Tăng cường tập huấn cho Cơ quan điều tra các cấp, đổi mới công tác điều tra

Thứ Ba, 30/10/2018, 11:14

Bộ Công an đang tập trung triển khai có hiệu quả Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật hình sự, Luật Thi hành Tạm giữ, tạm giam...

Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ sáng 30-10, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) chất vấn Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện KSNDTC giải pháp giải quyết các vụ án bị "treo"

Trả lời về số vụ án đình chỉ, tạm đình chỉ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong năm 2018 (từ 1-10-2017  đến 30-9-2018), đã là tạm đình chỉ 2.411 bị can, so với cùng kỳ năm trước tăng hơn 13% số bị can; đình chỉ bị can 2.345 bị can, cũng tăng hơn cùng kỳ năm trước. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Nguyên nhân tăng do  chúng ta áp dụng Bộ Luật hình sự mới 2015 do có nhiều quy định mới. Cụ thể, có 1.179 bị can do người bị hại rút đơn; nhiều trường hợp hai bên tự hoà giải. Về nguyên nhân chủ quan chỉ có 24 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,7%, đây là rất nhỏ.  Các trường hợp này cũng cần đánh giá cụ thể mới xác định oan sai và bồi thường thiệt hại.

Để nâng cao hiệu quả công tác điều tra thời gian tới, Bộ Công an  tập trung thực thi hiệu quả Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật hình sự, Luật Thi hành Tạm  giữ, tạm giam; tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng điều tra; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý những tồn tại thiếu sót trong xử lý tin báo, tố giác tội phạm; bố trí các phòng ghi âm, ghi hình; thực hiện các giải pháp phòng chống tiêu cực trong hoạt động điều tra, chống bức cung, nhục hình...

Trả lời về trách nhiệm của mình đối với câu hỏi đại biểu Phương Hoa nêu, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, chất lượng công tác điều tra có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn tồn tại như trong báo cáo nêu. Chúng tôi sẽ đặc biệt áp dụng biện pháp hạn chế như: Viện sẽ tăng cường kiểm sát quá trình xử lý tin báo tố giác ngay từ đầu. Quá trình khởi tố, điều tra, nghiên cứu hồ sơ phát hiện mâu thuẫn, bất cập sẽ yêu cầu xác minh kịp thời, chặt chẽ từ đầu cho đến cả quá trình. Các quy định của luật tố tụng, nghiệp vụ của ngành thì cần thanh kiểm tra chấn chỉnh chấp hành nghiêm để hạn chế bớt sai sót.

Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ có mặt tích cực vì đấu tranh tội phạm không khởi tố, không bắt thì không điều tra được như tội ma tuý, tham nhũng, cướp, giết, hiếp, đánh bài... Khi phân loại không đủ yếu tố thì tạm đình chỉ và đình chỉ là ngăn chặn oan sai. Viện có yêu cầu rà soát các trường hợp tạm đình chỉ để không đủ điều kiện thì kết thúc, còn đủ điều kiện thì phục hồi điều tra.


Thu Thuỷ
.
.
.