"Theo mô hình tổ chức mới, Cảnh sát PCCC sẽ vận hành tốt hơn"

Thứ Hai, 08/07/2019, 16:54
Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 – 2018”, sáng 8-7.


Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, qua thống kê các loại hình cháy rừng, cháy chợ, cháy chung cư, nhà dân, cháy quán karaoke, cháy kho đạn, cháy kho phế liệu, kho xăng dầu... thì nguồn gốc chủ yếu liên quan đến điện, thậm chí chiếm tới 70%. Do đó cần tập trung giám sát về vấn đề này. 

“Ở đây chúng ta chưa khẳng định tất cả trách nhiệm đều của ngành điện nhưng có thể thấy việc dùng điện khá tràn lan. Ở nước Anh họ quản lý việc dùng điện rất chặt chẽ, đến tận gia đình, nếu đăng ký điện 5 bóng thì chỉ được dùng 5 bóng, phát sinh thêm là phải báo cáo với cơ quan quản lý”, Thứ trưởng nói. Bên cạnh đó, sử dụng quá tải sẽ xảy ra cháy, hay việc sử dụng điện để sản xuất, liên quan đến hàn xì, như vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội làm 8 người chết...

Thứ trưởng Lê Quý Vương

Đồng chí Thứ trưởng đề nghị đánh giá yếu tố quản lý về điện, vì việc sử dụng điện của dân cư hiện nay tương đối thoải mái, chủ yếu siết bằng việc thu tiền điện, còn việc sử dụng như thế nào, cấp phép ra sao, số lượng đăng ký, bố trí công-tơ, aptomat không được chú trọng... 

Thứ hai, liên quan đến nguồn nước chữa cháy, ngay ở Hà Nội nhiều khu chung cư thỉnh thoảng vẫn mất nước, nước phục vụ cho chữa cháy gần như không có. Do đó ảnh hưởng việc chữa cháy, nhiều khi xe chữa cháy đến nhưng không có nước, phải triển khai hút nước ở các hồ bên cạnh...

Về băn khoăn mô hình tổ chức mới sáp nhập lực lượng Cảnh sát PCCC vào Công an sẽ làm giảm hiệu quả công tác PCCC, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định, mô hình tổ chức mới đang vận hành sẽ tốt hơn. Trước đây tổ chức thí điểm thành lập Sở Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh là đơn vị độc lập. Sau đó nhân rộng ra 20 tỉnh, thành phố có lực lượng PCCC riêng. 

Khi thành lập riêng thì có mấy yếu tố: Lực lượng này không có lực lượng ở cơ sở, cơ cấu tổ chức chỉ đến cấp phòng. Dưới phòng nếu có chỉ là Công an phường, mà Công an phường thuộc Công an thành phố, do đó hai lực lượng này độc lập với nhau, sự phối hợp chỉ đạo khó khăn. Ngoài ra, sự phối hợp PCCC giữa Công an và PCCC không được kịp thời.

“Khi sáp nhập lại, Công an các tỉnh chủ yếu điều chỉnh số Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC này sang Phó Giám đốc Công an các tỉnh lân cận, do đó hiện các tỉnh cơ bản có Phó Giám đốc chuyên trách về PCCC. Công an tỉnh có Phòng PCCC và tổ chức lực lượng xuống các đội, các tổ, có đủ các cấp quản lý. 

Với mô hình tổ chức mới, lực lượng Công an bám sát tới tận cơ sở, tổ chức thêm lực lượng dân phòng, mô hình PCCC ở các khu dân cư, từ đó tính toán lại lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp của Công an, có trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ xảy ra cháy ở Hà Nội thì Hà Nam, Vĩnh Phúc có thể sẵn sàng ứng cứu...”, Thứ trưởng Lê Quý Vương lý giải.


Quỳnh Vinh
.
.
.