Hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử vào năm 2025
- Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
- Những dấu ấn trong phát triển Chính phủ điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Nâng cao năng lực giám sát an toàn thông tin mạng phục vụ Chính phủ điện tử
Cùng dự phiên họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban và lãnh đạo Bộ, ngành, tập đoàn là thành viên của Ủy ban.
Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban đã công bố Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng việc triển khai còn nhiều tồn tại, bất cập, còn chậm.
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chính phủ điện tử và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Philippines.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Phiên họp Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử ra mắt. |
Xếp hạng này còn thấp so với mong muốn và điều đó càng thúc đẩy quyết tâm mạnh mẽ hơn trong xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ và cho rằng, việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử là một trong những nỗ lực trong việc thúc đẩy quá trình này.
Bên cạnh đó, việc Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng làm Phó Chủ tịch và nhiều ủy viên là tư lệnh ngành, lĩnh vực, lãnh đạo tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin lớn cũng thể hiện quyết tâm chính trị cao trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Chính phủ đã thấy được vấn đề để cải cách, đổi mới, phù hợp với tiến trình của đất nước, theo đường lối của Đảng, Nhà nước để Chính phủ có thể phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với xu hướng mới, nâng cao năng suất lao động, tính minh bạch, hiện đại, đồng thời giảm nhũng nhiễu, phiền hà, đồng thời, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tốt hơn, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng đề nghị, cần đánh giá mặt được, chưa được, nguyên nhân, nhất là nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến 2025, đồng thời đề nghị nêu cụ thể những rào cản, vướng mắc cần tập trung thảo luận, tháo gỡ trong triển khai Chính phủ điện tử.
“Phải chăng rào cản đầu tiên hiện nay chính là từ những người làm việc tại cơ quan hành chính, thiếu quyết tâm của người đứng đầu, hay do ngại sử dụng công nghệ thông tin, sự né tránh của cán bộ, công chức để không phải minh bạch, công khai công việc… hay thiếu về thể chế, chính sách hay tồn tại những quy định bất hợp lý, gây khó khăn trong việc triển khai…” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu trong phiên họp. |
Thủ tướng cũng đề nghị các ủy viên tập trung thảo luận về vấn đề cơ sở dữ liệu dùng chung, đề xuất các chỉ tiêu cần đạt được trong giai đoạn, nếu chưa phù hợp có cần điều chỉnh hay đặt ra thêm các chỉ tiêu cụ thể để xác định, đánh giá được thực chất nhiệm vụ, công việc về Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương…
Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận về vấn đề bảo đảm các nguồn lực ưu tiên nguồn lực tài chính, thu hút nguồn lực cho phát triển Chính phủ điện tử để lựa chọn cách làm phù hợp nhất.
Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình bày tóm tắt báo cáo về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025 nêu rõ, khung Kiến trúc Chính phủ điện tử được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành năm 2015 đến nay đã có trên 50 bộ, ngành, địa phương triển khai nghiên cứu và xây dưg Kiến trúc Chính phủ/Chính quyền điện tử.
Chính phủ điện tử đã xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; hiện đang triẻn khai các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai quốc gia, Tài chính và Bảo hiểm. 100% các bộ, ngành, địa phương đã bước đầu thiết lập các Trung tâm dữ liệu nhưng ở các quy mô rất khác nhau.
Tuy nhiên, việc xây dựng Chính phủ điện tử còn nhiều hạn chế, tồn tại như hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, dữ liệu điện tử tại các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành; một số cơ sở dữ liệu quốc gia nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống còn chưa được thực hiện…
Mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử từ nay đến năm 2025 là hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lược phục vụ người dân, doanh nghiệp; phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử của LHQ…