điểm chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giúp Thủ tướng làm tốt công tác truyền thông chính sách, những gì không đồng tình có thể trao đổi trực tiếp với Thủ tướng và Thủ tướng luôn sẵn sàng lắng nghe, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, làm xã hội phân tâm.

l Mở đầu cho chuyến công tác tại Thanh Hóa – vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và nổi tiếng địa linh nhân kiệt, cùng ngày chiều  22-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Đây là quê hương đất tổ nhà Lê – nơi sinh ra Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV. Cùng đi có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Thanh Hóa.

Sau 10 năm (1418-1428) kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ thịnh trị cho đất nước kéo dài gần 360 năm. Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long Đông Đô - Hà Nội.  Đây là khu di tích mang nhiều ý nghĩa giá trị văn hoá thiêng liêng không chỉ của nhân dân Thanh Hoá mà của cả dân tộc.

Mặc dù các công trình kiến trúc từ ngàn xưa đến nay không còn nhiều, nhưng chứa đựng những ý nghĩa giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hoá, tâm linh. Năm 1962, di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng cấp quốc gia, đến 1994 được Chính phủ phê duyệt dự án trùng tu tôn tạo. Từ đó đến nay nhiều hạng mục công trình khu di tích đã được phục hồi tôn tạo, tránh được sự hoang phế, bảo vệ được nhiều di tích di vật cổ thời Lê.

Đến nay, hầu hết các công trình hạng mục trong khu di tích đã được nghiên cứu khai quật khảo cổ học 7 đợt, cung cấp nhiều tài liệu có giá trị, làm rõ được hình hài của những di tích bị vùi lấp, bảo vệ được những di tích gốc đang có nguy cơ bị huỷ hoại, ngăn chặn được tình trạng hoang phế, đang từng bước khôi phục lại diện mạo Lam Kinh xưa.

* Rời Khu di tích Lam Kinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã tới thăm mô hình sản xuất của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, tiền thân là Nhà máy đường Lam Sơn tại xã Thọ Xương (nay là Thị trấn Lam Sơn), huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã tới thị sát công trình Cảng Hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa.

PV
.
.
.