Dự án điện gió trị giá 2 tỷ USD vừa được ký kết:

Thêm kỳ vọng từ nguồn năng lượng tái tạo

Thứ Ba, 08/11/2016, 17:33

Ngày 7-11, tại Phủ Chủ tịch, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Ai-len Michael D. Higgins, Tập đoàn Phú Cường cùng Tập đoàn GE (Hoa Kỳ) và Tập đoàn Mainstream (Ai-len) ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện đầu tư dự án điện gió được đánh giá có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, công suất lên đến 800MW với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Dự án sẽ được thực hiện tại khu vực bãi bồi ven biển tỉnh Sóc Trăng được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt trong phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần giảm thiểu nguy cơ thiếu điện của miền Nam trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai-len Michael D.Higgins chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tá giữa Tập đoàn Phú Cường với Tập đoàn GE (Hoa Kỳ) và Tập đoàn Mainstream (Ai-len)

Trao đổi với PV Báo CAND ngay sau lễ ký kết, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường cho biết, dự kiến giai đoạn 1 của dự án có công suất 150-200MW sẽ hoàn thành thu xếp tài chính vào năm 2018, khi đi vào vận hành sẽ góp phần bổ sung nguồn cung điện năng cho miền Nam trong những năm tới.

Ông Nguyễn Việt Cường cho biết thêm, trước sự kiện lễ ký thỏa thuận hợp tác thực hiện, dự án đã được nhận tài trợ của Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) cho công tác thực hiện “Nghiên cứu báo cáo khả thi”. Theo đánh giá của tổ chức này, đây sẽ là dự án bảo vệ môi trường tiêu biểu của ngành điện, phù hợp với chủ trương đa dạng hoá các nguồn cung cấp năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, dự án còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Việt Nam, là thành công của chính sách khuyến khích khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn vốn FDI, tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh lợi thế về điều kiện gió tốt hơn, việc xây dựng trang trại điện gió tại khu vực bãi bồi sẽ tận dụng được diện tích mặt biển, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu cho việc phát triển năng lượng gió đạt quy mô 800MW vào năm 2020, và 6000MW vào năm 2030.

Tổng Giám đốc dự án, ông Phạm Quốc Anh cho biết: “Năng lượng gió là một lĩnh vực tương đối mới tại Việt Nam. Là một trong những đơn vị tiên phong, Tập đoàn Phú Cường mong muốn và lựa chọn hợp tác với những đơn vị có uy tín, năng lực để đảm bảo dự án đạt chất lượng cao nhất. Tập đoàn GE và Tập đoàn Mainstream là những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió với rất nhiều kinh nghiệm và khả năng tài chính vững mạnh. Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác của các bên sẽ mang lại thành công cho dự án, đóng góp vào sự phát triển nguồn năng lượng sạch và an ninh năng lượng cho Việt Nam.”

Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường, cùng đại diện Bộ Công thương và các đối tác sau lễ ký kết. 

Tổng Giám đốc Công ty TNHH GE Việt Nam, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, vào tháng 5-2016, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Tập đoàn GE đã ký kết văn kiện ghi nhớ hợp tác với Bộ Công Thương nhằm phát triển tối thiểu 1000MW điện gió tại Việt Nam đến năm 2025. “Chúng tôi nhận thấy Tập đoàn Phú Cường là một nhà phát triển tiềm năng và có năng lực cần thiết để thực hiện những dự án điện gió quy mô lớn trong khuôn khổ hợp tác trên” – ông Sơn chia sẻ.

Về phía Tập đoàn Mainstream, ông Andy Kinsella, Tổng Giám đốc điều hành, nhận xét: “Về nhu cầu năng lượng, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Qua kinh nghiệm toàn cầu của chúng tôi, Tập đoàn Mainstream có sự chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp năng lượng tái tạo với chất lượng cao và chi phí thấp, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam gia tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo vào năm 2020 và xa hơn nữa. Việc đầu tư vào Việt Nam rất phù hợp với mục tiêu của chúng tôi trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn ở những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và có nhu cầu lớn về nguồn điện". 

Là một trong những doanh nghiệp sở hữu danh mục năng lượng tái tạo sâu rộng nhất trong ngành công nghiệp, với tổng công suất lắp đặt lớn nhất thế giới lên tới 370GW, GE đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trang trại điện gió đầu tiên của khu vực ĐBSCL tại tỉnh Bạc Liêu. GE đã cung cấp 62 tuabin gió, với tổng công suất trên 99MW điện; dự án đã hòa lưới điện quốc gia từ giữa 2013. Nhà máy Điện gió Bạc Liêu hoàn thành vượt tiến độ hiện đã hòa vào lưới điện quốc gia hơn 16.000 MWh điện sạch. 

Nhà máy Điện gió Bạc Liêu hoàn thành vượt tiến độ

Năm 2009, GE thành lập nhà máy sản xuất linh kiện tua-bin gió tại Hải Phòng; tạo ra hơn 600 việc làm cho người dân địa phương và xuất khẩu hàng nghìn máy phát điện cùng linh kiện tua-bin gió nhằm góp phần vào các giải pháp năng lượng toàn cầu. GE là một trong những công ty Hoa Kỳ đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào năm 1993. GE Việt Nam hiện có hơn 900 nhân viên và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực Power (Năng lượng), Energy Connections (Truyền tải điện), Renewable Energy (Năng lượng tái tạo), Oil & Gas (Dầu khí), Healthcare (Thiết bị y tế) và Aviation (Hàng không)... 

Đến nay, Việt Nam đã có hai dự án điện gió đang được vận hành và nối lưới điện quốc gia với tổng công suất 129,2MW, gồm Dự án điện gió Tuy Phong tại Bình Thuận (30MW) và Dự án điện gió Bạc Liêu (99,2 MW). 

Cùng với Dự án điện gió Phú Lạc giai đoạn 1 và Dự án điện gió Trà Vinh 1 đang nghiên cứu khả thi; đặc biệt, Dự án điện gió Khai Long giai đoạn 1 tại Cà Mau đang được triển khai, đã cho thấy tiềm năng về điện gió đã trở thành ngành kinh tế mới, được các nhà đầu tư quan tâm thực hiện với nhiều dự báo triển vọng mở rộng, phát triển lớn mạnh trong tương lai. 

Mới đây, Viện Năng lượng (Bộ Công thương) vừa ký hợp đồng dịch vụ tư vấn hai gói thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy Điện gió Hàn Quốc - Bến Tre 60MW (Bến Tre) và Nhà máy Điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh 2 - 96MW (Trà Vinh).

Thái Bình
.
.
.